Xác định Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đối với tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hải Lăng nói riêng, thời gian qua huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm “đón đầu” cơ hội phát triển.
Tạo sự đồng thuận thực hiện dự án
Để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện dự án, UBND huyện Hải Lăng đã tiến hành triển khai, quán triệt các nội dung của Nghị quyết 03-NQ/ TU ngày 29/11/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, nhất là Nhân dân các xã thuộc khu kinh tế. Tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; giải thích, phân tích cho người dân hiểu rõ mục tiêu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) có hiệu quả.
Phối hợp với BQL Khu kinh tế tỉnh và các ngành, địa phương liên quan tổ chức công bố quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Quảng Trị và bàn giao mốc giới quy hoạch khu vực xây dựng Nhà máy Nhiệt điện cho UBND xã Hải Khê; công khai Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch chi tiết phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn 1 được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó lưu ý thông tin, phổ biến về quy mô, vị trí, tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh các dự án động lực như: Khu bến cảng, Trung tâm điện lực, khu phi thuế quan, các khu công nghiệp, khu đô thị... để người dân biết và hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo thuận lợi trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trong vùng dự án.
Trên địa bàn huyện Hải Lăng, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đi qua 6 xã gồm Hải Ba, Hải Hưng, Hải Quế, Hải Dương, Hải An, Hải Khê. Tính đến nay, có 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó đã khánh thành, đưa vào sử dụng 1 dự án, khởi công 7 dự án nằm trên địa bàn huyện Hải Lăng.
Để công tác lãnh đạo có hiệu quả, Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB, phân công nhiệm vụ cụ thể và địa bàn cho từng thành viên; UBND huyện thành lập Hội đồng GPMB; Tổ kiểm tra, rà soát những vướng mắc, phát sinh về đất đai và tài sản liên quan đến quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thuộc xã Hải An và Hải Khê; Tổ quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trong vùng quy hoạch các dự án. Thường xuyên nắm bắt thông tin về đất đai, xây dựng trong vùng quy hoạch, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại địa phương. Nhờ công tác tuyên truyền có hiệu quả đã giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó là sự phối hợp, vào cuộc tích cực của Đồn Biên phòng Hải An trong việc kiểm kê đất đai, vận động người dân chấp hành các chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, GPMB nên công tác GPMB đạt được những kết quả tích cực.
Chủ động “đón đầu” cơ hội phát triển
Trước khi có quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND huyện Hải Lăng đã chủ động đi trước một bước trong việc chuẩn bị các công việc phục vụ GPMB. Được sự cho phép của UBND tỉnh, ngày 22/6/2013, UBND huyện và Công ty One Asean Development Company Limited, Thái Lan đã tổ chức ký biên bản ghi nhớ về việc phối hợp nghiên cứu công tác GPMB, tái định cư Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác tiến hành khảo sát, điều tra, thống kê về dân số, lao động, việc làm, nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, đất đai... Chỉ đạo thực hiện quay camera hiện trạng khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy nhiệt điện để làm cơ sở cho việc GPMB thực hiện dự án. Chỉ đạo UBND xã Hải Khê tổ chức quản lý chặt chẽ khu vực đã được quy hoạch. Chỉ đạo UBND các xã trong vùng dự án kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi vi phạm quy hoạch, khai thác sử dụng đất trong vùng quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý những trường hợp xây dựng và cơi nới các công trình kiến trúc; đồng thời giải thích cho người dân hiểu để ổn định tình hình sử dụng đất nhằm giảm thiểu những khó khăn và thiệt hại liên quan đến công tác GPMB sau này. Sau khi có Quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Nghị Quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, huyện Hải Lăng đã tăng cường công tác dân vận trong GPMB và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ chỉ đạo GPMB. Tổ chức 2 đoàn đi học tập kinh nghiệm ở Thái Lan và 2 đoàn học tập công tác GPMB một số tỉnh để các ngành cấp huyện, lãnh đạo các địa phương liên quan khảo sát thực tế các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển, kinh nghiệm triển khai và quản lý các dự án đầu tư... nhằm tạo thuận lợi trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cũng như tuyên truyền, vận động Nhân dân trong quá trình thực hiện dự án.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư đối với các xã trong vùng quy hoạch thuộc vùng quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được UBND huyện chú trọng thực hiện, chủ yếu liên quan đến các hạng mục điện chiếu sáng, đường giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn... Trong giai đoạn 2016-2020 đã huy động được 117,885 tỉ đồng, hiện đã bố trí số tiền 101,032 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND huyện thường xuyên quan tâm, phối hợp với BQL Khu kinh tế tỉnh trong việc GPMB các dự án nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư.
Vùng quy hoạch xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thuộc vùng biển bãi ngang không có cửa lạch, người dân ở đây sinh sống chủ yếu là nghề khai thác hải sản ven bờ, một số ít lao động sinh sống bằng nghề thu mua chế biến hải sản và chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2016, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 449/KH-UBND ngày 28/6/2016 về chính sách tạm thời thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên địa bàn 2 xã vùng biển Hải An, Hải Khê; thành tập Tổ chỉ đạo chuyển đổi nghề và hướng dẫn cho người dân vùng biển quy trình thực hiện; hỗ trợ cho các mô hình chuyển đổi nghề; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ có nhu cầu; phát triển thêm các mô hình trồng ném, mướp đắng tại các xã Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế; thử nghiệm mô hình ương, nuôi tôm 2 giai đoạn tại xã Hải An đạt kết quả tốt. Đây là những mô hình được đánh giá có tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cần được nhân rộng.
Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để người dân nắm rõ và chấp hành. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành cấp tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để xúc tiến các dự án đầu tư. Sớm hoàn thành việc thi công xây dựng các khu tái định cư để kịp thời GPMB khi khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 và Khu bến Cảng Mỹ Thủy. Định hướng, xây dựng kế hoạch cụ thể về giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân tái định cư GPMB nhà máy nhiệt điện. Quy hoạch, tập trung nguồn lực để đào tạo nhân lực đáp ứng với yêu cầu trình độ chuyên môn nhằm “đón đầu” các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)