Giảm thiểu rủi ro trong nhập khẩu gỗ

Bảo Bình |

Nhằm kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, nhiều cơ chế, chính sách kiểm soát rủi ro đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã được ban hành, trong đó có Nghị định 102/2020-NĐ-CP của Chính phủ quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định 102) cùng các quyết định đi kèm đưa ra các tiêu chí xác định gỗ rủi ro nhập khẩu từ đó đưa ra các cơ chế hạn chế rủi ro. Qua gần hai năm triển khai thực hiện Nghị định 102 trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.


Thực hiện chiến lược phát triển ngành gỗ bền vững, đạt được mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD năm 2025, trong bối cảnh ngành gỗ đang đứng trước rất nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường và đặc biệt là các rủi ro trong tranh chấp thương mại, Chính phủ Việt Nam đã cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi nguồn cung. Cam kết này thể hiện qua việc Chính phủ ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT với EU từ năm 2019.

Cùng với Nghị định 102, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định 4831/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/11/2020 quy định các tiêu chí xác định gỗ rủi ro nhập khẩu nhằm thiết lập các cơ chế kiểm soát rủi ro. Theo nghị định, gỗ nhập khẩu được thực hiện thông qua thiết lập cơ chế kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu và các loài gỗ nhập khẩu. Gỗ rủi ro là gỗ được nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực và là các loài rủi ro. Nghị định quy định khi nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu cần phải bổ sung giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ.

Đa số các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ - Ảnh: B.B
Đa số các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ - Ảnh: B.B

Triển khai thực hiện Nghị định 102, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra việc quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ đối với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ, trong đó chú trọng đến gỗ có nguồn gốc nhập khẩu và để xuất khẩu trên địa bàn, hằng tháng tổng hợp báo cáo theo quy định. Hằng năm thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến, thương mại lâm sản trên địa bàn về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh, chế biến lâm sản, qua đó để truy xuất nguồn gốc, xác định gỗ hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ nhập khẩu, xuất khẩu.

Đến nay, đơn vị đã kiểm tra hơn 70 cơ sở chế biến thương mại lâm sản và các cơ sở đều chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh, chế biến lâm sản. Ngoài các đợt kiểm tra định kỳ về chấp hành pháp luật trong kinh doanh, chế biến lâm sản và truy xuất nguồn gốc gỗ, các hạt kiểm lâm đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn gốc gỗ xuất, nhập của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp chấp hành theo đúng quy định của pháp luật về kiểm tra truy xuất nguồn gốc gỗ cũng như các quy định khác về mua, bán gỗ nhập khẩu gỗ.

Chi cục Kiểm lâm cũng quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 102, nhất là trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, do vậy đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ sản thực hiện các hoạt động chế biến, thương mại lâm sản theo đúng quy định, góp phần nâng cao giá trị của gỗ và sản phẩm từ gỗ trên địa bàn. Mặc dù việc phân loại doanh nghiệp chưa được thực hiện, nhưng Chi cục Kiểm lâm đã cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí về phân loại doanh nghiệp, qua đó, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị nâng cao các điều kiện về sản xuất, đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu qua thị trường châu Âu theo Hiệp định VPA/FLEGT.

Sau khi Nghị định 102 có hiệu lực thi hành, tình hình nhập khẩu gỗ trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường, khối lượng gỗ nhập khẩu, kim ngạch có giảm là do diễn biến phức tạp của COVID - 19, làm ảnh hưởng đến giao dịch, mua bán gỗ nhập khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh gỗ nhập khẩu trên địa bàn. Thị trường gỗ nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn không thay đổi, các doanh nghiệp mua gỗ nhập khẩu chủ yếu là từ nước Lào về, ngoài ra một số doanh nghiệp còn mua lại gỗ nhập khẩu của các nước châu Phi từ thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 102. Đó là nghị định buộc các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ nguồn rủi ro bổ sung các bằng chứng minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, góp phần loại bỏ hoàn toàn gỗ bất hợp pháp khỏi chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam, tạo sự minh bạch, uy tín về sản phẩm gỗ Việt Nam với nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nghị định 102 là cụ thể hóa các điều khoản của Hiệp định VPA/FLEGT. Tuy nhiên, trong Hiệp định VPA/FLEGT quy định gỗ và các sản phẩm gỗ xuất sang thị trường châu Âu phải được kiểm soat từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác cho đến chế biến và tiêu thụ, nhưng Nghị định 102 chỉ đề cập đến gỗ và sản phẩm gỗ ở giai đoạn chế biến, tiêu thụ.

Do vậy, Nghị định 102 vẫn có những nội dung chưa phù hợp với Hiệp định VPA/FLEGT. Đa số các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, không trực tiếp xuất khẩu gỗ mà chỉ xuất khẩu các sản phẩm gỗ sau chế biến, nên rất khó kiểm tra giám sát và truy xuất nguồn gốc. Việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gỗ chủ yếu qua thị trường ngoài châu Âu, do đó các doanh nghiệp tham gia phân loại doanh nghiệp theo Nghị định 102 còn hạn chế. Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện phân loại doanh nghiệp chậm có hiệu lực, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ qua thị trường châu Âu.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, quy định tại Nghị định 102 yêu cầu bảng kê nhập khẩu gỗ phải có xác nhận của hải quan cửa khẩu. Tuy nhiên hiện tại trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu gỗ, Hải quan Cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo không xác nhận vào bảng kê gỗ nhập khẩu của doanh nghiệp, như vậy rất khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ.

Để triển khai thực hiện hiệu quả cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT và Nghị định 102, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công chức ngành kiểm lâm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xác định các loài gỗ nhập khẩu, nhất là các loài gỗ có xuất xứ từ châu Phi, châu Á… Từ đó giúp lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo chấp hành pháp luật về kinh doanh, chế biến lâm sản của các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ.

Đồng thời, lực lượng kiểm lâm cũng cần tăng cường nắm địa bàn, bám dân, bám chính quyền cơ sở để tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người dân tích cực thực hiện tốt các quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam theo Nghị định 102. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh chế biến gỗ, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ để thực hiện tốt các quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây dựng nhà máy chế biến dược liệu công suất 600 tấn nguyên liệu/năm tại huyện Cam Lộ

Anh Vũ |

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Hoài Linh vừa cho biết, Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS Việt Nam đã triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại Cụm Công nghiệp Cam Hiếu với công suất 600 tấn nguyên liệu an xoa/năm. 

Chế biến nông sản thời dịch bệnh

Mỹ Hằng |

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều ngành nghề kinh doanh chịu tác động tiêu cực, sản xuất tạm dừng hoặc cầm chừng. 

Thu nhập cao từ nghề chế biến mực một nắng

Tú Linh |

Với nghề chế biến hải sản khô, nhất là mực một nắng, mỗi năm cơ sở hấp sấy Thúy Lai của ông Dương Thế Lai ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Một mô hình liên kết chế biến nông sản thành công

Trần Anh Minh |

Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, liên kết là chìa khóa giúp các cơ sở sản xuất thành công, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia và huy động được nguồn lực đầu tư để phát triển một nền sản xuất bền vững.