Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Mai Trang – Minh Dương |

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để công tác đào tạo nguồn nhân lực thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thiết lập được mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề và tạo việc làm bền vững cho người lao động được xem là giải pháp đem lại những bứt phá mới trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Thời gian trước đây, sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường Trung cấp nghề Quảng Trị, nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, đa số các học sinh của trường đều vào các tỉnh miền Nam để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để tìm cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. Riêng trong 3 năm học trở lại đây, trường đã bắt đầu khâu nối với nhiều doanh nghiệp để giới thiệu học sinh đến thực tập và tạo điều kiện cho các em tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Đó là các doanh nghiệp như: Công ty Greenfeed, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi CP; Nhà máy may Hòa Thọ, Nhà máy điện gió, các cơ sở sửa chữa xe ô tô, v.v…

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị
Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị

Với cách làm hiệu quả đó, thời gian qua tỉ lệ học sinh của trường tìm được việc làm ổn định thông qua sự khâu nối của trường. Ông Lê Thiên Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị cho biết: “Nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với doanh nghiệp để đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết với nhau từ khâu đào tạo đến tạo việc làm. Và với cách làm đó thì sau khi học sinh ra trường thì hầu hết đều được doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí việc làm và có thu nhập cao. Có ít nhất 5 doanh nghiệp thường xuyên gắn kết với trường chúng tôi trong công tác này…”

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Trong đó có 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên ( GDNN- GDTX) ở các huyện. Những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết đào tạo giữa các nhà trường với doanh nghiệp nên các đơn vị đang áp dụng những giải pháp cụ thể, tích cực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề, giúp nhà trường và doanh nghiệp cùng phát triển.

Liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra việc làm cho học sinh, sinh viên là xu hướng tất yếu về mối quan hệ giữa 3 nhà: “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và hiệu quả. Ông Văn Ẩm, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hải Lăng cho biết: “Để làm tốt công tác phân luồng và tạo việc làm sau đào tạo, chúng tôi vừa làm tốt công tác tuyên truyền vừa kết nối với các trường cao đẳng, đại học, doanh nghiệp trong việc định hướng nghề, chọn những ngành nghề thiết thực, trước mắt là hướng tới tuyển chọn lao động cho Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị”.

Thông tư số 29 năm 2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề là một trong ba khâu đột phá của giáo dục nghề nghiệp. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định, tăng cường hợp tác gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng nhằm tạo việc làm bền vững cho người sau tốt nghiệp.

Một tiết dạy tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị
Một tiết dạy tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị


Trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cũng tập trung đẩy mạnh công tác điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và xã hội. Sở đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao … Do đáp ứng đúng nhu cầu của các doanh nghiệp cho nên trong thời gian qua dù có nhiều khó khăn trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 và thiên tai kéo dài, song ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tuyển sinh và tổ chức đào tạo đảm bảo chỉ tiêu được giao. Người lao động được đào tạo, tốt nghiệp hầu hết đều được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc và có thu nhập ổn định. Năm 2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã bố trí hơn 2,6 tỷ đồng để mở 20 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho hơn 1300 học viên để phục vụ hoạt động sản xuất.

Ông Lê Đình Long, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May XNK Tân Định – Cam Lộ cho biết thêm: “Năm 2019, công ty chúng tôi phối hợp với  Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đào tạo được 3 lớp học cho 105 học viên với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, năm 2020 đào tạo được 1 lớp với hơn 35 học viên. Đó cũng là một phần đóng góp cho doanh nghiệp và cũng hỗ trợ cho người lao động. Cách làm này góp phần tăng thêm kỹ năng nghề cho người lao động. Những năm vừa qua, chúng tôi lấy mô hình vừa làm việc vừa đào tạo để tạo thêm việc làm cho con em trên đia bàn do phần lớn trên địa bàn là lao động nông thôn”.

Trong năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 16.900 người, trong đó: trình độ cao đẳng: 700 người; trình độ trung cấp: 1.500 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 14.700 người (đào tạo nghề cho lao động nông thôn 11.000 người); phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 65,88%; trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50-55%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 32%.

Có thể nói, việc liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả cao, không lãng phí trong đào tạo, giúp người học yên tâm khi tham gia học tập vì được đảm bảo giải quyết việc làm. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay; đồng thời cũng là một tất yếu khách quan trong xu thế hội nhập; giải quyết được tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động cũng như thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề.

Bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Chúng tôi cũng đang tiếp tục chỉ đạo định hướng nghề nghiệp cho lực lượng học sinh THCS, THPT để định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh. Đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp để tăng cường công tác đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp sát hạch và tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Cũng mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong công tác GDNN để chất lượng công tác này ngày càng tăng lên và hiệu quả, năng suất của lao động cũng tăng lên, góp phần vào thực hiện các mục tiêu chung của tỉnh nhà”.

Đào tạo nghề may tại Công ty cổ phần May XNK Tân Định
Đào tạo nghề may tại Công ty cổ phần May XNK Tân Định

Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng nhiều biến động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Do vậy, nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm xây dựng, phát triển mối gắn kết bền vững này. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, các trường nghề cần đổi mới toàn diện trong đào tạo và có giải pháp phù hợp, cụ thể như: Nhà trường đồng hành với doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hợp tác toàn diện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo với nhà trường giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực đúng theo nhu cầu cần tuyển, từ đó, tạo mối quan hệ chặt chẽ để nhà trường và doanh nghiệp cùng phát triển và có thêm nhiều cơ hội thành công.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Thanh Trúc |

Ngày 4/9/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp tỉnh bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, việc tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. 

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang Lào

Thu Phương |

Thương vụ Việt Nam tại Lào đã định kỳ lập danh sách các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa sang Lào gửi đến cơ quan đầu mối của Lào để thông tin đến các doanh nghiệp tại Lào có nhu cầu.

Doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ giải trí 'đuối sức' vì COVID-19

H.Chung |

Báo cáo tài chính bán niên của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ niêm yết trên sàn chứng khoán vừa công bố cho thấy có sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận ở nhóm ngành này.

Việt Nam cần làm gì để chớp "cơ hội vàng" giữa làn sóng doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc?

An Ly |

Việt Nam cần hành động mau lẹ để bắt được dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, cơ hội vàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.