Trong xu thế hiện nay, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, cần chú trọng cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo đồng bộ với đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị và bảo đảm tính ổn định của hệ thống. Một trong những giải pháp để triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác trên chính là vừa phát huy nội lực, kết hợp với đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực GDNN.
Phát huy nguồn lực sẵn có
Thực tiễn đặt ra trong công tác đào tạo, GDNN hiện nay là phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng GDNN từng bước đạt chuẩn chất lượng khu vực, quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, hội nhập tốt với thị trường lao động khu vực và thế giới cũng như thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo, GDNN.
Những năm qua, hệ thống các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển về quy mô, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở GDNN và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN được phân bổ đều ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, có 12 đơn vị công lập, gồm 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp nghề GTVT và 9 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện; 3 cơ sở GDNN tư thục. Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo được 59.558 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 1.322 người; trung cấp 4.862 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 53.374 người.
Song song với việc tuyển sinh đào tạo, công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp thường xuyên được tăng cường, thông qua nhiều hình thức như nâng cao chất lượng đào tạo; từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm theo yêu cầu của doanh nghiệp và thông qua việc tổ chức ngày hội nghề nghiệp việc làm hằng năm…
Hiện tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có trên 283 nhà giáo. Đội ngũ giáo viên cơ hữu chủ yếu là của các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm GDNN - GDTX có từ 1- 2 giáo viên cơ hữu, còn lại là giáo viên thỉnh giảng. 100% giáo viên đào tạo nghề có nghiệp vụ sư phạm và đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Hệ thống Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện cũng đã cơ bản triển khai tốt công tác đào tạo, GDNN.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ được tổ chức, triển khai thường xuyên. Hằng năm, cơ quan chức năng đã tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm dạy nghề cho hàng trăm giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên trách về đào tạo nghề của các phòng LĐ-TB&XH, các cơ sở GDNN.
UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề và nghiệp vụ sư phạm cho trên 600 lượt giáo viên thuộc các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Do vậy chất lượng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt.
Từ năm 2016 đến năm 2020, UBND tỉnh đã phân bổ trên 29 tỉ đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cho các cơ sở GDNN. Đến nay, các cơ sở GDNN đã cơ bản hoạt động ổn định và đang từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề sẵn có để triển khai hiệu quả công tác GDNN.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN
Bên cạnh phát huy nội lực, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở GDNN tham gia lĩnh vực hợp tác quốc tế đó là Trường Cao đẳng Kỹ thuật, Trường Cao đẳng Y tế và Trường Trung cấp Mai Lĩnh. Trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, từ năm 2015 đến năm 2021, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đã tiếp nhận đào tạo 195 sinh viên nước bạn Lào, ngân sách đào tạo được hỗ trợ từ UBND tỉnh là 20 sinh viên, kinh phí tự túc là 175 sinh viên.
Nhờ sự hợp tác toàn diện và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, giữa tỉnh Quảng Trị và Savannakhet, Salavan, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành hai tỉnh nên công tác quản lý và đào tạo lưu học sinh Lào tương đối thuận lợi. Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị (cũ) đã ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng công nghệ và nông nghiệp Briram, Thái Lan trong liên kết đào tạo thông qua chương trình cấp 5 học bổng hằng năm cho học sinh Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT (cũ). Hằng năm, trường đã tổ chức các đoàn công tác đến tham quan học tập và ký kết chương trình phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề của tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan.
Trường Trung cấp nghề Quảng Trị (cũ) đã ký bản ghi nhớ về việc hợp tác đào tạo nghề với Trường Cao đẳng nghề Navamintrachinee Mukdahan, Thái Lan với những nội dung: hỗ trợ trao đổi học sinh, sinh viên; trao đổi kinh nghiệm trong học tập, công việc giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán; hợp tác sẵn sàng tìm cơ sở thực tập và việc làm tại Thái Lan cho học sinh, sinh viên Quảng Trị theo nguyện vọng, mang lại hiệu quả cao.
Trường Trung cấp Mai Lĩnh đã ký kết chương trình hợp tác với Sở Giáo dục và Thể thao các tỉnh: Chămpasak, Khammuoane, Salavan, Savannakhet (Lào) về đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, chế độ chính sách của học viên khi theo học tại Trường Trung cấp Mai Lĩnh...
Về hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đã hợp tác với Khoa Vật lý trị liệu Đại học Eulji và Trường Đại học Yonsei về việc hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo phục hồi chức năng cho giảng viên.
Hợp tác và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho giảng viên Trường Cao đẳng Khoa học và Sức khỏe Savannakhet dựa trên nhu cầu với các khóa tập huấn như: kỹ năng giảng dạy thực hành, kỹ năng giảng dạy lâm sàng, hồi sức sơ sinh, tham vấn nuôi con bằng sữa mẹ; phối hợp với trường đại học điều dưỡng ở Thái Lan như Khoa điều dưỡng Đại họcKhon Kean, Đại học Điều dưỡng UBon để tổ chức hội thảo, mở các lớp tập huấn nhằm năng cao năng lực cho giảng viên và hợp tác trong nghiên cứu khoa học; ký biên bản hợp tác với Đại học Seo Jeong và Đạihọc Deagu Haany, HànQuốc.
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác, các trường cam kết hợp tác, hỗ trợ TrườngCao đẳng Y tế Quảng Trị trong các lĩnh vực trao đổi chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và phương pháp giảng dạy; trao đổi cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy; nghiên cứu hợp tác quốc tế; trao đổi sinh viên, thực tập sinh và giảng dạy tiếng Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của tổ chức Koica (Hàn Quốc) đã đầu tư kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, nhà giáo với tổng kinh phí 160 tỉ đồng cho Trường Trung cấp nghề Quảng Trị (cũ) và Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị (cũ). Hiện nay, cả 2 trường này đã được sáp nhập và nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị theo Quyết định số 765/QĐ-BLĐTBXH ngày 29/6/2020 của Bộ LĐ-TB&XH.
Trong định hướng GDNN, tỉnh xác định về quy mô tuyển sinh, năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 lần hiện nay, đến năm 2050 tăng gấp 4 lần hiện nay với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp, không chỉ cho thị trường lao động hiện tại và trong ngắn hạn, mà cần tập trung chuẩn bị cho 5 - 10 năm và xa hơn.
Chất lượng và hiệu quả đào tạo phải nâng lên, phấn đấu ít nhất có trên 95% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề nghiệp, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Về mạng lưới, phát triển hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, chuẩn hoá, hiện đại hoá. Tập trung đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao và các cơ sở GDNN cho các nhóm đối tượng đặc thù. Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 1 trường cao đẳng được công nhận chất lượng cao. Trong quá trình này, việc vừa phát huy nội lực, kết hợp với đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực GDNN vẫn luôn đóng vai trò quan trọng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)