Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới và giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh trong các giai đoạn trước, nhất là trong chế biến, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng liên kết chuỗi giá trị... bước vào đầu nhiệm kỳ mới 2021 - 2026, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026.
Đây là cơ hội để các tổ chức, cá nhân có điều kiện phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh.
Chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực đã được tỉnh thực hiện từ nhiệm kỳ 2016 - 2020 mang lại hiệu quả thiết thực, một số cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ thí điểm trong giai đoạn này đã mang lại hiệu quả cao. Trước nhu cầu tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa, trong 3 năm (từ năm 2017 - 2020), các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình ở đây đã được tỉnh hỗ trợ trồng lại 490,5 ha cà phê. Hầu hết các vườn tái canh cà phê sinh trưởng tốt, nhiều vườn đến nay đã cho thu hoạch với năng suất 15 tấn quả tươi/ha, cao hơn 1,5 lần so với năng suất vườn cà phê già cỗi trước đây.
Để chủ động cho chương trình tái canh cà phê, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 2 vườn giống được cấp chứng nhận giống cà phê đầu dòng đảm bảo chất lượng tốt. Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh được cấp bảo hộ nhờ đổi mới phương thức sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng đã giúp cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa vươn xa hơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giúp ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững hơn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, tạo ra sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Qua đó, giúp tăng giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 3,49%, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới và sự phát triển KT - XH của tỉnh.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước, chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi của tỉnh mới chỉ mang tính hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy mô nhỏ, chưa có tính liên kết gắn với công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị. Do đó, Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND nhằm mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp sâu hơn với chuỗi giá trị có tính liên kết với chất lượng sản phẩm được chứng nhận. Từ đó đưa các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh tăng tính cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế nông nghiệp tỉnh.
Để khuyến khích các doanh nghiệp địa phương, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân không có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ liên quan đến các loại cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh hướng đến mục tiêu nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới, tỉnh ưu tiên hỗ trợ vùng nuôi, trồng tập trung theo quy hoạch, tạo ra quy mô hàng hóa lớn, có tính liên kết, gắn với công nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tham gia chuỗi giá trị.
Các loại cây, con chủ lực của tỉnh được tiếp tục hỗ trợ theo Nghị quyết 162 gồm: Cà phê, hồ tiêu, một số loại cây ăn quả chính, lúa, dược liệu, trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao; nuôi bò, nuôi tôm công nghệ cao. Đồng thời, trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường tiêu thụ, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểm soát chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, ISO 22000; xây dựng thương hiệu; chính sách xúc tiến thương mại; chính sách tín dụng... Hằng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ tối thiểu 17 tỉ đồng để thực hiện chính sách này; ngân sách cấp huyện hỗ trợ đối ứng 30%. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ cũng lồng ghép huy động từ các nguồn vốn khác của các chương trình, dự án trong và ngoài nước.
Mức hỗ trợ theo Nghị quyết 162 được tỉnh thực hiện 1 lần tối đa từ 50% - 70% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu trong trồng trọt; hỗ trợ từ 30% - 50% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong nuôi tôm công nghệ cao, chi phí giống, thuốc thú y, trồng cỏ sinh khối, mua dụng cụ phục vụ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi bò.
Các mô hình sản xuất được hỗ trợ phải trồng trọt, chăn nuôi thành vùng tập trung và nằm trong vùng quy hoạch sản xuất sản phẩm đó. Giống cây trồng, vật nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, phải thuộc cơ cấu giống theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân đang thực hiện sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh theo hướng hữu cơ, đặc sản, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tối thiểu từ 3 - 5 năm trở lên.
Hiện nay, các địa phương đang phổ biến chính sách này đến tận cơ sở và triển khai làm các thủ tục cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để đề nghị tỉnh hỗ trợ. Đề án được thực hiện sẽ tiếp tục thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)