Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tận dụng những lợi thế sẵn có, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị và các địa phương đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững.
Vườn tiêu hữu cơ sinh thái
Đến xã Gio An, huyện Gio Linh, chúng ta không khó để bắt gặp những ngôi nhà bao quanh là vườn tiêu xanh mướt. Dưới vườn tiêu, người dân trồng xen bầu, bí, mướp để sử dụng cho bữa ăn hằng ngày và bán ra để có thêm thu nhập. Bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn Bình Sơn, xã Gio An cho biết, việc trồng xen các loại rau màu dưới vườn tiêu được gia đình bà thực hiện từ 7 - 8 năm nay, kể từ thời điểm 300 gốc hồ tiêu của gia đình bà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu.
Trước đó, cũng như nhiều hộ gia đình ở xã Gio An, trong vườn tiêu của bà chỉ độc canh mỗi cây hồ tiêu bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ được gia đình bà sử dụng lâu năm khiến đất bị thoái hóa, bạc màu. Năm 2014, sau nhiều lần tham gia tập huấn, bà Hằng quyết định chuyển hướng sang trồng tiêu hữu cơ.
Lúc này mọi thứ gần như thay đổi hoàn toàn, nhất là về kỹ thuật canh tác và sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm trừ sâu sinh học. Phải mất ròng rã 3 năm trời để cải tạo đất, đến năm 2017, sau rất nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm, vườn hồ tiêu của bà Hằng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Mọi người trong gia đình thở phào nhẹ nhõm, niềm vui vỡ òa.
Theo bà Hằng, hồ tiêu là cây trồng khó tính, không chịu được ngập úng nhưng lại rất cần nước. Vì thế khi trồng tiêu hữu cơ, các loài cỏ dại mọc trong vườn sẽ giúp giữ được độ ẩm trong đất. Nguồn phân hữu cơ được bón đủ liều lượng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng giúp cây hồ tiêu có sức sống dài lâu, hạt chắc, cay và thơm ngon.
Đặc biệt, trồng tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ không chỉ người tiêu dùng có sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe mà chính những người trong gia đình bà được sống trong một môi trường an toàn. Vườn hồ tiêu trở thành không gian sinh thái của gia đình bà. Trong vườn các loài cỏ dại, cây xuyến chi tự nhiên sinh sôi, nảy nở. Khi cần thiết, chúng sẽ được cắt và vun vào gốc tiêu để giữ độ ẩm, bổ sung chất hữu cơ cho cây.
Tuổi thọ của cây hồ tiêu dài hơn; năng suất khi trồng tiêu hữu cơ thậm chí còn cao hơn khi sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thông thường. Giá hạt tiêu hữu cơ cũng được Hợp tác xã (HTX) Ông Voi thu mua cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với giá thị trường tại cùng thời điểm. Do vậy, vượt qua nắng gió, vườn hồ tiêu hữu cơ của gia đình bà Hằng vẫn vươn lên xanh tốt. Các loại rau màu trồng trong vườn cũng phát triển tốt hơn.
“Không chỉ được thu mua với giá cao hơn mà hạt tiêu hữu cơ luôn có đầu ra ổn định nên nông dân rất phấn khởi. Ngoài ra, hằng năm HTX đều tập huấn kỹ thuật và giám sát rất chặt chẽ quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ”, bà Hằng cho hay.
Theo thống kê của UBND xã Gio An, đến nay trong tổng số 75 ha hồ tiêu của địa phương có 45 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Diện tích còn lại cũng đang được chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Toàn bộ sản lượng hạt tiêu hữu cơ hằng năm khoảng 70 tấn được HTX Ông Voi đóng trên địa bàn xã thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, để có diện tích canh tác đã khó, việc hình thành và duy trì vùng hồ tiêu hữu cơ còn khó khăn hơn gấp bội. Nhưng dần dần, với công tác tuyên truyền và giám sát chặt chẽ của HTX Ông Voi nên nhận thức và trách nhiệm của người dân đã có sự thay đổi lớn.
Từ nhiều năm nay, qua các lần tets mẫu, hồ tiêu hữu cơ của Gio An vẫn đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài. Địa phương đang phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm tới, 100% diện tích hồ tiêu tại Gio An sẽ được chứng nhận hữu cơ châu Âu. Bên cạnh đó, các loại cây ăn quả khác như cam, quýt, bưởi, ổi hiện nay cũng đang trồng theo hướng hữu cơ.
“Cùng với hệ thống giếng cổ từ xa xưa để lại, những vườn hồ tiêu hữu cơ xanh tốt quanh năm đã tạo nên một không gian sống sinh thái đầy sức hút ở vùng đất Gio An. Đây cũng là một trong những lý do để chính quyền địa phương mạnh dạn hơn trong câu chuyện phát triển du lịch nông nghiệp”, ông Hiếu tiết lộ.
Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững
Vụ đông xuân vừa qua là vụ đầu tiên ông Nguyễn Tấn Lễ ở tại thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ trồng 0,5 ha lúa giống ST25 theo mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị triển khai. Sau gần 3,5 tháng, ông thu được hơn 3,3 tấn lúa tươi. Với giá thu mua 13 triệu đồng/tấn lúa tươi ngay tại ruộng, ông Lễ thu về gần 43 triệu đồng, lãi ròng trên 18 triệu đồng.
“Hầu hết các khâu trong quy trình đều được cơ giới hóa. Về kinh tế, nếu làm tốt có thể lãi đến 40 triệu đồng/ ha. Do vậy, tôi sẽ tiếp tục duy trì việc trồng lúa hữu cơ để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa đem lại nhiều lợi ích về môi trường”, ông Lễ cho hay.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn thông tin, mô hình được thực hiện tại xã Cam Hiếu với diện tích 8 ha, sử dụng giống lúa ST25. Đây là diện tích đã được nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ từ các vụ trước. Quá trình sinh trưởng của cây lúa được chăm sóc, quản lý nghiêm ngặt. Sử dụng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, đạm cá, ốc; nước thân lá cây lên men; các loại thảo mộc; canxi photphat xương, canxi vỏ trứng, sữa trứng...
Năng suất lúa tươi đạt trên 6,5 tấn/ha và được Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu với giá thu mua tại ruộng là 13 nghìn đồng/kg... Trừ chi phí ruộng mô hình đạt lợi nhuận trên 36,5 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với ruộng đại trà. Theo ông Cẩn, ưu điểm của trồng lúa hữu cơ đó là giúp giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng. Sử dụng phân bón hữu cơ ngoài tác dụng bổ sung vi lượng, dưỡng chất cho cây lúa còn có tác dụng thau chua, rửa phèn, cải tạo đất rất tốt.
Đến nay, huyện Vĩnh Linh đã có 8 HTX sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, liên kết bao tiêu sản phẩm trên diện tích 158 ha với gần 600 hộ nông dân tham gia. Năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha; thu nhập đạt 49 triệu đồng/ha. Bình quân 1 ha trừ chi phí cho thu nhập cao hơn sản xuất lúa bình thường 3 - 4 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, do sử dụng quy trình khép kín, tập trung từ gieo cấy, thu hoạch lúa tươi tại ruộng đã giảm tổn thất sau thu hoạch từ 5 - 7%. Hiện nay, các công ty liên kết đã dần ổn định thị trường đầu ra; đã tạo được thương hiệu gạo hữu cơ Vĩnh Lâm và đang thực hiện chứng nhận gạo hữu cơ Vĩnh Linh.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, canh tác hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh từ thảo dược nên tạo ra môi trường an toàn cho người sản xuất, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nên tạo ra nguồn nước mặt, không khí trong lành, đất đai phì nhiêu màu mỡ, giảm phát thải carbon, sản phẩm an toàn chất lượng và dần thiết lập lại cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, tăng cường liên kết 4 nhà, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ, năm 2023 huyện đã thành lập Liên hiệp HTX sản xuất lúa hữu cơ để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hỗ trợ đầu tư chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, hệ thống kênh thủy lợi cho vùng sản xuất lúa hữu cơ. Xây dựng hệ thống sơ chế và chế biến lúa gạo Vĩnh Linh ở HTX Đức Xá, xã Vĩnh Thủy. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 300 ha lúa sản xuất hữu cơ, trong đó có 100 ha đạt chứng nhận hữu cơ. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm với số lượng khoảng 3.000 tấn/năm.
Với quan điểm cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dần từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng, giá trị, những năm qua, ngành nông nghiệp đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh nhằm chuyển hướng sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đặc biệt, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường với đột phá là phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực là gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị và cây ăn quả đặc sản. Từ đó, định hình một nền sản xuất nông nghiệp mới, biến điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế phát triển, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 478 ha các loại cây trồng sản xuất hữu cơ bao gồm: lúa, hồ tiêu, cây ăn quả... Ngoài ra còn có 74 ha lúa sản xuất canh tác tự nhiên, 317,9 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và 40 ha lúa theo hướng VietGap. Sản phẩm hữu cơ đã xuất khẩu ra các thị trường quốc tế khó tính như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, để người nông dân gắn bó với nền nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã có nhiều chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ người dân, HTX và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt bằng xây dựng các cơ sở phơi sấy, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, nghiên cứu khoa học, thử nghiệm các mô hình.
Định hình và nhân rộng mô hình liên kết “5 nhà” trong sản xuất lúa gạo. Hình thành các nhà máy sơ chế, chế biến gạo hữu cơ và các sản phẩm chế biến sâu từ lúa gạo. Tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong sản xuất lúa như rơm rạ, cám gạo để phục vụ phát triển chăn nuôi, phân bón hữu cơ và công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất hữu cơ đã góp phần tác động tích cực đến nhận thức, tập quán canh tác của nông dân trong việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có lợi cho môi trường... Qua đó, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)