Kinh tế tập thể, nòng cốt là các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Với sự quan tâm trên nhiều mặt, nhất là các chính sách hỗ trợ, kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH của địa phương.
Thông tin từ UBND thành phố Đông Hà cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 1.100 THT các loại, với trên 12.000 thành viên, trong đó có 26 THT được UBND phường chứng thực theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP và Thông tư số 04/2008/TT-BKH của Bộ KH&ĐT. Các THT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung và thâm canh cao; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nguồn lực, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm tại địa phương cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người dân học tập cách làm, cách quản lý trong sản xuất, kinh doanh...
Đơn cử như THT trồng hoa An Lạc, phường Đông Giang, hằng năm cung cho thị trường dịp Tết trong và ngoài tỉnh một lượng hoa rất lớn. Như vụ hoa Tết Giáp Thìn 2024, toàn tổ đã trồng trên 80.000 chậu hoa các loại để phục vụ nhu cầu của người dân. Để “tiếp sức” cho bà con nông dân trong THT, thành phố đã hỗ trợ 400 cây giống hoa trà my; 4.000 cây giống hoa cát tường; 20.000 cây giống hoa cúc đại đóa theo chính sách của Đề án phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Đông Hà đến năm 2025.
“Sự hỗ trợ này là rất thiết thực, giúp bà con có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để có thêm việc làm, thu nhập ổn định”, Tổ trưởng THT trồng hoa An Lạc Hoàng Hữu Khiêm cho biết.
Thành phố Đông Hà hiện có 22 HTX nông nghiệp, 2 HTX vận tải ô tô, 2 quỹ tín dụng nhân dân, 2 HTX sản xuất, dịch vụ; có 2 HTX mới thành lập trong năm 2023 là HTX Nông nghiệp sạch công nghệ cao Yến Việt và HTX Sản xuất thực phẩm Kim Vân. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 154 người. Tổng số cán bộ quản lý HTX là 132 người, trong đó trình độ sơ cấp, trung cấp 62 người; trình độ cao đẳng, đại học 35 người.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã tập trung chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào canh tác, chăn nuôi nhiều giống cây, con mới, phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn, chủ động phòng, chống dịch bệnh, đưa cơ giới vào sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản được nâng cao, nhất là rau, hoa an toàn, lúa chất lượng cao, tôm nước lợ. Tiêu biểu là các HTX Đông Thanh, Đông Giang 1, Đông Giang 2, Phú Lễ, Trung Chỉ, Lập Thạch.
Trong lĩnh vực tín dụng, hoạt động của 2 quỹ tín dụng có sự đổi mới, số lượng thành viên và huy động vốn ngày càng tăng, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ trên địa bàn...
Để “tiếp sức” cho các HTX hoạt động, Đông Hà đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến HTX; thành lập ban chỉ đạo phát triển KTTT, phân công các thành viên phụ trách địa bàn, HTX cụ thể; triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX. Triển khai Kế hoạch số 1920/KH-UBND ngày 30/8/2023 về hợp nhất, sáp nhập các HTX quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém kéo dài trên địa bàn; tiếp tục củng cố hoạt động các HTX, vận động thành lập mới HTX, THT ở những nơi có nhu cầu...
Phát triển KTTT ở Đông Hà vẫn còn những hạn chế, khó khăn, nhất là chính sách phát triển THT còn thiếu, đặc biệt là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho kinh tế THT từ trung ương và tỉnh. Hầu hết các THT có quy mô nhỏ, nguồn vốn còn hạn chế, chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước; hiệu quả sử dụng đất đai, mặt nước chưa cao.
Phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, theo địa giới hành chính khu phố, có nguồn vốn và cơ sở vật chất hạn chế. Các HTX chủ yếu thực hiện một số dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; chưa tạo được sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, doanh thu và lợi nhuận đạt còn thấp.
Việc chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 chưa có chuyển biến rõ nét về nội dung và hiệu quả hoạt động. Việc sáp nhập, giải thể các HTX có quy mô nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, phần lớn chưa qua đào tạo, thiếu cán bộ quản lý trẻ có kiến thức và năng lực.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Sỹ Trong cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả KTTT, địa phương triển khai nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT để nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân địa phương về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của việc củng cố, đổi mới và phát triển KTTT.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển KTTT, nhất là hỗ trợ các HTX thực hiện liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản... Khuyến khích, hỗ trợ phát triển mới các HTX chuyên ngành, có thế mạnh, HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)