Đông Hà, dấu chấm than lơ lửng giữa trời

Bút ký : Phạm Xuân Hùng |

Trong ký ức tuổi thơ tôi, Đông Hà là một vệt mờ không rõ hình hài. Năm chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi còn là đứa trẻ học lớp bồi dưỡng chuyên toán huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên. 

Huyện Bến Hải ngày đó gồm cả Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Lớp chuyên toán cuối cấp I tập trung học ở thị trấn Hồ Xá thời gian kéo dài cả học kỳ. Nhớ nhà, khoảng nửa tháng một lần tôi lóc cóc ra quốc lộ 1 đón nhờ xe các chú bộ đội chạy từ Vĩnh Linh vào Đông Hà. Bến xe Đông Hà bấy giờ là vạt đất đỏ lởm chởm đá cuội, từ đây lại bắt tiếp xe đò chạy lên quê tôi Cam Lộ. Tôi còn nhớ bác tài thường lái chiếc xe đò chạy tuyến này tên Ư nên gọi là xe ông Ư. Cái vệt mờ Đông Hà năm ấy trong tôi là dăm bảy con phố hẹp, cửa hàng kem mậu dịch, chợ tỉnh bán buôn gồng gánh, bến cảng ở phía Nam chân cầu Đông Hà vội vã ngược xuôi những ghe thuyền nhỏ... và chỉ thế thôi.

Đông Hà nhỏ nhắn. Thì đã hẳn. Tuy rằng, cái vệt mờ ấy, từ thế kỷ XI đã hằn ngang sử Việt như là phên dậu của Đại Việt, mảnh đất tiếp giáp với Chiêm thành. Và vẫn nhỏ nhắn cho đến khi trở thành thị tứ, thị trấn rồi nâng cấp lên thị xã. Trước năm 1972, diện tích Đông Hà cũng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 cây số vuông, với 3 phường: phường Đệ Nhất, phường Đệ Nhị, phường Đệ Tam và 2 thôn Tây Trì, Điếu Ngao, dân số đâu tầm chỉ đôi ba vạn người. Nhưng dù đất không rộng, người không nhiều, Đông Hà vẫn là nơi được mọi người biết đến.

Công viên FIDEL-Ảnh: Hữu Nam
Công viên FIDEL-Ảnh: Hữu Nam

Vĩ tuyến 17 trong biến động lịch sử, hóa vết thương trên cơ thể Mẹ Việt thì Đông Hà trở thành tiền đồn của chính quyền Sài Gòn. Ở miền Trung, chỉ sau Đà Nẵng, Đông Hà trở thành Trại quân sự tập trung khổng lồ với hàng loạt những khu nhà binh, đủ các loại sắc lính và vũ khí phục vụ chiến trường. Chưa đâu xa, ngày tôi từ Hồ Xá về quê như đã kể, vẫn còn thấy bóng Nhà Vòm (người dân hay gọi Ga ra máy bay) ở gần chợ Phường 5 bây giờ và nhiều xác xe thiết giáp ngổn ngang dưới chân lô cốt trước mặt bưu điện chỗ trung tâm thị xã.

Tôi nhớ, đọc ở đâu đó, rằng có những vùng đất như là linh địa. Đất thiêng thường có những phận số lạ lùng, cả vinh quang lẫn bi tráng. Lùi lại chút nữa, gần thôi, vào thế kỷ XIX, Quảng Trị với trái tim Đông Hà luôn biến động với thời cuộc. Lúc thì nhà Nguyễn ban bố Quảng Trị thành đơn vị hành chính thuộc phủ Thừa Thiên, lúc Toàn quyền Đông Dương ra sắc lệnh nhập với Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị, lúc thì tách khỏi Quảng Bình, Thừa Thiên để nhập chung vào Công sứ Trung Kỳ...

Nhìn gần hơn chút nữa, nhiều người ví miền Trung như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước thì Quảng Trị chắc phải là nơi tựa vai. Và tôi lại vẩn vơ, Đông Hà mới thực sự là chiếc đòn gánh, nhỏ hơn nhưng trĩu nặng hai đầu, một Hiền Lương giới tuyến đau thắt, một Thành Cổ Quảng Trị tan nát. Là nói trong chiến tranh.

Tôi lớn lên, ly hương nhưng lòng không xa quê. Mỗi năm vài lần trở về, mỗi lần về lại thấy Đông Hà thay đổi. Cái vệt mờ năm nào đã dần hiện rõ hình hài, cây ký ức vẫn còn đó nhưng đã mọc thêm cành nhánh, tỏa bóng xuống thời gian. Mỗi lần như thế tôi lại nhớ đến giọng hát diva Thanh Lam với ca khúc “Trong miền ký ức” của nhạc sĩ Phú Quang: “Mất rồi con đường bụi đỏ. Mất rồi những chuyến xe đông...”. Đâu đó, những con đường bụi đỏ năm nào tôi về đã hóa thành phố xá thênh thang, chợ tỉnh đã thành trung tâm thương mại sầm uất, cầu mới Đông Hà to rộng những làn xe xuôi ngược. Đông Hà trong tôi cứ như thể những dấu chấm than nối tiếp từ ngày tách tỉnh Bình Trị Thiên, từ thị xã nâng cấp lên thành phố tỉnh lỵ và dằng dặc nữa trong hành trình từ đô thị loại III lên loại II và lên...

Nhìn lên bản đồ, tôi cứ hình dung Đông Hà như chiếc bánh lái con tàu khơi xa. Trên chiếc bánh lái có những nan hoa xoè ra để hoa tiêu điều khiển con tàu vượt sóng. Những chiếc nan xòe ra phía Bắc của Gio Linh, Vĩnh Linh, phía Nam của Triệu Phong, Hải Lăng, phía Đông của Cửa Việt, Cửa Tùng, phía Tây của Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa... Ký ức xưa về một Đông Hà nhỏ nhắn đã thay bằng một Đông Hà vạm vỡ, khôi nguyên. Chỉ hơn nửa thế kỷ thôi, Đông Hà đã dài rộng gấp mấy mươi lần, thành phố giờ đã có hình hài của gần tám mươi cây số vuông, dân số đã xấp xỉ tròn mười vạn. Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ thấy một Đông Hà phát triển và điều đó đem lại một niềm tin mãnh liệt trong tôi. Tôi tin, khi Đông Hà phát triển thì cũng có nghĩa chiếc bánh lái đủ năng lượng để con tàu Quảng Trị đi nhanh hơn, xa hơn...

Bắc cầu qua sông Hiếu -Ảnh: Xuân Trường
Bắc cầu qua sông Hiếu -Ảnh: Xuân Trường

Cách đây vài năm, tôi làm đạo diễn một chương trình truyền hình đón chào năm mới trên kênh sóng truyền hình quốc gia. Một trong những nhân vật tôi chọn là chị Nguyễn Thúy Hương, cô giáo và là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, nhà ở thành phố Đông Hà. Kíp làm phim về chị Hương đi vào dịp cuối năm, giữa tiết trời mưa bay lạnh lẽo. Là người duyệt chương trình, sau khi xem phóng sự về chị Thúy Hương tôi đã khóc. Khóc vì nghị lực sống của một người phụ nữ mạnh mẽ, khóc vì tiếng hát mộc chỉ có cây đàn ghi ta với ca khúc “Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về?” do chính chị viết. Thêm một lần nữa, tôi hiểu, Đông Hà không chỉ là dấu chấm than xúc động trong đời tôi mà cả với những người như chị Thúy Hương, những người yêu mến Đông Hà, ngay bên lằn ranh sinh tử.

Nhân vật của tôi đã mang trái tim ngập tràn thương mến trần gian về miền mây trắng nhưng chương trình truyền hình năm ấy vẫn còn trên youtube. Trong máy tính của tôi cũng vẫn còn phóng sự về chị Nguyễn Thúy Hương. Lúc nào nhớ quê, nhớ Đông Hà, tôi lại mở ra. Không hề ngẫu hứng, mở là để tự lòng day dứt: rứa khi mô anh về? Như lời ca khúc của chị: “Thành phố bình yên bên dòng Hiếu Giang xanh. Thành phố đẹp xinh trong mắt kẻ si tình. Hoa An Lạc theo chân ai mỗi sớm. Để hương nồng vương vấn người đi. Cùng nắm bàn tay trên đường phố thênh thang. Này quán cóc nhỏ xinh bên ly trà ân tình. Nghe mây chiều nơi đây bao nỗi nhớ. Người Đông Hà chan chứa tình yêu...”.

(Nguồn: Báo Quảng  Trị)

Đông Hà chiều sâu của đất

Phạm Xuân Dũng |

Nhớ lại 95 năm trước, ngày 5/9/1929, Khâm sứ Trung Kỳ đã ký quyết định thành lập thị trấn Đông Hà thuộc phủ Triệu Phong. Cho đến nay trong 63 tỉnh thành chỉ có thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ của một tỉnh là mang tên gọi của một làng quê, từ một làng cùng với nhiều làng đã tạo nên tên tuổi một thành phố, từ làng Đông Hà đến thành phố Đông Hà cũng là chuyện hy hữu.

Đông Hà long trọng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận đô thị loại II và kỷ niệm 15 năm thành lập

Trần Tuyền |

Ngày 14/10, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị và kỷ niệm 15 năm thành lập (2009-2024).

Đô thị Đông Hà, 95 năm một chặng đường phát triển

Minh Tuấn |

Những ngày này, đất trời Đông Hà (Quảng Trị) đang chuyển mình trong một tâm thế mới, một tầm vóc mới và sức mạnh mới. Người dân Đông Hà đang hân hoan mừng vui khi thành phố được “nâng cấp” lên đô loại II. Đây là thành quả của quá trình phấn đấu không ngừng, là kết tinh sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn lên của Đảng bộ, quân và dân thành phố Đông Hà.

Tự hào là công dân tiêu biểu của thành phố Đông Hà

Quang Hiệp |

Thời gian qua, danh hiệu công dân tiêu biểu thành phố Đông Hà đã trở thành ước mơ, mục tiêu phấn đấu và là động lực của nhiều người. Từng vinh dự được trao tặng danh hiệu này, những công dân tiêu biểu của thành phố đang từng ngày vươn lên hoàn thiện bản thân, cống hiến nhiều hơn. Họ cũng chính là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác.