Hiệu quả từ những mô hình sản xuất nông nghiệp

Trung Linh |

Được sự hỗ trợ, đồng hành từ các cấp hội nông dân, thời gian qua các hội viên nông dân trên địa bàn thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Khanh (sinh năm 1952) ở Khu phố 5, Phường 2 được biết đến là hội viên nông dân siêng năng, cần cù trong phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, ông Khanh là Chủ tịch Hội Nông dân Phường 2. Từ năm 2012, ông về hưu theo chế độ và chuyên tâm sản xuất nông nghiệp, trồng nấm, nuôi gà.

Mô hình trồng nấm của ông Khanh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: TRUNG LINH​
Mô hình trồng nấm của ông Khanh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: TRUNG LINH​

Ông Khanh chia sẻ: “Sau khi về hưu, tôi ấp ủ tìm ra loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đô thị của chính quyền địa phương. Nhận thấy đất đai quanh nhà còn khá rộng nên sau một thời gian nghiên cứu, tôi quyết định xây dựng mô hình trồng nấm. Nếu thành công, tôi sẽ nhân rộng để người dân trong vùng cùng trồng”.

Thêm lý do nữa để ông Khanh chọn loại cây trồng này là bởi trồng nấm không dùng hóa chất hay phân bón hóa học. Cùng với đó, cây nấm cho năng suất, sản lượng ổn định, giá cả cũng ít bấp bênh. Vào tháng 2/2019, ông Khanh bỏ ra gần 1 tỉ đồng để xây dựng 2 nhà trồng nấm rộng khoảng 200 m2 và lắp đặt các thiết bị phục vụ sản xuất. Hàng xóm ông Khanh là người trồng nấm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nên ông Khanh liên kết, hợp tác với người này cùng trồng nấm. “Để lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng các loại nấm bào ngư cung cấp cho thị trường. Về lâu dài, tôi hướng tới trồng nấm mối đen, có nhiều công dụng đối với sức khỏe và giá trị kinh tế cao. Mặc dù loại này khó trồng, nguồn giống khan hiếm, phải lấy từ TP. Hồ Chí Minh nhưng tôi sẽ kiên trì thực hiện”, ông Khanh nói.

Theo ông Khanh, để trồng được những loại nấm trên phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, ông xử lý phôi là mùn cưa bằng nước vôi, cám gạo. Tiếp đến ông tiến hành xử lý nhiệt bằng phương pháp nấu phôi để vô trùng. Công đoạn cuối cùng là cấy meo (giống) nấm vào phôi. Sau khoảng 2 tháng, meo nấm ăn đều trên phôi và bắt đầy cho nấm thành phẩm. Mỗi năm, ông Khanh trồng được 7 lứa nấm bào ngư.

“Các thương lái tới tận nơi để thu mua nấm với giá giao động từ 30-50 ngàn đồng/kg, lúc cao điểm lên 60 ngàn đồng/kg. Trung bình 1 tháng, tôi thu khoảng 6 tạ nấm tươi và bán được khoảng 15-20 triệu đồng”, ông Khanh chia sẻ.

Hiện tại, ông Khanh đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để trồng thử nghiệm nấm mối đen. Ngoài ra, ông Khanh và vợ còn nuôi thêm đàn gà lấy trứng và lấy thịt gần 200 con mỗi lứa, một năm nuôi 3 lứa. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm gia đình ông Khanh thu lãi ròng 150-200 triệu đồng. Mô hình trồng nấm của ông Khanh tạo việc làm thời vụ cho 5-8 lao động địa phương.

Đầu năm 2018, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy Vân (sinh năm 1985) ở Khu phố 5, Phường 2 bắt đầu triển khai mô hình trồng sen, nuôi cá kết hợp. Ban đầu, chị Vân tận dụng hồ cá của gia đình rồi mua 1.000 mặt (giống) sen từ Huế về trồng thử nghiệm. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình sen - cá kết hợp, chị Vân tiếp tục thuê thêm 2 hồ cá gần nhà để trồng sen với tổng diện tích mặt nước của 3 hồ khoảng 2,5 ha.

“Cây sen rất dễ trồng, chỉ cần gieo mặt sen cho vụ đầu tiên, những vụ tiếp theo sau khi thu hoạch xong, tôi thuê người cày ruộng và cây sen tự tái sinh, không cần trồng lại nữa. Trong quá trình trồng, tôi chỉ bón phân NPK một lần, không tốn công chăm sóc. Ngoài trồng sen, tôi còn nuôi thêm các loại cá trắm, mè, rô phi… Đàn cá trong hồ tự kiếm ăn, chúng tôi không mua thức ăn gì khác”, chị Vân nói.

Sau khoảng 3 tháng trồng, cây sen cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch đài sen kéo dài từ 3 - 4 tháng. Trung bình mỗi ngày, từ 3 hồ sen, chị Vân thu được từ 40 - 50 kg sen hạt (lúc cao điểm được hơn 1 tạ sen hạt). Mỗi khi đến mùa thu hoạch sen, chị Vân tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với mức tiền công từ 150 - 250 ngàn đồng/ người/ngày. Sau khi thu hoạch hết sen, chị Vân tiếp tục thuê người thu hoạch cá dưới hồ. Mặc dù mỗi năm chỉ trồng 1 vụ sen nhưng hiệu quả kinh tế mà mô hình sen - cá mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Chị Vân tính toán: “Trung bình 1 ha sen sẽ thu được 120 - 130 triệu đồng/năm, cộng thêm 20 - 30 triệu đồng tiền cá nữa, sau khi trừ đi các chi phí thì mỗi năm tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Trong khi đó; nếu trồng lúa chỉ thu được 30 - 40 triệu đồng/ha mà chi phí, công chăm bón bỏ ra lại nhiều hơn”.

Hiện nay trên địa bàn thị xã Quảng Trị có rất nhiều mô hình kinh tế của hội viên nông dân phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Quảng Trị Nguyễn Đức Vinh cho hay, hội hiện có 27 chi hội với 1.850 hội viên. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ, đồng hành tích cực từ các cấp hội mà hội viên nông dân trên địa bàn thị xã chủ động vượt khó phát triển kinh tế gia đình với đa dạng các mô hình sản xuất. Ví dụ như mô hình chăn nuôi bò, hươu lấy nhung ở xã Hải Lệ; mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng rau sạch ở Phường 2, Phường 3; mô hình trồng nấm ở Phường 2, phường An Đôn… Hầu hết những mô hình này đến nay đều hoạt động ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó giúp các hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lào tập trung cải thiện môi trường đầu tư nông nghiệp

Tổng hợp |

Chính phủ Lào và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) hôm 22/10 vừa khởi động dự án tăng cường môi trường thuận lợi cho đầu tư có trách nhiệm vào nông nghiệp và hệ thống lương thực tại Lào.

Định hình một nền sản xuất nông nghiệp mới

Trần Tuyền |

5 năm qua, với những hướng đi đúng đắn trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, ngành nông nghiệp đã định hình một nền sản xuất mới, hướng đến nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững, biến những khó khăn thành lợi thế phát triển.

Một nửa nền nông nghiệp Quảng Trị trước nguy cơ vỡ đập

Lâm Chí Công |

Cơn đại hồng thuỷ ở các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng trong những ngày đã làm cho hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn, mất mát.

Xanh EWEC xin đăng lại bài viết của nhà báo Lâm Chí Công trên Báo Lao Động về vấn đề đê điều, thuỷ lợi trong mùa mưa lũ. Bài viết vẫn đang còn rất thời sự.

Cấp chủ trương đầu tư cho 10 dự án nông nghiệp công nghệ cao

Quang Hiệp |

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, trong 10 năm qua, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 57 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp. Trong số đó, đáng chú ý là có 10 dự án nông nghiệp công nghệ cao được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn hơn 863,5 tỉ đồng.