Hiện tại, các hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Trị đang vào vụ mới trong năm 2021. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy vụ nuôi năm nay khó khăn hơn nhiều so với những vụ trước do phải mất nhiều công sức, chi phí và thời gian để cải tạo ao, hồ bị hư hỏng sau những trận lũ lớn vào cuối năm 2020 cũng như thiếu nguồn giống có chất lượng tốt.
Xác định nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn thu nhập cao nên các ngành chức năng của tỉnh đang vào cuộc, thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước, hướng dẫn các địa phương và người dân các biện pháp kỹ thuật, quy trình nuôi để thu được sản lượng cao.
Nằm ở vùng hạ du, lại gần với cửa biển nên trong đợt lũ cuối năm 2020 vừa qua, địa bàn xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong bị ngập rất sâu. Bên cạnh thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi và hạ tầng cơ sở, toàn xã có hơn 178 ha ao hồ nuôi tôm, cua và cá các loại, 81 ha nuôi trồng xen ghép tự nhiên bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, các lán trại, máy móc, vật dụng và đê ao cũng bị hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước cho hay: “Khó khăn là vậy nhưng với quyết tâm tổ chức sản xuất một vụ mới thắng lợi để bù vào thiệt hại, ngay từ đầu năm 2021, xã đã chỉ đạo tập trung khắc phục hệ thống đê điều, kênh mương, xử lý môi trường ao nuôi đúng kỹ thuật. Đồng thời khuyến cáo những nơi có điều kiện, người dân không thả nuôi hết diện tích mà cần bố trí một ao chứa xử lý nước trước khi cấp và chủ động dự trữ nguồn nước cấp nhằm hạn chế dịch bệnh. Đối với những vùng thấp triều nên chuyển sang hình thức nuôi xen ghép nhiều đối tượng vật nuôi. Đặc biệt, xây dựng quy chế, lập quỹ phòng, chống dịch bệnh, củng cố và nâng cao trách nhiệm hoạt động của tổ cộng đồng”.
Cũng như ở Triệu Phước, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương khôi phục cơ sở hạ tầng, tu sửa máy móc, trang thiết bị và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi thủy sản mới. Đồng thời, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy trình kỹ thuật để có năng suất, chất lượng cao. Ông Lê Chí Hồng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, thành phố Đông Hà cho biết: “Mấy năm trở lại đây, với việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, thành phố đã khuyến khích và triển khai các chính sách hỗ trợ cho các phường ven đô khai thác diện tích mặt nước, chuyển những chân ruộng sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 120 ha, trong đó 60 ha tôm mỗi năm cho sản lượng đạt trên 250 tấn, doanh thu đạt trên 34 tỉ đồng, lãi trên 12 tỉ đồng. Bước vào vụ nuôi năm 2021, cán bộ Phòng Kinh tế đã về cơ sở, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đối với tôm sú nên thả giống một vụ trong năm, bảo đảm ăn chắc, không nuôi tôm ở những vùng nguồn nước không bảo đảm chất lượng, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, có thể chuyển qua đối tượng nước lợ khác hoặc nuôi xen ghép, có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật, nhất là phải ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra. Đặc biệt, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình đã hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn”.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 3.400 ha, tổng sản lượng hằng năm hơn 8.500 tấn, riêng năm 2019 đạt cao nhất 8.667 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi 5.065 tấn, doanh thu trên 914 tỉ đồng. Năm 2020 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai nhưng tổng sản lượng vẫn đạt 7.880 tấn, doanh thu khoảng 800 tỉ đồng.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nhấn mạnh: “Để vụ nuôi mới đạt thắng lợi, sau lũ, ngành nông nghiệp đã phân bổ 105 tấn hóa chất cho các địa phương gồm: Vĩnh Linh 40 tấn, Triệu Phong 30 tấn, Gio Linh 20 tấn, Hải Lăng 6,5 tấn và thành phố Đông Hà 6,5 tấn để xử lý môi trường và cử cán bộ kỹ thuật, trực tiếp về cơ sở hướng dẫn người dân biện pháp khôi phục ao nuôi thủy sản. Ngành cũng đã đề xuất với Tổng cục Thủy sản kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho tỉnh 1.200 kg cá bố mẹ, 4.000 con cá giống, 18,4 triệu con tôm giống, 7 tấn thức ăn nuôi tôm, 4.000 lít chế phẩm sinh học và kịp thời đưa về hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của UBMTTQVN tỉnh, các địa phương đã tiến hành hỗ trợ cá giống cho người dân với số lượng hơn 3,5 triệu con, kinh phí gần 5 tỉ đồng. Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ nuôi trồng thủy sản đã bước vào vụ nuôi mới. Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành khung lịch thời vụ thả giống.
Theo đó, đối với con tôm, khuyến cáo tại các vùng nuôi ven sông chỉ nên nuôi một vụ trong năm đối với tôm sú, thời gian thả giống từ sau ngày 15/4/2021 đến trước ngày 30/6/2021, mật độ thả nuôi từ 10 - 30 con/m2 tùy theo mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng và trình độ của người nuôi. Riêng đối với những vùng nuôi thấp triều không cải tạo được đáy ao và vùng nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh thì chỉ thả nuôi với mật độ từ 1- 10 con/m2 , kết hợp nuôi xen ghép các đối tượng như cá đối, cá dìa, cua nhằm phát huy hiệu quả trên một đơn vị diện tích mặt nước. Đối với tôm thẻ chân trắng có thể thả nuôi từ 1 - 2 vụ trong năm, thời gian thả giống từ sau ngày 15/3/2021 và kết thúc trước 31/10/2021, mật độ nuôi từ 20 - 100 con/m2 đối với vùng nuôi ven sông và 100 - 300 con/m2 đối với vùng nuôi trên cát. Riêng với các cơ sở nuôi tôm trong hệ thống ao, bể nuôi có mái che, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, chủ động trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm với mật độ nuôi từ 200 - 500 con/m2 .
Đồng thời khuyến cáo người nuôi hoặc vùng nuôi cần liên kết với các cơ sở sản xuất giống có uy tín để có con giống chất lượng tốt phục vụ sản xuất, lấy mẫu tôm giống để xét nghiệm, kiểm tra các mầm bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT trước lúc thả nuôi. Khuyến cáo người dân thực hiện ương dưỡng 2 - 3 giai đoạn và thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm; khuyến khích các cơ sở nuôi tôm áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh bị cấm theo quy định hoặc không rõ nguồn gốc, chưa có giấy phép lưu hành.
Mặt khác, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh miền Bắc thực hiện 7 đợt quan trắc, cảnh báo môi trường và thông báo rộng rãi đến người nuôi để chủ động việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp, tăng cường quản lý vật tư thủy sản nhằm hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, hỗ trợ để nhân rộng các mô hình nuôi tôm 2,3 giai đoạn, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, nuôi tôm theo quy trình VietGAP, nuôi các giống cá đặc sản, nuôi xen ghép tôm cua cá.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)