Hiện nay, chủ trương trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC (mô hình quản lý rừng bền vững) được các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai thực hiện với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người dân.
Tại huyện Cam Lộ, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Trạm Khuyến nông Cam Lộ đã triển khai mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo tai tượng xuất xứ từ Úc (hay còn gọi keo tai tượng Úc) tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền. Sau thời gian trồng, chăm sóc đến nay mô hình phát triển rất tốt, mang lại triển vọng cho người trồng rừng.
Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo tai tượng Úc triển khai tại huyện Cam Lộ thuộc Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô và keo tai tượng tại một số tỉnh miền Trung giai đoạn 2019-2021” do Quỹ Khuyến nông Trung ương hỗ trợ. Mô hình được triển khai ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền trên diện tích 20 ha với 10 hộ dân tham gia. Quá trình triển khai mô hình, dự án hỗ trợ 70% kinh phí mua giống và phân bón (tương đương 33.200 cây giống keo tai tượng Úc và 4,6 tấn phân bón NPK). Ngoài ra, các hộ dân tham gia mô hình còn được tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác tỉa thưa. Mô hình được triển khai trồng từ tháng 1/2021.
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Trần Thọ Bình cho biết: “Điều khác biệt mà mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn triển khai ở thôn An Mỹ là sử dụng giống cây keo tai tượng giâm hom của Úc và được trồng, chăm sóc theo các tiêu chuẩn của mô hình quản lý rừng bền vững FSC. Do đó, triển vọng hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn trồng rừng truyền thống. Để mô hình triển khai hiệu quả, UBND xã đề nghị các hộ gia đình tham gia dự án thành lập tổ hợp tác để điều hành và thực hiện mô hình tốt hơn”.
Theo tính toán của các chuyên gia, mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn theo chứng chỉ FSC bằng giống keo tai tượng Úc cho năng suất, chất lượng rừng trồng trên 30% so với rừng trồng đại trà và có hiệu quả kinh tế gấp 1,5 - 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ bởi cây trưởng thành có thể đạt chiều cao tới 25 - 30m, đường kính thân đến 60cm.
Là người chuyên sản xuất giống cây lâm nghiệp cũng như trồng rừng lâu năm ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, nhưng anh Hồ Quang Bình cũng bất ngờ về độ phát triển nhanh của giống cây keo tai tượng Úc này. “Bắt đầu trồng từ đầu năm 2021 nhưng nay chưa đầy 10 tháng mà chiều cao mỗi cây trung bình lên đến 2m, có cây lên đến 2,5m; cây phát triển rất tốt, đồng đều”, anh Bình chia sẻ.
Tổ trưởng Tổ Hợp tác trồng rừng gỗ lớn thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền Hoàng Thanh Lâm cho biết thêm, mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo tai tượng Úc theo chứng chỉ FSC thời gian khai thác sẽ lâu hơn trồng rừng thông thường, tuy nhiên hiệu quả cao hơn do sử dụng nguồn cây giống tốt hơn, thời gian chăm sóc được phép khai thác tỉa thưa 2 lần lúc rừng 5 và 7 năm tuổi. Ưu điểm của giống keo tai tượng Úc là sản lượng gỗ cao, sức chống chịu với mưa bão tốt, ít cành nhánh nên đỡ tốn công tỉa.
Theo Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ Dương Hồng Phong, mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC bắt buộc sau 10 năm trở lên mới thu hoạch. Năng suất của mô hình trồng bằng giống keo tai tượng từ Úc năm thứ 3 có thể cho năng suất trên 40m3 gỗ/ha.“Năm 2021 này, dự án tiếp tục mở rộng hỗ trợ thêm 38 ha trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn theo chứng chỉ FSC trên địa bàn xã Cam Tuyền và Cam Thành, huyện Cam Lộ. Riêng phần giống thì bắt đầu năm 2021 sẽ hỗ trợ giống keo nuôi cấy mô hiệu quả vượt trội hơn nhiều”, ông Dương Hồng Phong thông tin thêm.
Cam Lộ có thế mạnh về phát triển cây lâm nghiệp với trên 20.000 ha đất trồng rừng. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển trồng rừng, hiện nay huyện đang tích cực thu hút, tạo điều kiện để các dự án hỗ trợ phát triển vốn rừng. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết: “Thông qua mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn bằng giống keo tai tượng Úc theo chứng chỉ FSC sẽ giúp huyện lựa chọn được các loại giống cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai ở địa phương, đơn cử như giống keo Úc này để thay thế dần các giống cây truyền thống. Đồng thời, việc triển khai mô hình sẽ hỗ trợ người dân Cam Lộ dần tiếp cận các tiêu chuẩn trồng rừng theo hướng bền vững có chứng chỉ FSC nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, đem lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững đi đôi với công tác bảo vệ môi sinh, môi trường tốt hơn. Điều quan trọng nữa là thông qua mô hình trồng rừng này đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân địa phương”...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)