Những năm qua, việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống được huyện Triệu Phong (Quảng Trị) quan tâm thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nghề bánh bèo và bánh ướt ở làng Phù Lưu, thôn Lưu Nghĩa, xã Triệu Long vẫn trường tồn theo năm tháng. Điều đó là nhờ người dân nơi đây tâm huyết duy trì và được chính quyền địa phương quan tâm khuyến khích phát triển. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Long Lê Trọng Khang, nghề làm bánh bèo, bánh ướt của làng Phù Lưu có từ hơn 500 năm trước, kể từ khi lập làng cho đến nay. Để nghề truyền thống được duy trì và phát triển, UBND xã đã có tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền công nhận thương hiệu, nhãn hiệu của bánh bèo, bánh ướt Phù Lưu. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả nghề truyền thống, đề nghị cấp trên cần quan tâm đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người dân.
Chị Trương Thị Bốn là thế hệ thứ 5 trong một gia đình ở làng Phù Lưu làm nghề bánh ướt và bánh bèo. Hơn 15 năm gắn bó với nghề này, gia đình chị thu nhập ổn định và có điều kiện đầu tư cho các con ăn học. Chị Bốn chia sẻ: “Bánh ướt và bánh bèo rất dễ làm, tuy nhiên muốn có được những mẻ bánh ngon, dẻo thì người làm bánh ở Phù Lưu có bí quyết riêng, đặc biệt người làm nghề này phải có sự cần mẫn. Trước đây, chúng tôi làm bánh thủ công nên việc xay bột, hấp, nấu bánh có phần khó khăn. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động duy trì và phát triển nghề truyền thống, những năm gần đây gia đình tôi đầu tư xây dựng khu làm bánh, máy móc hiện đại hơn nên giảm được khá nhiều thời gian, công sức lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi xay khoảng 50 kg gạo để làm bánh, thu nhập trên 300 nghìn đồng. So với làm nông thì nghề làm bánh ướt, bánh bèo nhàn và thu nhập ổn định hơn. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương và các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm về công nghệ mới để ứng dụng vào làm bánh, giảm chi phí cũng như công lao động trong quá trình sản xuất; quy hoạch tập trung làng nghề làm bánh, hỗ trợ quảng bá để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm truyền thống của làng Phù Lưu hơn”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong có hơn 20 làng nghề và nghề truyền thống, trong đó có 4 làng được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống gồm: Nghề làm nón lá Bố Liêu, xã Triệu Hòa; nghề làm bún ở Linh Chiểu và Thượng Trạch, xã Triệu Sơn; nghề sản xuất nước mắm Gia Đẳng, xã Triệu Lăng; sản xuất bánh kẹo ở xã Triệu Trung…Tuy nhiên, các làng nghề và nghề truyền thống đều nằm trong khu dân cư, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng để phát triển có quy mô và bền vững các cụm điểm làng nghề, nghề truyền thống; chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, định hướng quy hoạch khu vực sản xuất phù hợp, đảm bảo môi sinh, môi trường. Hướng dẫn các làng nghề truyền thống thực hiện sản xuất và phát triển để đạt được các tiêu chí của làng nghề, hoàn thiện hồ sơ công nhận để các làng nghề tiếp cận được những chính sách phát triển sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Hữu Vãn cho biết: “Xã Triệu Sơn có 2 làng nghề sản xuất bún truyền thống ở Thượng Trạch và Linh Chiểu. Hiện nay hai làng này có gần 100 hộ sản xuất bún, trung bình mỗi hộ sản xuất 2 - 2,5 tạ bún/ ngày, giải quyết việc làm cho 200 lao động ở địa phương, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người. Trước đây, các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư nên vấn đề nước thải không được xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất của người dân nơi đây. Do đó, huyện đã quy hoạch các hộ làm bún ra 2 cụm làng nghề sản xuất tập trung xa khu dân cư. Hiện nay, làng nghề Thượng Trạch cơ bản hoàn thành, các hộ sản xuất đã đi vào hoạt động.
Đối với làng nghề Linh Chiểu, các hạng mục đang được thi công để đảm bảo tiến độ, sớm đưa vào hoạt động. Kể từ khi làng nghề Thượng Trạch ra sản xuất bún tập trung, nguồn nước thải có hệ thống xử lý và tiêu thoát, đảm bảo về vấn đề môi trường.
Cũng như các địa phương khác trong huyện, xã Triệu Trạch có các nghề truyền thống như bánh kẹo, bánh chưng, bánh đúc, nem, chả nổi tiếng. Hiện nay, các nghề này vẫn hoạt động hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Nguyễn Thế Phương cho biết: “Trong năm 2021, xã đã tiến hành rà soát công tác sản xuất của các hộ dân làm nghề truyền thống để có cơ sở hướng dẫn, làm hồ sơ đăng ký các nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng của quê hương. Nhờ vậy, đã có các hộ đăng ký nhãn hiệu nem, chả chợ Sãi. Hiện chính quyền địa phương khuyến khích, định hướng cho các hộ gia đình làm nghề truyền thống tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn”.
Có thể nói, bên cạnh tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, các làng nghề trên địa bàn huyện Triệu Phong đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, lưu giữ truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư trong làng nghề, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục hỗ trợ các hộ dân, làng nghề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất; kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Quan tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Chú trọng phát triển làng nghề với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống. Hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)