Địa điểm quán phở Hằng nằm ở quận Thanh Khê của thành phố Đà Nẵng, nơi có những góc phố mang đậm nét văn hóa và ẩm thực. Người tiêu dùng Đà Nẵng hồ hởi đón nhận hương vị hấp dẫn của tô phở Hằng mang đến mỗi sáng chiều. Ít ai được biết chủ của quán phở này là anh Hồ Lê Minh Trí, người ở Phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
“Trả học phí” bằng những lần thất bại
Xem trực tiếp trên fanpage Phở Hằng về cách chế biến món ăn này chắc ai cũng muốn tìm đến thưởng thức. Chủ quán Phở Hằng ở địa chỉ số 72 Hàm Nghi, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng là một thanh niên với khuôn mặt thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, cử chỉ chu đáo với khách hàng. Tô phở nóng hổi mà người phục vụ quán bưng ra khá hấp dẫn, bởi nhìn màu nước dùng là biết chủ quán đã dành nhiều tâm huyết mới có được nồi nước phở màu vàng nhẹ, nước trong, hơi váng mỡ, thơm và vị rất đậm đà. Cách trình bày tô phở bắt mắt, có rau mùi, hành lá, mỗi tô phở còn được kèm một đĩa giá, một chút rau sống, một phần quả chanh. Được ăn tô phở Hằng nóng hổi, dậy mùi thơm thật thú vị.
Lân la trò chuyện mới biết chủ quán người ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, có tên Hồ Lê Minh Trí, sinh năm 1991, trước đây tốt nghiệp Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã mở ở Đà Nẵng hai quán phở, một ở quận Thanh Khê và một ở địa chỉ số 20, Ngô Văn Sở, quận Liên Chiểu được nhiều người tiêu dùng ở Đà Nẵng biết đến. Thế nhưng thương hiệu Phở Hằng đã được anh mở tại quê hương Quảng Trị tám năm nay.
Ngày đó, suốt 4 năm sinh viên, anh Trí đã kinh doanh nhiều thứ như quản lý, vận hành sân cầu lông ở Quận 9, buôn bán áo quần, trái cây nhập ở chợ đầu mối chuyển về Quảng Trị phân phối cho các cửa hàng. Tốt nghiệp đại học, với tính cách năng động, ước mơ trở thành ông chủ của một thương hiệu luôn đeo bám anh. Giải thích lý do quyết định khởi nghiệp với nghề phở, anh Trí chia sẻ phở là món ăn truyền thống của người Việt Nam được nhiều du khách quốc tế biết đến. Lâu nay, nói đến phở người ta nghĩ ngay đến phở Hà Nội hay Nam Định. Tuy nhiên, anh Trí lại muốn xây dựng một thương hiệu phở tại TP. Đông Hà bằng “bí quyết” riêng của mình. Thời gian đầu, anh liên tiếp thất bại với việc kinh doanh hai quán phở và một quán bún. Lần đầu mở quán, cái gì cũng quá mới mẻ nên cảm thấy thiếu đủ thứ, nhất là còn thiếu kinh nghiệm thương trường.
Không cho phép bản thân mình nản chí, anh lấy những thất bại đầu đời làm bài học quý báu và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho kinh doanh. Anh mạnh dạn vay thêm tiền mở quán, lấy thương hiệu Phở Hằng. Lúc học nghề đầu bếp thì công thức chế biến phở phù hợp với người tiêu dùng miền Nam, khi về Đông Hà, khẩu vị lại khác nên phải thay đổi, bổ sung đến ba lần mới ra được bát phở ngon, tròn vị. Nhớ lần bán tô phở đầu tiên cho khách hàng tại Phở Hằng ở địa chỉ 130, Quốc lộ 9, anh quan sát những thay đổi trên nét mặt của vị khách khi thưởng thức miếng phở đầu tiên trong bát. Đợi khách ăn xong, anh xin phép hỏi cảm nhận về chất lượng phở, liền nghe câu trả lời: “Được, chứ chưa ngon lắm”. Lời nhận xét chân thành của vị khách đầu tiên này càng giúp anh thêm quyết tâm điều chỉnh công thức cho phù hợp khẩu vị, tìm mọi cách chế biến được bát phở ngon hơn nữa để phục vụ “thượng đế” của mình.
Với sự tỉ mỉ, tâm huyết đó, không lâu sau đó, Phở Hằng nhanh chóng được khách hàng biết đến, thưởng thức ngày càng nhiều. Từ quán Phở Hằng ban đầu ở Quốc lộ 9, anh mở thêm một quán nữa tại địa chỉ 28, Nguyễn Quang Xá, phường Đông Lương để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Thành phần chính của Phở Hằng gồm nước dùng được nấu bằng xương ống và thịt bò, hương liệu ngoài năm loại thuốc bắc, còn có các loại rau hành, gừng, ngò rí… Được nhiều người đón nhận Phở Hằng như hôm nay, anh Trí chia sẻ để hiểu và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn thì ngoài bí quyết nấu phở, cần rất nhiều đức tính như sự chân thành, trung thực, kiên nhẫn, ham học hỏi, lịch thiệp của chủ quán và người phục vụ. Thêm vào đó, ngoài khách hàng đến ăn phở mỗi ngày, đối với anh những người phục vụ quán chính là khách hàng nội bộ rất quan trọng. Họ cần phải được tôn trọng, giữ lời hứa, phải được chia sẻ, đồng cảm, được định hướng để cùng nhau phát triển thương hiệu.
Đưa thương hiệu Phở Hằng vươn xa
Sau nhiều năm kinh doanh Phở Hằng và liên tục phát triển thương hiệu với bốn địa chỉ phục vụ khách hàng tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng, anh Trí luôn trăn trở với câu hỏi, đã đến lúc phát triển Phở Hằng thành chuỗi thương hiệu trên nhiều tỉnh, thành được chưa, nhất là trong lúc COVID-19 gây ra nhiều khó khăn với ngành kinh doanh ẩm thực. Những khát khao đưa Phở Hằng vươn xa của anh Trí đã gặp được người đồng cảm và cùng chí thú làm ăn. Trong một lần chiêu đãi người bạn ăn Phở Hằng thì anh và bạn đã tìm ra được ý tưởng phát triển thương hiệu Phở Hằng tại Thái Lan. Trong thời buổi COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc phải làm sao mở được quán ăn cho phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và Thái Lan là điều khiến anh trăn trở. Anh Trí đi đến quyết định khi người lao động của mình chưa có mặt trực tiếp ở Thái Lan, muốn phát triển được thương hiệu, anh chuyển giao bí quyết, công thức của Phở Hàng để người bạn Việt Nam đang ở bên đó liên kết với một người Thái Lan mở quán phở tại địa chỉ 249 Klongrien 1, thành phố Hat Yai, tỉnh Songkhla. Món phở mang hương vị Phở Hằng có mặt tại Thái Lan được nhiều khách hàng ủng hộ, nhất là người Việt xa xứ. Những ngày này tại Thái Lan cũng đang có COVID-19 nên quán chủ yếu bán hàng mang về. Ngoài việc đến mua trực tiếp, người tiêu dùng tại thành phố Hat Yai còn đặt món phở này qua ứng dụng hoặc facebook và sẽ được giao đến tận nhà. Nghe tiếng có phở Việt mở bán, không ít Việt kiều sinh sống tại vùng này tìm đến mua về thưởng thức. Bát phở Việt trong những ngày này giữa Hat Yai, Songkhla càng làm cho bà con Việt kiều thêm ấm lòng.
Hồ Lê Minh Trí chia sẻ, công việc hằng ngày của anh là định hướng, xây dựng, tìm kiếm đối tác phù hợp và phát triển thương hiệu. Ở mỗi quán có một quản lý riêng, sẽ giám sát, báo cáo công việc lên các group quản lý công việc của chuỗi thương hiệu. Sau thời gian dài phát triển, Phở Hằng bây giờ có đủ các loại như: Phở chả trứng, tái, nạm, bò viên, phở đặc biệt…Theo kế hoạch của anh, năm sau, thương hiệu Phở Hằng sẽ có thêm ba quán ở Đà Nẵng, một quán ở Quảng Bình và một quán ở Thành phố Hồ chí Minh. Khát vọng lớn nhất của anh vẫn là đưa thương hiệu Phở Hàng đến Singapore và Mỹ để hình thành một chuỗi nhà hàng uy tín của Việt Nam với thế giới. Nhất là với Singapore, người dân nước này có thói quen sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài rất nhiều do công việc bận rộn. Hiện có rất nhiều người muốn hợp tác hoặc xin được nhượng quyền thương hiệu Phở Hằng.
Anh Trí phân tích, bất kỳ sản phẩm nào, từ đồ ăn đến các dịch vụ khác của Việt Nam đều có thể ra thế giới bằng con đường nhượng quyền. Có thể nhượng quyền các mô hình nhà hàng ẩm thực sang các nước trong khu vực, có thể xuất khẩu các dịch vụ cần thiết đến các nước đã phát triển. Đây là cách để các doanh nghiệp xuất khẩu giá trị, thương hiệu, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam, thay vì phải mua thương hiệu từ nước ngoài. Mục tiêu phát triển có thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhất là trong đó tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường nên rất cần tỉnh táo và khoa học trong kinh doanh.
Có được thành công như hôm nay, anh Trí thừa nhận chuyên ngành học Quản trị kinh doanh thời đại học đã góp phần giúp anh có những phân tích, dự báo xác đáng về thị trường người tiêu dùng. Nhưng hơn hết là kinh nghiệm anh học hỏi, quan sát thực tế ở các mô hình kinh doanh trong thời gian sinh viên. Từ sinh viên năm thứ hai anh đã đọc nhiều sách về tài chính, quản trị, giúp anh có thêm nhiều kiến thức mà ở trường không dạy hết được. Dấn thân lập nghiệp sớm mang đến cho anh nhiều trải nghiệm từ thất bại đến thành công để giữ được và phát triển thương hiệu bền vững. Một trong những mục tiêu được anh đặt ra đó là giúp nhân viên của mình trở thành cổ đông của quán, tăng thu nhập và phát triển kỹ năng quản lý thì từ đó thương hiệu Phở Hằng mới bền vững được.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)