COVID-19 tác động lớn đến hoạt động kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của địa phương. Để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nỗ lực để đưa nông sản và các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Đây là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân giải quyết lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại công nghệ số.
Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng (gọi tắt là công ty) ở Khóm 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã có hơn 7 năm sản xuất mặt hàng măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, măng khô cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng để sản phẩm được người tiêu dùng trong cả nước biết đến rộng rãi thì phải kể từ thời điểm năm 2018 đến nay, khi công ty được hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Chị Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty cho biết, hiện tại các sản phẩm đã có mặt trên các sàn thương mại như PostMart.vn, voso.vn…, số lượng đơn hàng công ty nhận được thông qua giao dịch điện tử tăng rõ rệt. Bình quân mỗi năm, công ty cung ứng cho thị trường 20 tấn măng chua, 10 tấn măng dầm tỏi ớt, 5 tấn măng khô.
“Sản phẩm của công ty đã được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhờ vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng sử dụng, đặt hàng. Việc sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT đã mở ra nhiều cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp cũng như gia tăng đáng kể lượng đơn đặt hàng, nhất là trong tình hình tiêu thụ nông sản khó khăn do dịch bệnh như hiện nay”, chị Hương cho biết.
Sàn TMĐT được hiểu là nơi diễn ra các hoạt động mua bán trực tuyến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên cùng một website. Từ năm 2018, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thành lập sàn TMĐT PostMart.vn và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel thành lập sàn TMĐT voso.vn. Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh đã triển khai thực hiện và đến nay đã hỗ trợ đưa 264 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm đặc sản, nông sản, lương thực thực phẩm lên sàn giao dịch. Trong đó có 53 sản phẩm OCOP của 9 huyện, thị xã, thành phố với 7 sản phẩm 4 sao, 46 sản phẩm 3 sao.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Thị Hà Nhung cho biết: “Từ năm 2018, Bưu điện tỉnh đã triển khai đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT. Đến nay đã có 1.500 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) tham gia sàn giao dịch. Sàn TMĐT vừa là nơi cung - cầu sản phẩm, vừa là nơi để người dân tiếp cận giá cả, nguồn cung ứng vật tư, vật liệu phục vụ cho SXKD. Từ nay đến hết năm 2021, chúng tôi tiếp tục triển khai để đưa khoảng 2.600 hộ SXKD tham gia sàn TMĐT PostMart.vn. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nhất là trong tình hình dịch bệnh để các mặt hàng không bị tư thương ép giá”.
Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Trị đã hỗ trợ đưa 320 sản phẩm của 89 hộ sản xuất nông nghiệp tại 9 huyện, thị xã, thành phố lên sàn TMĐT voso.vn, trong đó có 19 sản phẩm OCOP. Sản lượng trung bình mỗi tháng từ 150 - 200 đơn hàng. Các sản phẩm bán chạy nhất gồm măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, măng khô, muối đậu sả, mì sợi mẹ Milk, nước mắm Khiêm Trọng, mắm ruốc, bơ đậu phộng Super Green, cà gai leo, cao chè vằng, gạo hữu cơ, gạo sạch, miến, hồ tiêu, rong biển…
Từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, đến nay các chủ thể sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã dần quen thuộc với những sàn TMĐT như PostMart.vn, voso.vn, ladada… và các kênh phân phối trên mạng xã hội như facebook, zalo. Không chỉ thời điểm dịch bệnh mà trước đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã chủ động tìm đến các sàn TMĐT để đăng ký để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tiếp cận với các kênh phân phối lớn.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh
Đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, sàn TMĐT vẫn là sân chơi khá mới lạ, nhất là ở nông thôn. Với những người đã quen với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để phát triển trên “sân chơi” này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai phần mềm.
Với thông điệp “Nâng tầm giá trị nông sản Việt qua nền tảng thương mại số”, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch “Hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển nông nghiệp kinh tế số, kinh tế nông thôn tỉnh Quảng Trị”. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư kinh phí tập trung xây dựng gian hàng số cho các cơ sở SXKD tại các xã, phường, thị trấn nhằm thúc đẩy các hình thức giao dịch hiện đại, chuyển đổi dần phương thức giao dịch truyền thống.
Lựa chọn các cơ sở SXKD đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, các sản phẩm OCOP và có mong muốn chuyển đổi lên sàn TMĐT để tập trung hỗ trợ. Triển khai các giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ SXKD, tăng cường công tác truyền thông…
Việc triển khai đưa các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT là giải pháp hiệu quả, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho nông dân, HTX, doanh nghiệp. Ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các sản phẩm được đưa lên giao dịch trên sàn TMĐT sẽ thúc đẩy người dân sản xuất an toàn, các sản phẩm làm ra có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đó mới chính là “chìa khoá” để vào các kênh tiêu thụ hiện đại và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)