Phát triển nhanh và bền vững rừng có chứng chỉ FSC, phù hợp chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam là giải pháp căn cơ để đưa Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng FSC ở khu vực miền Trung theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Từ mục tiêu này, tỉnh đã tập trung xây dựng đề án nhằm khuyến khích các nhóm hộ trồng rừng, chủ rừng tham gia xây dựng chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững để nâng cao chất lượng rừng trồng.
Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp có rừng 245.816 ha, trong đó rừng trồng là 119.084 ha. Từ năm 2010, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy tỉ lệ che phủ rừng và đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế. Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 20.000 ha rừng trồng keo được cấp chứng nhận FSC.
Với hơn 10 năm thực hiện phương thức trồng rừng có chứng nhận FSC đã tạo ra nhiều giá trị tích cực. Rừng gỗ lớn FSC cho giá trị kinh tế cao và có đầu ra ổn định, khi đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Người dân và các tổ chức trồng rừng FSC có nguồn thu nhập cao hơn so với trồng rừng thông thường từ 2 - 3 lần trên cùng một đơn vị diện tích, đặc biệt đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp với giá trị gia tăng từ 15-18% so với gỗ không có chứng chỉ. Ngoài ra, trồng rừng gỗ lớn FSC còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.
Rừng gỗ lớn FSC mang lại nhiều lợi ích, được nhà nước khuyến khích trồng nhưng đến nay, tỉ lệ diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững còn rất thấp, chiếm 4,7% so với tiềm năng của tỉnh. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân như các chủ rừng trồng thường mua giống trôi nổi trên thị trường nên ảnh hưởng đến kết quả trồng rừng. Chu kỳ trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi thời gian giữ rừng ít nhất từ 8-10 năm nên người trồng rừng phải có năng lực tài chính hoặc phải tiếp cận được dịch vụ tài chính. Thiếu các dịch vụ để thúc đẩy môi trường kinh doanh cũng như hiệu quả của rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ. Bên cạnh đó, số lượng các hợp tác xã (HTX) có dịch vụ lâm nghiệp để hỗ trợ các hộ có diện tích rừng trồng còn hạn chế.
Từ thực trạng đó, việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện “Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững tại tỉnh Quảng Trị phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025” thông qua việc củng cố các liên kết dọc và liên kết ngang của các HTX và nông dân tham gia dịch vụ lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa tạo ra động lực thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp.
Quy mô đề án tập trung vào vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn đã được quy hoạch của tỉnh là 13.000 ha. Trong đó, vùng Hải Lăng, Cam Lộ và Triệu Phong 8.000 ha, vùng Gio Linh và Vĩnh Linh 5.000 ha. Đề án sẽ triển khai thực hiện các nội dung như: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho HTX gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý bền vững thực hiện liên kết với doanh nghiệp; khuyến nông và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho các HTX, người dân trồng rừng lấy gỗ tham gia liên kết. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc; thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ liên kết. Cùng với các nội dung cụ thể là những chính sách hỗ trợ thiết thực chủ thể tham gia trồng rừng FSC gồm các HTX, các cá nhân…
Đề án được triển khai thực hiện sẽ tạo hiệu quả về kinh tế, xã hội cũng như môi trường; thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp thông qua việc xây dựng liên kết vùng với quy mô tập trung, thu hút doanh nghiệp và HTX, chủ rừng tham gia vào mô hình để gia tăng giá trị lợi nhuận từ 15 - 30% so với phương thức sản xuất thông thường. Các HTX khai thác được thế mạnh vùng nguyên liệu để tạo thêm giá trị lợi nhuận thông qua các hoạt động dịch vụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến khai thác và sơ chế. Khi thực thi cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ thúc đẩy thương mại lâm sản phù hợp với các yêu cầu của thị trường quốc tế và trong nước, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu lâm sản vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…Triển khai trồng rừng FSC cũng sẽ giúp kiểm soát việc sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, đúng quy trình, kỹ thuật tránh gây hại đến môi trường, sinh thái trong vùng sản xuất…
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển được 100.000 ha rừng FSC, tăng gấp 4 lần hiện nay và đưa kết quả cấp chứng chỉ rừng bền vững là một chỉ tiêu trong quy hoạch, phát triển rừng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng tăng cường các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với HTX và người dân trồng rừng FSC. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án PROSPER do Liên minh châu Âu tại Việt Nam và tổ chức MCNV tài trợ trong giai đoạn từ 2020 -2023 để hỗ trợ xây dựng năng lực về quản lý rừng bền vững. Thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ rừng trồng FSC cho nhóm chủ rừng là hộ gia đình, HTX tham gia trồng rừng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)