Đưa nông sản miền núi ra thị trường

Hoài Nam |

Tuy mới thành lập vào năm 2018 nhưng Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh đã từng bước xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đặc biệt, hợp tác xã (HTX) đã góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm mang tính đặc trưng của khu vực miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), vươn ra các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Năm 2019, tại một hội chợ do Liên minh HTX tỉnh tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên HTX Nông sản Khe Sanh có cơ hội giới thiệu các sản phẩm của mình với người dân thủ đô như cà phê, tiêu, tinh bột nghệ, măng khô, mật ong, bơ, thanh long. Chất lượng sản phẩm cùng với nhãn mác, mẫu mã bắt mắt đã thu hút sự chú ý của khách hàng. Ngoài việc tiêu thụ một số lượng lớn các sản phẩm tại hội chợ lần này, có 2 đơn hàng đã cam kết và ký kết bao tiêu sản phẩm của HTX với số lượng lớn thông qua hợp đồng. Đây là một trong những thành công bước đầu của HTX Nông sản Khe Sanh trong việc từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của miền núi Hướng Hóa vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm của HTX Nông sản Khe Sanh -Ảnh: HN​
Các sản phẩm của HTX Nông sản Khe Sanh -Ảnh: HN​

HTX Nông sản Khe Sanh được thành lập sau khi có Luật HTX 2012 với 7 thành viên. Đây được xem là HTX kiểu mới và là mô hình HTX tạo việc làm phổ biến hiện nay. HTX Nông sản Khe Sanh có nhiệm vụ thiết lập, liên kết các nhóm sản xuất thực hiện quy trình thực hành sản xuất tốt, tập trung vào các sản phẩm chính là cà phê mang thương hiệu Khe Sanh, tinh bột nghệ và các sản phẩm dược liệu đặc trưng khác của miền núi; thu mua, tiêu thụ sản phẩm của các nhóm sản xuất ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Hiện HTX liên kết với hơn 100 hộ nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thu mua cà phê với giá ổn định, cao hơn so với giá bán thị trường với điều kiện phải canh tác, thu hoạch theo các tiêu chí sạch do HTX đưa ra. Mới đây, HTX đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh với kinh phí trên 2 tỉ đồng. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp phân bón cho các hộ nông dân, sau khi thu hoạch cà phê mới trừ tiền nên người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón vi sinh có giá rẻ hơn phân hóa học giúp cây cà phê phát triển tốt và an toàn với môi trường tự nhiên.

Về sản phẩm, HTX Nông sản Khe Sanh hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng quốc tế và được chứng nhận quy trình thực hành sản xuất tốt. Các sản phẩm thế mạnh của địa phương được ưu tiên phát triển là cà phê và các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Hơn 2 năm thành lập, HTX Nông sản Khe Sanh đã có những sản phẩm chính, tiếp cận được với thị trường trong, ngoài tỉnh như cà phê Khe Sanh với nhiều loại sản phẩm cà phê hạt, cà phê rang xay… Nhờ được chú trọng đầu tư từ quy trình sản xuất đến khâu chế biến, sản phẩm cà phê của HTX dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hằng năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn cà phê. Năm 2019, sản phẩm cà phê Khe Sanh của HTX Nông sản Khe Sanh là một trong 3 sản phẩm của chủ thể HTX trong tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2020, sản phẩm cà phê rang xay Khe Sanh coffee được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng cho biết, trong thời gian tới, HTX sẽ nâng cấp sản phẩm cà phê Khe Sanh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm từ cà phê.

Để quảng bá thương hiệu sản phẩm, HTX Nông sản Khe Sanh đã xây dựng trang web, tham dự các hội chợ trưng bày triển lãm cũng như giới thiệu sản phẩm thông qua các doanh nghiệp trên địa bàn xã, huyện, tỉnh và liên tỉnh. Cùng với việc chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, HTX đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống cho các thành viên. Thời gian tới, HTX Nông sản Khe Sanh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hội viên nông dân tham gia các đề án sản xuất, kinh doanh của HTX; tham gia các hội chợ trưng bày sản phẩm trong nước; xúc tiến các hoạt động xuất khẩu để đưa thêm nhiều loại sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng vùng, miền ra thị trường. “HTX Nông Sản Khe Sanh sẽ tiếp tục kết nạp thêm thành viên, hướng tới mục tiêu hỗ trợ các nhóm sản xuất ở những địa bàn khó khăn của huyện Hướng Hóa. Bên cạnh việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm, làm tốt công tác an sinh xã hội trong cộng đồng, nhất là tạo việc làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số cũng là một trong những mục tiêu mà chúng tôi hướng tới”, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh cho biết.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tiếp tục phục hồi

Bích Hồng-Minh Hằng |

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 7/11 dao động trong khung 32.800-33.400 đồng/kg, tăng 300-400 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Hồ tiêu Hướng Hóa

Công Điền |

Cùng với cây cà phê, chuối, sắn… hồ tiêu là một trong những cây trồng công nghiệp có giá trị kinh tế cao đối với nông dân huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Cà phê Khe Sanh vươn xa

Công Điền |

Huyện Hướng Hóa là vùng trồng cà phê Arabica chủ yếu của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung. Đây cũng là địa phương sở hữu thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng.

Hiệu quả ở Hợp tác xã nông sản Tây Vĩnh Thủy

PV |

Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm, tuy nhiên nhờ xác định hướng đi đúng đắn, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất cùng sự đoàn kết của các thành viên, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy  (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, trở thành điểm sáng của phong trào xây dựng HTX kiểu mới tại huyện Vĩnh Linh.