Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá, với quyết tâm đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Tây Quảng Trị - “thủ phủ” điện gió
Năm 2021, tỉnh Quảng Trị có 17 dự án với tổng công suất trên 610 MW được công nhận vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi cố định (giá FIT) theo quy định của Chính phủ. Nhờ những dự án điện gió này, bắt đầu từ năm 2022, thu ngân sách mỗi năm của tỉnh tăng thêm khoảng từ khoảng 300- 363 tỉ đồng. Đây là con số đặc biệt có ý nghĩa, minh chứng cụ thể về quyết tâm biến những bất lợi thành lợi thế của tỉnh Quảng Trị.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh tích cực làm việc với các bộ, ngành trung ương nhằm đề xuất đưa vào quy hoạch nhiều dự án năng lượng quan trọng trên địa bàn như: 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5 MWp (tương đương 127 MW); 1 dự án nhà máy nhiệt điện than với công suất 1.320 MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840 MW và 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW. Đến nay, đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Như vậy, tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 965,6 MW. Trong năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành đầu tư dự án Trạm biến áp Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà-Lao Bảo; hoàn thành dự án cải tạo đường dây 110 kV Đông Hà-Lao Bảo.
Cùng với giá trị kinh tế, những cánh đồng điện gió hình thành ở vùng Tây Quảng Trị đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh, bởi hạ tầng giao thông hơn 80 km đường nhựa mà các chủ đầu tư công trình điện gió xây dựng để vận chuyển vật liệu, trang thiết bị trước đó được bàn giao cho chính quyền địa phương đã trở thành những con đường dân sinh, không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số thuận tiện hơn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn kết nối những bản làng xa xôi với bên ngoài thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm, check-in cánh đồng điện gió…
Kết nối các nguồn năng lượng
Để có đầy đủ cơ sở phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung, tỉnh đã rà soát và tích cực làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nhằm bổ sung các dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh vào Quy hoạch năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), đảm bảo đến năm 2030 tỉnh Quảng Trị có tổng công suất đưa vào sơ đồ Quy hoạch điện quốc gia ít nhất 10.000 MW. Từ cơ sở trung ương phê duyệt, tỉnh sẽ xây dựng quy hoạch cụ thể về phát triển năng lượng của tỉnh để tính toán lựa chọn nhà đầu tư có năng lực cho giai đoạn tiếp theo.
Song song với các công trình điện gió ở phía Tây, tỉnh Quảng Trị khởi động những dự án năng lượng có quy mô lớn ở trục phía Đông với các dự án điện khí và điện mặt trời. Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có 3 dự án điện mặt trời với công suất 149,5 MWp đã hoàn thành phát điện thương mại. Đặc biệt, có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, trong đó dự án Nhà máy điện khí 340 MW của Gazprom đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch và chỉ định nhà đầu tư; Nhà máy Điện khí Hải Lăng 1 công suất 1.500 MW đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, công suất 4.500 MW. Đầu năm 2022, Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Năng lượng Hanwha (HEC), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) đến từ Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) đã khởi công hợp phần kỹ thuật của dự án.
Dự kiến, thời gian khởi công nhà máy vào đầu năm 2023, phấn đấu đưa vào hoạt động khoảng từ năm 2026-2027. Cũng liên quan đến phát triển công nghiệp năng lượng ở Quảng Trị, mới đây UBND tỉnh làm việc với nhà đầu tư để thống nhất địa điểm tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom-Quảng Trị vào Quy hoạch Điện VIII. Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án điện gió ngoài khơi này có công suất 1.000 MW, diện tích nghiên cứu 22.000 ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn (bố trí trụ tua bin) 350 ha, diện tích sử dụng đất tạm thời 5 ha. Dự kiến dự án này khi hoàn thành sẽ cho sản lượng điện hơn 4 triệu MWh/năm.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 72.000 tỉ đồng. Như vậy, ngoài những dự án năng lượng đã đi vào hoạt động, hiện nay Quảng Trị đang có hàng chục dự án năng lượng tái tạo đang được đề xuất bổ sung quy hoạch và đề xuất đầu tư. Đặc biệt hiện nay, đề xuất khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng tiếp bờ Quảng Trị được Trung ương và nhà đầu tư ủng hộ. Cùng với đó Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới thì khát vọng trở thành trung tâm năng lượng miền Trung của Quảng Trị càng trở nên hiện hữu.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định, Quảng Trị hội tụ nhiều điều kiện tốt để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần “thay áo mới” cho nền kinh tế của tỉnh giai đoạn tiếp theo với tính toán ngành năng lượng điện sẽ đóng góp từ 30%-40% ngân sách địa phương. Đây sẽ là nguồn thu rất có ý nghĩa cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai gần.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)