Đổi thay Ba Tầng

Hoài Nhung |

Trở lại xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lần này, chúng tôi cảm nhận được nhiều tín hiệu tích cực về sự đổi thay trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; giữ vững QP - AN, đảm bảo bình yên biên cương; đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên.

Để đưa xã Ba Tầng phát triển, chính quyền địa phương đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế địa phương; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ở địa phương cũng như phát huy nội lực trong Nhân dân, nhất là đánh thức ý chí vươn lên, khát vọng làm giàu, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất chăn nuôi cho người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ người dân về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; tập trung phát triển một số loại cây trồng chủ lực nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm…

Người dân xã Ba Tầng tích cực sản xuất nông nghiệp - Ảnh: H.N
Người dân xã Ba Tầng tích cực sản xuất nông nghiệp - Ảnh: H.N

Từ những chủ trương đúng đắn của xã Ba Tầng cùng sự nỗ lực của người dân trong phát triển sản xuất, nền nông nghiệp của xã từng bước phát triển. Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng 1.188 ha, tăng 140 ha so với năm 2020. Trong đó, diện tích lúa nước 131 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 2,8 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 733,6 tấn; diện tích lúa rẫy 117 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 1,6 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 374,4 tấn. Xã Ba Tầng đã phối hợp với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa trong việc hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và thu mua sắn cho người dân. Từ đó, người dân phấn khởi đầu tư vào phát triển trồng sắn.

Năm 2021, nông dân xã Ba Tầng phát triển diện tích sắn lên đến 550 ha, tăng 65 ha so với năm 2020, năng suất bình quân đạt khoảng 17 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 9.350 tấn. Cây sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trong đó, có nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Chính quyền địa phương khuyến khích, vận động người dân tiếp tục đầu tư vào cây sắn; dự kiến trong năm 2022, mở rộng diện tích trên 600 ha. Bên cạnh cây sắn, xã Ba Tầng còn đẩy mạnh phát triển cây bời lời với diện tích 50 ha, cây chuối 35 ha, rừng tràm 140 ha, cây ăn quả 9 ha, cao su 15 ha, cà phê 40 ha...

Lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm đầu tư phát triển. Hiện toàn xã có 318 con trâu, 141 con bò, 294 con lợn, 1.145 con dê, 3.154 con gia cầm… mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Từ trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp mang lại hiệu quả cao.

Anh Hồ Văn Ngưm, thôn Ba Tầng vui vẻ nói: “Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của bản thân trong phát triển kinh tế, tôi đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp với hơn 2 ha sắn, 1,5 ha cà phê, 1 ha bời lời, 1ha hồ tiêu, nuôi cá, gà, vịt, với tổng thu nhập ban đầu trên 150 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã từng bước thoát nghèo, xây dựng lại nhà cửa kiên cố, chăm lo cho con cái học đàng hoàng. Ngoài ra, tôi cũng giúp đỡ nhiều người dân có thêm điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Lĩnh vực văn hóa trong những năm qua, xã Ba Tầng đã có nhiều sự đổi thay tích cực. Nhiều tập tục, hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Toàn xã đã có 7/7 thôn được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện. Công tác giáo dục và đào tạo, luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân coi trọng; chất lượng giáo dục được nâng lên một bước. Lĩnh vực y tế có nhiều phát triển, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, an ninh nông thôn ổn định, không có hiện tượng xâm canh, xâm cư, xuất, nhập cảnh trái phép. Xã Ba Tầng phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Tầng tổ chức tuần tra, giữ vững tuyến biên giới Việt Nam - Lào; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần phát huy sức mạnh của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xã Ba Tầng còn là điểm sáng trong thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào nghèo.

Già làng Hồ Văn Niềm, thôn Ba Tầng cho hay: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về mọi mặt nên đời sống vật chất và tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay. Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, góp sức xây dựng quê hương phát triển”.

Chủ tịch UBND xã Ba Tầng Hồ Văn Băng phấn khởi nói: “Xã Ba Tầng đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tiềm năng, lợi thế được phát huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Nông nghiệp đã từng bước phát triển; thương mại - dịch vụ duy trì; giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân; QP - AN tiếp tục được tăng cường, giữ vững bình yên nơi biên cương; từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân; bộ mặt xã Ba Tầng ngày càng khởi sắc... Đây là kết quả của sự đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân xã Ba Tầng, trở thành đòn bẩy quan trọng để xã vững bước đi lên, hướng tới những thành công mới”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đổi thay từ những nhịp cầu

Minh Sáu - Minh Hiển |

Xuyên suốt lịch sử, những cộng đồng dân cư ở huyện Đakrông hình thành và phát triển chủ yếu dọc theo sông Đakrông (Quảng Trị).

Đổi thay ở xã vùng cao Hướng Lập

Nguyễn Đình Phục |

Từ tượng đài Chiến thắng Khe Sanh, theo đường Hồ Chí Minh về phía Bắc, chúng tôi vượt hơn 65 km đường đèo dốc trở lại thăm xã Hướng Lập, một trong 11 xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Trong câu chuyện với cán bộ xã và nhiều hộ dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một xã vùng cao biên giới.

Đổi thay ở Ba Nang

Hoài Nhung |

Trở lại Ba Nang lần này, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển biến tích cực của một xã được xếp vào diện đặc biệt khó khăn của huyện Đakrông (Quảng Trị). Từ thực hiện phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho đến việc đầu tư hệ thống đường sá để kết nối vùng miền, tạo thuận lợi cho việc đi lại và các hoạt động giao thương, buôn bán, giao lưu văn hóa; giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, đặc biệt là luôn quan tâm nâng cao đời sống Nhân dân, phát huy nội lực trong dân…, là những nhân tố quan trọng tạo sự đổi thay trên mảnh đất này.

Đổi thay nơi miền Tây Gio Linh, Vĩnh Linh

Nhơn Bốn |

Giờ đây, đi từ thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ), dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh hướng ra phía Bắc qua địa bàn xã Hải Thái, xã Linh Trường (huyện Gio Linh) đến thị trấn Bến Quan và các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi đã thấy bóng dáng của những bản làng, đô thị trù phú, yên bình…