Hiệu quả xây dựng vườn mẫu ở Hải Chánh

Minh Trí |

Phong trào cải tạo vườn tạp để xây dựng vườn mẫu theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu đang được triển khai tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Việc xây dựng vườn mẫu không những góp phần thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Đến thăm khu vườn mẫu của hộ gia đình ông Lê Quang Thạnh, thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh, chúng tôi có chung cảm nhận nơi đây như một tiểu khu sinh thái. Từ cổng vào là hàng cau tứ quý cao vút được trồng thẳng lối dọc theo con đường bê tông dẫn vào sân nhà. Hai bên nhà là các khu vườn được ông quy hoạch nhiều loại cây ăn quả và các loại hoa, cây cảnh. Tất cả được ông Thạnh phân khu gọn gàng, đẹp mắt, lối đi sạch sẽ rộng khắp khu vườn.

Ông Lê Quang Thạnh cho biết: “Trước đây vườn chúng tôi trồng các loại cây tạp nên hiệu quả thu nhập không cao. Sau khi được tuyên truyền, phổ biến về cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, toàn bộ cây tạp đã được phá bỏ, quy hoạch lại để trồng các loại cây ăn quả như: vải, bưởi, mít, na, đào và các loại cây cảnh. Gần 10 năm quy hoạch, đến nay có 200 gốc cam sành, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi diễn trên diện tích hơn 500 m2 đem lại giá trị thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình tôi đầu tư nuôi hơn 100 con gà đồi tăng thêm thu nhập”.

Ông Lê Quang Thạnh thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh thu hoạch bưởi diễn trong vườn mẫu - Ảnh: M.T
Ông Lê Quang Thạnh thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh thu hoạch bưởi diễn trong vườn mẫu - Ảnh: M.T

Tuy nhiên, nếu theo các tiêu chí để được công nhận chuẩn vườn mẫu thì vườn của gia đình ông Thạnh vẫn chưa đạt. Ông Thạnh tâm sự: “Nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn, gia đình tôi quyết tâm tiếp tục đầu tư đạt các tiêu chí của vườn mẫu. Đầu tiên tôi chia khu vườn thành 4 khu, giữa có đường đi lối lại bằng gạch lát, đảm bảo trục đường chính rộng 1,2 m, đường phụ rộng gần 1m, dọc 2 bên đường đặt chậu hoa, cây cảnh.

Toàn bộ khu vườn được đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cũng như tưới nước nhỏ giọt dẫn đến tận gốc cây để chăm sóc cây thuận tiện và hiệu quả cao hơn. Để đem lại giá trị thu nhập cũng như tạo cảnh quan cho khu vườn, tôi sẽ dành một số diện tích cải tạo thành ao thả cá với các giống cá được thả như: trắm, trôi, chép và chăn nuôi gia cầm. Ý tưởng tạo nên vườn mẫu đã có sẵn, nhưng chúng tôi đang rất thiếu vốn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Nói về hiệu quả trong phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn xã Hải Chánh, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Sinh cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng vườn mẫu nên thời gian qua, xã Hải Chánh luôn quan tâm tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng vườn mẫu. Đồng thời, đặt ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu mỗi năm vận động xây dựng thêm khoảng 2 vườn mẫu.

Tuy trên địa bàn xã chưa có vườn mẫu đạt tiêu chí theo quy định, nhưng phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu được Nhân dân hưởng ứng và bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho hộ gia đình, tạo diện mạo nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với thực hiện xây dựng NTM, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của kinh tế vườn, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các hộ xây dựng vườn mẫu sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hình thành thói quen của người dân trong việc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đảm bảo về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Thực tế cho thấy, vườn mẫu thực sự là mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Với mức đầu tư không lớn, đây là mô hình có tính khả thi cao, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn.

Đồng thời, việc triển khai xây dựng và nhân rộng các vườn mẫu còn trực tiếp góp phần vào việc thực hiện, nâng cao một số chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng NTM. Việc xây dựng vườn mẫu cũng giúp người dân các vùng nông thôn thay đổi nhận thức, hành động. Từng bước hình thành nếp lao động có khoa học, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn, nâng cao ý thức về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường sống.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trồng cây nưa cho thu nhập cao ở thôn Đông Sơn

Minh Tuấn |

“Ăn đi vài con cá/ Dăm bảy cái chột nưa...”, anh Nguyễn Hữu Trung, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đọc một đoạn trong bài thơ “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu rồi nói với tôi: “Muốn hiểu thêm về chột nưa thì vào thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn sẽ được giải đáp ngay. Chột nưa bây giờ là cây xóa đói giảm nghèo của nông dân xã này”. Lời của anh Trung khiến tôi không thể chần chừ.

Tạo sinh kế cho người dân vùng cao từ cây trẩu

Lê An |

Không nằm trong nhóm cây lâm nghiệp chính nhưng thời gian qua, cây trẩu không chỉ có vai trò phòng hộ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất mà còn tạo sinh kế, mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị).

Trên 3 ha cây hồ tiêu ở xã Gio An bị ngập úng do xuất hiện nhiều mạch nước mội

Hà Trang |

Sau nhiều ngày chịu ảnh hưởng của mưa lớn do cơn bão số 6 gây ra, đã có trên 3 ha cây hồ tiêu của người dân tại xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị ngập úng, hư hại. Đặc biệt, tình trạng nhiều mạch nước mội liên tục xuất hiện tại các vườn tiêu đã ảnh hưởng rất lớn tới hệ rễ của cây, đe dọa đến diện tích, năng suất, chất lượng của loại cây trồng này trong thời gian tới khiến người trồng tiêu vô cùng lo lắng.

Thu nhập cao từ trồng bưởi da xanh

Lê An |

Nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho quả quanh năm, giá bán và đầu ra ổn định, ông Trần Đình Bình ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi hơn 0,6 ha đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, mang lại thu nhập cao cho gia đình.