Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp:

Bài 2: Cơ hội để bứt phá

Thanh Trúc - Thục Quyên |

Ngành nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp Quảng Trị nói riêng hiện đang đối mặt với ba thách thức lớn, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới. Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là một trong những “chìa khóa” quan trọng để giải “bài toán” nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Bộn bề khó khăn

Dù mới ở quy mô nhỏ, nhưng việc ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực. Đó là đã giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu, giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... Thông qua việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý.

Với sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh hiện đang trong quá trình triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ Blockchain (chuỗi khối) để truy xuất nguồn gốc trên toàn bộ chuỗi cung ứng đối với sản phẩm tiêu hữu cơ Vĩnh Linh. Với công nghệ này, thông tin ở các khâu, từ trồng trọt, chăm bón đến thu hoạch, kiểm tra chất lượng, vận chuyển, phân phối sản phẩm đều được cập nhật lên một hệ thống sử dụng nền tảng Blockchain. Các thông tin này được tích hợp trong một mã QR in trên con tem của sản phẩm. Vì vậy, khách hàng khi quét mã QR của sản phẩm có thể biết được toàn bộ thông tin về “hành trình” của sản phẩm.

Quá trình trồng và chăm sóc hoa ly được điều khiển, theo dõi bằng máy tính và smartphone - Ảnh: T.T
Quá trình trồng và chăm sóc hoa ly được điều khiển, theo dõi bằng máy tính và smartphone - Ảnh: T.T

Thậm chí, sau khi khách hàng mua sản phẩm, hệ thống sẽ cập nhật trạng thái “đã bán”. Như vậy, với cùng một con tem sẽ không có sản phẩm thứ hai, đồng thời nếu sản phẩm hàng hóa bị lỗi thì đơn vị cung cấp hàng hóa có thể dễ dàng tìm xem lỗi này ở khâu nào để có hướng xử lý phù hợp. Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu cho biết: “Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ vẫn đang trong quá trình thiết lập truy xuất nguồn gốc, vì điều kiện dịch bệnh nên tiến độ thực hiện bị ảnh hưởng. Hiện nay, chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm hồ tiêu Vĩnh Linh lên các sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, tuy nhiên chi phí thuê gian hàng hằng năm cao nên chưa thực hiện được”.

Việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Đó là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn ít, chưa có doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư các dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính sách khuyến khích, kêu gọi, thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, người dân tham gia đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đủ mạnh, mới chỉ có hơn 5% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu theo phương thức truyền thống, thiếu hệ thống trang thiết bị phục vụ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch. Chưa có nhiều mô hình ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ 4.0, sản xuất theo hướng có liên kết, theo quy trình hữu cơ, sạch, có chứng nhận, sản xuất theo chuỗi giá trị... Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, đầu ra cho nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Cách thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản còn phân tán, thể hiện ở kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất tập trung chưa phát triển, quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún, tập quán, ý thức sản xuất tự do thiếu liên kết, kết nối cung cầu thường xuyên bị đứt gãy.

"Tỉnh Quảng Trị đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2025, định hướng đến 2030. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, đề án tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo kỹ năng số cho nông dân và cán bộ quản lý nông nghiệp các cấp. Ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trong phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực, ưu tiên xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình điểm về ứng dụng internet vạn vật (IoT), thiết bị bay không người lái (drone), quy trình sản xuất khép kín trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng các phần mềm, công nghệ mới vào quản lý, điều hành, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, cháy rừng, an toàn hồ đập, điều tiết tưới tiêu khoa học tiết kiệm…"

Nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp phần lớn chưa qua đào tạo nên kỹ năng quản lý, sản xuất, thị trường, khả năng tiếp thu và tiếp cận các ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, nhận thức, tư duy về chuyển đổi số chưa cao và chưa đúng mức. Sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua chưa có sự điều tiết của nhà nước mà phụ thuộc nhiều vào thương lái nên vẫn còn tình cảnh “được mùa rớt giá, mất mùa được giá”, vì vậy người dân thường bị ép giá nên dẫn đến thua thiệt. Hạ tầng viễn thông đã phát triển nhưng chưa đồng bộ, độ phủ sóng chưa đồng đều giữa thành thị và nông thôn.

Xây dựng một bức tranh nông nghiệp chuyển đổi số

Tại Quyết định 479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số quốc gia lĩnh vực nông nghiệp xác định sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỉ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Không đứng ngoài xu thế chung, tỉnh Quảng Trị xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỉ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Phát triển hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số, các cơ sở dữ liệu của ngành... nhằm đổi mới công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp.

Thông qua chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản lý toàn ngành, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Từ đó góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Quét mã QR bằng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi - Ảnh: T.Q
Quét mã QR bằng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi - Ảnh: T.Q

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỉ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế. Đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp.

Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, lấy doanh nghiệp dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cũng như định hướng tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường. Tiếp tục cải tiến và phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bằng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến nông sản.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX chuẩn hóa về sản phẩm nông sản (quy trình sản xuất, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, nuôi…) và một số trang thiết bị phù hợp để có thể theo dõi, vận hành và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất. Phát triển thị trường tiêu thụ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Khuyến khích, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất và liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra một lượng lớn các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của các thị trường tiềm năng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn

Đại tá Phan Đức Quý |

Đợt công tác mùa khô 2005 – 2006, đơn vị chúng tôi đang tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ở bản Phôn Thoong, huyện Xay Bua Thoong, tỉnh Khăm Muộn (Lào) thì nhận được thông tin, tại bản Cút Nặm Xảy có mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.Vậy là chúng tôi gấp rút lên đường. Đường vào bản không đi được bằng xe ô tô, phải đi bộ 40 km đường rừng. Khi mặt trời vừa xuống núi thì chúng tôi cũng có mặt kịp tại bản.

Chuyện nghề quanh những đôi giày cũ

Võ Khánh Linh |

Không biết từ bao giờ, giữa dòng người ngược xuôi, người ta vẫn thường thấy nơi góc phố có những người thợ cặm cụi với những đôi giày, dép cũ. Dù nắng, dù mưa, họ vẫn ngồi đó, lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình. Qua bàn tay khéo léo của họ, những đôi giày, dép cũ bị hư hỏng đều được sửa chữa, làm mới theo ý của khách hàng...

Hành trình hơn 10 năm đi tìm mẹ đẻ

Thanh Bình |

Do hoàn cảnh chiến tranh, một người phụ nữ ở thôn Trường Thọ, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng mang thai rồi sinh con ngoài ý muốn. Vì định kiến xã hội ngày đó, chị quyết định cho đi khúc ruột của mình.

Sơn nữ hoa

Phạm Xuân Hùng |

Không có em hoa quỳ vẫn nở/ Như tháng năm không có chúng mình/ Đâu phải vô tình màu hoa lặng lẽ/ Hoa cháy ven đường như nắng lung linh…