Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn chính là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách để đẩy mạnh sản xuất, trong đó chính sách về hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất - kinh doanh theo Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định 21) đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất đến gần hơn với người dân, thực sự phát huy hiệu quả tích cực thì rất cần có sự điều chỉnh hợp lý.
Triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định 21, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị là một trong những địa phương thực hiện giải ngân nguồn vốn hiệu quả. Ông Ngô Văn Châu, tổ trưởng tổ vay vốn địa bàn xã Hải Lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh thị xã Quảng Trị cho biết, nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 21 có ý nghĩa quan trọng giúp các hộ dân trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Kể từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã Hải Lệ đã có gần 40 hộ dân được hỗ trợ lãi suất vay vốn với tổng số tiền 10,5 tỉ đồng theo Quyết định 21, trong đó hộ dân được vay nhiều nhất với số tiền lên đến 500 triệu đồng để triển khai mô hình trang trại chăn nuôi, trồng rừng...
Là người trực tiếp tuyên truyền về chính sách cũng như hỗ trợ người dân làm đề án phát triển sản xuất để vay vốn, ông Châu cho biết, để chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay của nhà nước đến với người dân thì một trong những điều kiện quan trọng là có cán bộ tuyên truyền, phổ biến chính sách để người dân hiểu rõ. Từ đó định hướng cho người dân các mô hình kinh tế thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ lãi suất và xây dựng đề án phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, ông Châu cũng đề xuất nguyện vọng của nhiều hộ dân là kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất vốn vay của chính sách này thay vì chỉ cho vay trong thời hạn 3 năm như Quyết định 21. Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua hình thức hỗ trợ lãi suất là một chính sách khá hiệu quả khi nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách để cấp bù lãi suất nhưng lại huy động được một nguồn lực kinh tế lớn trong xã hội để kích thích phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xây dựng NTM. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 21, đến cuối năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 21 gồm Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh và thị xã Quảng Trị. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để triển khai thực hiện chương trình đến nay là 4,659 tỉ đồng với tổng doanh số cho vay là 49,503 tỉ đồng cho 194 hộ gia đình, cá nhân, 1 hợp tác xã và 38 trang trại tham gia vay vốn.Chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất của tỉnh đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập, ổn định đời sống…cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh từ làm ăn nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại, liên kết sản xuất với tiêu thụ quy mô lớn. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện thì chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh vẫn còn một số vấn đề bất cập cần sửa đổi. Đó là định mức hỗ trợ đối với một số cây trồng, con nuôi khá thấp nếu áp dụng đối với giai đoạn tới như lúa chất lượng cao là 14 triệu đồng/ ha/năm, chăn nuôi lợn mức thấp nhất là 20 triệu đồng/ mô hình.
Ngoài các lĩnh vực trọng tâm của ngành nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, phát triển kinh tế trang trại… thì lĩnh vực chế biến, tiêu thụ hàng nông sản cũng đóng góp vai trò rất lớn trong chuỗi liên kết hàng hóa sản phẩm nhưng không nằm trong danh mục lĩnh vực cho vay. Nguyên tắc hỗ trợ của chính sách chỉ áp dụng đối với các dự án cho vay mới. Tuy nhiên có một số khách hàng sau khi đã vay vốn tại ngân hàng được khoảng 1 năm đầu để triển khai dự án phát triển sản xuất thì mới biết đến chính sách, dù dự án phát triển sản xuất của họ có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao nhưng vẫn không được hưởng chính sách hỗ trợ.
Việc bố trí kinh phí thực hiện hằng năm được thực hiện thông qua báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện của năm trước và nhu cầu của năm hiện tại để bố trí phù hợp với từng địa phương tránh tình trạng giải ngân không hết, kết dư sang năm tiếp theo. Tuy nhiên, do sự đánh giá chủ quan về năng lực thực hiện của các địa phương nên việc bố trí nguồn kinh phí chưa đồng đều. Một số địa phương được bố trí nhiều không thực hiện hết trong khi đó một số địa phương làm tốt thì không có kinh phí để thực hiện...
Để giải quyết những bất cập trên, việc điều chỉnh Quyết định 21 để tiếp tục kích thích người dân đẩy mạnh, mở rộng quy mô phát triển sản xuất, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM là rất cần thiết. Trong đó, cần xem xét mở rộng lĩnh vực, đối tượng được vay vốn, nâng hạn mức vốn vay và thời gian hỗ trợ lãi suất... Việc xây dựng chính sách phù hợp sẽ góp phần quan trọng tận dụng được một dòng vốn riêng nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn chủ động đầu tư, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại nhà nước. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)