Đổi thay nơi miền Tây Gio Linh, Vĩnh Linh

Nhơn Bốn |

Giờ đây, đi từ thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ), dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh hướng ra phía Bắc qua địa bàn xã Hải Thái, xã Linh Trường (huyện Gio Linh) đến thị trấn Bến Quan và các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi đã thấy bóng dáng của những bản làng, đô thị trù phú, yên bình…

 

Bí thư Đảng ủy xã Linh Trường Hồ Văn Truyền cho biết: “Khoảng 10 năm về trước, Linh Trường là một trong những xã nghèo nhất của huyện Gio Linh nhưng hiện nay đã không còn nhà nào thiếu ăn, thiếu mặc nữa. Giấc mơ về điện, đường, trường, trạm đã thành hiện thực, giờ đây đồng bào không chỉ biết cách làm giàu mà còn phấn đấu để tiến kịp miền xuôi. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đến cuối năm 2020 là 26 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo từ 60 - 70% nay đã giảm xuống còn 29,79%. Hiện nay, người dân đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào làm nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi nên chất lượng đời sống ngày càng được cải thiện”.

Một góc thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.B
Một góc thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.B

Trong tiến trình phát triển, giờ đây không chỉ xã Hải Thái, xã Linh Trường mà cả những xã như Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và thị trấn Bến Quan cũng đã vươn lên mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Vĩnh Hà đạt 35,5 triệu đồng/năm, hình thành được 37 cơ sở thương mại, dịch vụ, nguồn thu từ lâm nghiệp và chăn nuôi ước đạt 8 tỉ đồng. Ở các xã, thị trấn nơi miền Tây huyện Gio Linh, Vĩnh Linh ngày càng xuất hiện nhiều triệu phú, tỉ phú, đặc biệt trong đó có không ít người là đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Gia đình ông Hồ Ngọc Trai ở thôn Xum Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh là một trong những điển hình tiêu biểu của xã trong phát triển kinh tế. Những ngày đầu gia đình ông Trai về thôn Xum Phong định cư, lập nghiệp thì vùng đất này vẫn còn hoang sơ, đầy lau lách, cỏ dại. Để từng bước thoát nghèo, vợ chồng ông Trai đã làm đủ nghề, trong đó chủ yếu là thu mua phế liệu. Khi đã tích cóp được một số vốn, ông Trai mua trâu, bò về nuôi rồi bán lại kiếm lời. Từ năm 1996 - 1997, nhờ được giao đất, giao rừng cùng sự hỗ trợ từ các dự án giảm nghèo và số tiền tích cóp được, vợ chồng ông Trai đã trồng 2 ha cao su, 4 ha tràm. Nhờ có thu nhập từ cao su, rừng tràm nên gia đình ông đã trả hết các khoản vay và dồn số tiền còn lại để mở rộng diện tích trồng cao su, tràm, sắn, cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông đã có 12 ha cao su, 20 ha tràm, 1 ha sắn, 200 gốc cây ăn quả, 1 hồ cá với diện tích 1.500 m2. Để phục vụ sản xuất, kinh doanh, ông Trai mua thêm một máy ủi trị giá trên 600 triệu đồng; 1 xe tải và 1 ô tô con với tổng trị giá trên 1 tỉ đồng. Mới đây, ông đã phát triển thêm vườn ươm giống tràm để chủ động cây giống trong sản xuất và cung ứng ra thị trường. Với mô hình phát triển kinh tế đa dạng, mỗi năm gia đình ông Trai có mức lãi ròng từ 250 - 300 triệu đồng.

Thị trấn Bến Quan được thành lập vào ngày 1/8/1994. Qua 27 năm phát triển, đến nay nơi đây đã dần trở thành đầu mối kinh tế, giao thông của miền núi huyện Vĩnh Linh. Từ một thị trấn nhỏ có hơn 3.300 người, thu nhập bình quân trên đầu người chỉ ở mức dưới 10 triệu đồng/năm thì nay thị trấn đã phát triển quy mô, hình thành 5 khóm và được quy hoạch để trở thành đô thị loại 5, mức thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 52,5 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan Dương Đình Quang cho biết: “Khoảng 20 năm trước, khi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn được thi công hoàn thiện đã làm thay đổi diện mạo của địa phương. Bên cạnh đó, nhờ sự đầu tư đồng bộ nên mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị trấn không ngừng phát triển. Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu xây dựng thị trấn Bến Quan trở thành đô thị loại 5 tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương”. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của thị trấn Bến Quan đang chuyển dịch đúng hướng; hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đã được đầu tư khá đồng bộ; đến cuối năm 2020 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,73%, tỉ lệ hộ cận nghèo 2,1%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện...

Những bản làng hoang sơ trên tuyến đường Hồ Chí Minh năm nào bây giờ đã trở thành những miền quê trù phú, ấm no, cùng cả tỉnh tiến bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người duyên nợ với cây hồ tiêu Vĩnh Linh

Lâm Thanh |

Quê ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đơn vị công tác đóng ở thành phố Đông Hà nhưng anh Lê Tấn Tửu, sinh năm 1978, cán bộ kỹ thuật tổ chức Roots of Peace (ROP), đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh lại chọn nơi sống là huyện Vĩnh Linh bởi “duyên nợ” với cây hồ tiêu trên mảnh đất này.

Gần 300 học sinh tham gia Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Ngày 25/4/2021, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức khai mạc “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam” huyện Vĩnh Linh lần thứ 13 năm 2021. 

Liên kết trồng cây ăn quả ở thị trấn Bến Quan

Thanh Lê |

“Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả tại thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã liên kết các hộ nhỏ lẻ để sản xuất với quy mô lớn hơn, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả địa phương”, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức cho biết.

Bến Quan: Sản lượng mủ cao su đạt trên 6,8 ngàn tấn

Nguyên Đồng |

Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, nhất là giá cả thị trường và thiên tai nhưng thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn duy trì được diện tích cây cao su tiểu điền và đang ngày càng được mở rộng. 5 năm qua, cây cao su đã mang lại sản lượng mủ cho địa phương đạt trên 6,8 ngàn tấn.