COVID-19 đã tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đời sống của người lao động từ đó cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với vai trò của mình, thời gian qua, Công đoàn ngành Công thương Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đồng hành với người lao động từng bước khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Trị Mai Chí Dương cho biết: “COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của đoàn viên, CNVC, LĐ. Nhằm chia sẻ, động viên với những khó khăn của đoàn viên, CNVC, LĐ, Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn đã thường xuyên theo dõi, cập nhật, nắm bắt kịp thời tình hình đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ). Tham gia với chuyên môn tìm cách tháo gỡ, sắp xếp lại lao động trong doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn. Kịp thời thăm hỏi, động viên những đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19”. Trước những khó khăn do COVID-19 gây ra, CĐCS Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị cũng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực. Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị Trần Việt Hùng cho hay: “Công đoàn đã làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ lợi ích cho NLĐ, là cầu nối để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp. Với vai trò là cán bộ công đoàn cơ sở, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu về các quy định của pháp luật để phối hợp với lãnh đạo công ty ban hành nội quy, quy chế phối hợp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đảm bảo quyền lợi đối với NLĐ. Thường xuyên thăm hỏi, tiếp xúc với đoàn viên, NLĐ, qua đó nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo công ty những nguyện vọng phù hợp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ”.
Công đoàn ngành Công thương hiện có 41 CĐCS với tổng số 2.932 lao động, trong đó có 2.564 đoàn viên công đoàn. Từ đầu năm đến nay, COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của một bộ phận doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là NLĐ ở các công ty khối du lịch, dịch vụ. Trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện cắt giảm lao động, bố trí luân phiên, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, may mặc lượng hàng tồn kho lớn, khách hàng nợ đọng nhiều dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết tiền lương cho NLĐ và chi phí quản lý. “Trước tình hình đó, BCH công đoàn các cấp từ ngành đến cơ sở đã thường xuyên theo dõi, cập nhật, nắm bắt kịp thời tình hình đời sống, việc làm của CNVC, LĐ, tuyên truyền NLĐ tích cực phòng, chống dịch, đồng thời chỉ đạo BCH CĐCS phối hợp với chuyên môn trong việc sắp xếp lại lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh, động viên đoàn viên vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra, tích cực tham gia phòng, chống COVID-19”, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương Lê Thị Loan thông tin.
Theo đó, Công đoàn ngành luôn sâu sát cơ sở, gần gũi chủ doanh nghiệp, làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh. Nội dung, phương thức hoạt động công đoàn từng bước được đổi mới, phù hợp với hoạt động thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Để thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, CNVC, LĐ, Công đoàn ngành Công thương đã triển khai, chỉ đạo BCH và các CĐCS tích cực phối hợp, chủ động đề xuất, tham mưu với lãnh đạo trong việc giải quyết các chế độ lương, thưởng, tổ chức các hoạt động bổ ích cho CB, CNLĐ. Đồng thời tìm các giải pháp, bố trí sản xuất phù hợp, động viên đoàn viên CNVC, LĐ cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn các CĐCS tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với Luật Lao động sửa đổi năm 2019. Tổ chức khảo sát nhà ở “mái ấm công đoàn”, đề xuất hỗ trợ đúng thời gian, đối tượng. Kịp thời nắm bắt và báo cáo tình hình đời sống việc làm của CNVC, LĐ trong toàn ngành do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, ảnh hưởng tai nạn lao động trong Tháng Công nhân. Cùng với đó, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn từng bước được đổi mới, phù hợp với hoạt động thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức thực hiện tốt. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các phong trào thi đua yêu nước đã được các CĐCS trong toàn ngành tích cực hưởng ứng. Qua việc thực hiện các phong trào thi đua, đội ngũ CB,CNV, NLĐ trong ngành đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, năng lực công tác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Để đồng hành với CNVC, LĐ vượt qua khó khăn do đại dịch, Công đoàn ngành Công thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. “Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng với các CĐCS thực hiện tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, CNVC, LĐ. Tham gia tích cực cùng với chuyên môn trong hoạt động tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất, đảm bảo thu nhập cho doanh nghiệp và NLĐ, thực hiện tốt chế độ chính sách giúp NLĐ yên tâm công tác, gắn bó cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn xây dựng đơn vị ngày càng phát triển. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, công đoàn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong CNVC, LĐ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 của từng đơn vị và ngành. Cùng với đó, các cấp công đoàn sẽ chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tìm biện pháp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho NLĐ…”, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương Lê Thị Loan cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)