Năm 2021, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai thí điểm công nghệ tưới nhỏ giọt cho mô hình chuyên canh cây ăn quả tại địa phương. Qua một thời gian thí điểm, đến nay mô hình mang lại kết quả khả quan. Không chỉ giúp tiết kiệm nước tưới, công nghệ này còn giúp nông dân nơi đây tiết kiệm một phần không nhỏ chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Trong cái tiết trời nắng nóng, pha gió Lào ở biên giới nhưng vườn chuyên canh cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Phương ở thôn An Tiêm, xã Tân Thành vẫn luôn tốt tươi nhờ có hệ thống tưới nhỏ giọt.
Đây là khu vườn rộng 4,2 ha, có rất nhiều loại cây trái phong phú và đa dạng về chủng loại được chủ khu vườn tâm huyết, chăm chút tạo ra. Ông Phương cho biết, trước đây, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, tích cực đi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả để học hỏi kinh nghệm, tìm hiểu trên sách báo, internet... những loại cây nào phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương.
Sau khi tích lũy khá nhiều kiến thức, năm 2016, ông quyết định sử dụng khu đất đồi bỏ hoang đầu tư xây dựng vườn chuyên canh cây ăn quả gồm: 1.000 cây mít Thái, 200 cây ổi Đài Loan, 150 cây vú sữa, 150 cây chôm chôm, nhãn, vải cùng nhiều loại cây khác.
Nhờ được chăm sóc tốt, sau 6 năm vườn cây ăn quả này phát triển tốt và đã cho thu hoạch vài vụ, nâng cao thu nhập cho gia đình ông. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí đầu tư ban đầu, mô hình đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 120 - 150 triệu đồng.
Để vườn cây ăn quả phát triển tốt hơn, cùng với phân bón thì nguồn nước là một điều kiện quan trọng. Khi bắt tay vào xây dựng mô hình này, ông Phương tận dụng nguồn nước từ ao, hồ và đào giếng khoan với phương pháp tưới nước truyền thống. Tuy nhiên, sau một thời gian ông Phương nhận thấy việc tưới theo phương pháp truyền thống gây lãng phí nước và tạo ra ngập úng.
Trước khó khăn trong vấn đề sử dụng nước tưới cho vườn cây ăn quả của gia đình mình, mô hình của ông Phương được chính quyền địa phương quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ. Niềm vui đã đến với gia đình ông khi tháng 12/2021, Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu đã hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng hệ thống phun nước nhỏ giọt cho mô hình.
Sau gần 1 năm ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, mô hình chuyên canh cây ăn quả của ông đã tiết kiệm được khoảng 60% công tưới so với cách tưới trực tiếp như trước đây, đồng thời, công bón phân, phun thuốc và lượng phân hữu cơ cần bón cho cây ăn quả cũng được tiết kiệm đáng kể. Nhờ đó, bảo đảm nước tưới cho vườn cây ăn quả, đem lại tín hiệu khả quan về năng suất, chất lượng cho mô hình.
Ông Phương chia sẻ: “So với sử dụng công nghệ truyền thống, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có ưu điểm là tiết kiệm nước do nước tưới được cấp trực tiếp cho cây trồng, không bị thất thoát do bốc hơi và thấm sâu.
Hơn nữa, tưới nhỏ giọt còn giúp giảm công lao động, lại đảm bảo phân phối nước đồng đều, là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Chi phí ban đầu cao hơn so với phương pháp tưới rãnh truyền thống nhưng chính quyền địa phương đã kêu gọi và hỗ trợ, tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển thành mô hình điểm về công nghệ tưới nhỏ giọt của xã”.
Sau gần 1 năm triển khai, mô hình thí điểm phương pháp tưới tiết kiệm nước của ông Phương đến nay đã cho kết quả khả quan. Theo tính toán bước đầu cho thấy, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có thể cho năng suất cao hơn từ 30 - 40% so với phương pháp tưới truyền thống.
Khả năng thu, trữ nước tại chỗ kết hợp với phương pháp tưới nhỏ giọt vừa có thể giải quyết hiệu quả bài toán khó khăn về nguồn nước tưới vừa là giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm các loại cây ăn quả ở địa bàn xã.
Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa Võ Trần Ngọc Bình cho biết: “Tân Thành có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển và mở rộng hình thành các vùng chuyên canh phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả. Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mô hình chuyên canh cây ăn quả tại địa phương hiện nay là hướng đi đúng đắn, sáng tạo trong phát huy các tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực trên địa bàn xã, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)