Huyện Gio Linh chú trọng phát triển kinh tế vùng biển

Trần Tuyền |

Là địa phương có thế mạnh về biển nên thời gian qua, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn xác định phát triển kinh tế vùng biển là yếu tố quan trọng, quyết định đến nhiệm vụ phát triển KT- XH của địa phương. 

Trong quá trình đó, HĐND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biển và đến nay đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gio Linh Nguyễn Văn Giảng cho hay, trước khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII ban hành, tại kỳ họp thứ 3 được tổ chức vào tháng 12/2016, HĐND huyện Gio Linh khóa V, nhiệm kỳ 2016-2021 đã ban hành Nghị quyết số 42/ NQ-HĐND ngày 30/12/2016 “về Chương trình phát triển kinh tế vùng biển huyện Gio Linh giai đoạn 2016-2020”.

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 36 của BCH Trung ương Đảng khóa XII; Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU ngày 24/4/2019 của Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Nghị quyết số 36, Thường trực HĐND huyện phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 119-KH/HU ngày 8/11/2019 về việc gắn với thực hiện Nghị quyết số 03- NQ/HU, ngày 21/12/2016 của BCH Đảng bộ huyện khóa XVI về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng biển giai đoạn 2016 - 2020”.

Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh trở về sau chuyến biển dài ngày - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh trở về sau chuyến biển dài ngày - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Thực hiện Nghị quyết số 36 của BCH Trung ương Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương và trên cơ sở các đề xuất của UBND huyện, từ năm 2019 đến nay, HĐND huyện Gio Linh đã ban hành các nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư trên các lĩnh vực nhằm lồng ghép với các nguồn lực đầu tư của trung ương, của tỉnh để thúc đẩy phát triển toàn diện KT - XH vùng biển.

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, HĐND huyện đã ban hành 33 nghị quyết trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản để phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình trên địa bàn các xã, thị trấn vùng biển, từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, góp phần phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Bên cạnh ban hành các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế vùng biển, HĐND huyện Gio Linh thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của HĐND huyện.

Ngoài ra, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND huyện, các đại biểu HĐND huyện lồng ghép thông tin về chủ trương, quan điểm, tinh thần chỉ đạo của các cấp ủy đảng về chiến lược phát triển kinh tế biển đến với cử tri; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế biển, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển du lịch biển, an sinh xã hội, sinh kế cho người dân vùng cát, vùng biển... gửi đến các cơ quan chuyên môn, các cấp có thẩm quyền để giải đáp, giải quyết.

“Qua quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36 của BCH Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 119 của Ban Thường vụ Huyện ủy, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của các xã vùng biển hầu hết đạt kế hoạch đề ra.

Trong đó, cơ cấu kinh tế các địa phương vùng biển phát triển đúng hướng, hạ tầng cơ sở được đầu tư phát triển đồng bộ, thu nhập của người dân ngày càng tăng, đời sống của Nhân dân từng bước nâng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững”, ông Giảng nhận định.

Cụ thể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là giá trị chế biến hải sản. Trong đó, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 24,05%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 51,16%; thương mại - dịch vụ, du lịch chiếm 24,79%. Kinh tế biển tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

Toàn huyện hiện có 862 tàu thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ với tổng công suất 101.590 CV. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản được mở rộng, nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đạt 17.162 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 1.369 tấn, sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản đạt 15.793 tấn.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được địa phương chú trọng. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng cây trồng ngày càng tăng. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư nâng cao giá trị sản xuất. Đến nay, toàn vùng có 155 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 125 cơ sở chế biến thủy, hải sản, 35 cơ sở chế biến nước mắm...

Nhiều sản phẩm đã được đóng nhãn mác, lưu thông rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể cho các sản phẩm thủy hải sản có lợi thế của địa phương. Hoạt động của ngành thương mại, dịch vụ và du lịch biển có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Các địa phương vùng biển có 1.283 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, 91 cơ sở dịch vụ bãi tắm. Các cơ sở này giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của các địa phương vùng biển được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhiều công trình, dự án đã và đang được đầu tư xây dựng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH.

Có thể kể đến như: tuyến đường quốc phòng kết nối các địa phương ven biển được đầu tư mở rộng; các tuyến giao thông liên thôn, liên xã, ven biển được nhựa hóa, bê tông hóa 100%; bãi tắm cộng đồng xã Gio Hải, xã Trung Giang, bãi tắm Cửa Việt được đầu tư nâng cấp, mở rộng; hệ thống luồng lạch cảng Cửa Việt, khu neo đậu tránh trú bão Gio Việt, cảng cá Cửa Việt được đầu tư xây dựng.

Song song với đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được triển khai thực hiện nghiêm túc. Huyện đã xây dựng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chi tiết thị trấn Cửa Việt, quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp vùng cát cho các xã, thị trấn, quy hoạch vùng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh cũng mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, các xã Trung Giang và Gio Việt đã về đích nông thôn mới, xã Gio Hải đã hoàn thành bộ tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2023, thị trấn Cửa Việt đạt 6/9 tiêu chí đô thị văn minh.

Ông Giảng cho biết thêm: “Nhờ những chủ trương, chính sách đúng và trúng nên KT-XH vùng biển chuyển biến rất tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở các địa phương vùng biển đạt trên 50 triệu đồng người/năm, tỉ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 1-1,5%. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn khơi bám biển.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phấn đấu xây dựng Khu công nghiệp Đông Gio Linh nhằm tạo nên khu sản xuất, chế biến thủy, hải sản đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng của vùng biển. Huy động các nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đặc biệt là nỗ lực đưa thị trấn Cửa Việt đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2025...”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gio Linh: Va chạm với tàu hỏa, một người phụ nữ tử vong

Trần Tuyền |

Trưa nay 19/2, trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) xảy ra vụ tai nạn giữa xe mô tô và tàu hỏa khiến một người phụ nữ tử vong tại chỗ.

Phát hiện "tàu lạ" không có người trôi dạt vào biển Triệu Lăng

Phan Quang |

Sáng 07/01/2024, Đồn Biên phòng Triệu Vân (Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương tạm giữ một "tàu lạ" trôi dạt vào vùng biển do đơn vị quản lý.

Hiệu quả mô hình cải hoán hầm bảo quản hải sản trên tàu đánh bắt xa bờ

Trần Cát Linh |

Với lợi thế về ngư trường đánh bắt khá rộng, tỉnh Quảng Trị đã tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững. Sản lượng thủy sản khai thác ổn định vừa là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến, vừa là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao; đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho hơn 16.000 lao động ở 16 xã, thị trấn ven biển của tỉnh.

Tàu cá Thanh Hóa mắc cạn tại Cửa Việt

Hương Lài |

Sáng 24/11, thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt và Đồn Biên phòng Triệu Vân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng của 2 đơn vị đã tích cực tham gia ứng cứu 1 tàu cá tỉnh Thanh Hóa bị mắc cạn tại cảng Cửa Việt.