Trong khuôn khổ dự án hợp tác Đổi mới giáo dục đại học (PHER) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, ngày 26/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức hội thảo mùa hè 2022.
Dự án PHER được khởi động từ tháng 11/2021 do trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ) thực hiện nhằm hỗ trợ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đà Nẵng xây dựng các mô hình, phương pháp tiếp cận sáng tạo, phát triển các mối quan hệ đối tác. Dự án tập trung vào 4 nội dung chính, gồm đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng cường kết nối đại học – doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội mở ra, giáo dục đại học trên thế giới và tại Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức trong bối cảnh mới. Những thách thức này đã được chúng ta nhận thức rõ ràng, từ việc mở rộng quy mô đào tạo, xu hướng toàn cầu hóa đến tăng chi phí và cắt giảm ngân sách đối với giáo dục đại học...
Sự phát triển của công nghệ cùng với bối cảnh toàn cầu hóa đã làm thay đổi rất nhiều trong cách thức tổ chức dạy và học trong giáo dục đại học, phát triển nghiên cứu, ứng dụng đổi mới sáng tạo. Vai trò của các trường đại học ngày càng được nâng lên, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi quốc gia.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, thời gian qua, giáo dục đại học đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên thách thức đặt ra vẫn còn rất lớn. Để thực hiện tốt các sứ mạng đặt ra, tài chính là nguồn lực quan trọng hàng đầu đối với các trường đại học. Trong đó, với bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc khai thác các nguồn lực khác nhau, việc xây dựng mô hình quản trị, nhất là quản trị về tài chính để phát triển bền vững là vấn đề mấu chốt. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là vấn đề quan trọng đối với mỗi trường đại học nói riêng, hệ thống giáo dục đại học nói chung.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, như: Vai trò của đại học, đặc biệt là đại học công lập; tài chính đại học; quá trình chuyển đổi số; mô hình quản trị chia sẻ.
Các chuyên gia đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học công lập phải phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các mục tiêu của Nhà nước, đào tạo tìm kiếm nhân tài cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, việc tự chủ đại học, nhất là đại học công là việc tất yếu mà các trường phải thích ứng và thực hiện trong xu thế chuyển đổi giáo dục. Thách thức cho tiến trình tự chủ với các trường đại học công là rất lớn nhưng không vì thế mà không thích ứng và thay đổi. Hệ thống các trường công sẽ giữ vai trò tiên phong.
(Nguồn: Ngày Nay)