Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết, đơn vị vừa đưa vào vận hành máy cuốn rơm có phun mật mía trên diện tích thu hoạch lúa vụ đông xuân tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng.
Cơ chế hoạt động của máy là máy vận hành ngay sau máy gặt khi thu hoạch lúa. Rơm vừa gặt xong, máy thu cuốn ngay để đảm bảo rơm luôn có độ tươi, giòn. Điểm khác biệt của máy cuốn rơm do công ty đưa vào vận hành đó là ngoài chức năng cuốn rơm, máy được gắn thêm thiết bị phun mật mía ngay trong quá trình cuốn rơm tươi. Với công suất 500 cuộn rơm/ngày, khi đạt trọng lượng 30 kg, rơm được tự động bó lại thành bó riêng và đưa về nhà máy hút chân không, bảo quản trong môi trường tối khí.
Sau 2 tháng, rơm được đưa ra làm thức ăn cho trâu, bò. Giá một cuộn rơm 30 kg vào khoảng 45.000 đồng. Lúc này, rơm có màu vàng tươi, thơm, vị ngọt, trâu bò khi ăn được bổ sung nhiều dưỡng chất nên tăng trọng nhanh hơn so với dùng các loại thức ăn có trong tự nhiên, chất lượng thịt thơm ngon và an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Hồ Xuân Hiếu phân tích: “Trước đây, khi thu hoạch lúa xong, nông dân thường thu gom rơm trên đồng ruộng để đốt, việc làm này ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật, gây chai đất, ô nhiễm môi trường và không có thu nhập. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi chế một thiết bị phun mật mía ngay trong quá trình cuốn rơm để làm thức ăn cho trâu, bò.
Từ cách thức cuốn rơm này, mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng đồng bằng là chủ động nguồn thức ăn để nuôi bò thịt nhốt chuồng, vỗ béo. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai một hộ nuôi khoảng 10 con bò, một năm trừ chi phí mỗi hộ cũng sẽ thu được số tiền lãi là 100 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá cao đối với nông dân vùng trọng điểm lúa”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)