Thời gian qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ.
Nhờ đó, công tác CCHC trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Xã Hải Trường là một trong những địa phương tiên phong trong CCHC và chuyển đổi số của huyện Hải Lăng. Quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Mặc dù có mặt tại trụ sở UBND xã Hải Trường đã vào cuối giờ chiều nhưng anh Hồ Quang Thuận, ở thôn Đông, xã Hải Trường cũng chỉ mất chưa đầy 30 phút là đã làm xong các loại giấy tờ, thủ tục để con mình đăng ký nhập học tại một trường tiểu học.
“Tôi rất hài lòng vì tinh thần và thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của cán bộ, công chức tại “bộ phận một cửa” UBND xã Hải Trường. Tôi cũng nhận thấy, từ khi địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ công trực tuyến thì việc giải quyết các TTHC đều trở nên đơn giản hơn. Các thủ tục đều được xã giải quyết công khai, minh bạch, chính xác và đúng hẹn. Điều đó giúp người dân tiết giảm được rất nhiều thời gian, chi phí, công sức”, anh Thuận chia sẻ.
Không chỉ xã Hải Trường, theo kết quả thống kê trên hệ thống “một cửa điện tử”, trong năm 2023, huyện Hải Lăng đã tiếp nhận 21.882 hồ sơ (155 hồ sơ đang giải quyết, 21.727 hồ sơ đã giải quyết). Trong đó giải quyết sớm và đúng hạn 21.727 hồ sơ, đạt tỉ lệ 100%; không có hồ sơ quá hạn.
Riêng tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện đã tiếp nhận 1.279 hồ sơ (114 hồ sơ đang giải quyết, 1.183 hồ sơ đã giải quyết), giải quyết trước và đúng hạn 1.183 hồ sơ, đạt tỉ lệ 100%. Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trực tuyến trong năm là 14.112 hồ sơ, đạt tỉ lệ 64,5%, trong đó cấp huyện là 838 hồ sơ, cấp xã là 13.274 hồ sơ.
Tổng số TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 333 thủ tục (cấp huyện 212, cấp xã 121); trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 170 thủ tục (cấp huyện 110, cấp xã 60); dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 163 thủ tục (cấp huyện 102, cấp xã 61).
Để đạt được những kết quả trên, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển chính quyền số, chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bộ phận “một cửa liên thông” từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp, bố trí đầy đủ các trang thiết bị và cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ Nhân dân. Duy trì triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước đảm bảo an toàn thông tin trong gửi, nhận văn bản điện tử. 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng.
100% văn bản đi, đến được tiếp nhận và phát hành trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Mặt khác, huyện đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã được trang bị máy tính; 100% cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp xã có mạng nội bộ LAN và internet. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giáo dục, y tế, tài chính, thuế, ngân hàng... đã được đầu tư trang bị khá tốt, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.
Việc ứng dụng “một cửa điện tử” được huyện triển khai hiệu quả đến 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tại địa chỉ https://motcuadientu.quangtri.gov.vn, đã được tích hợp kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong giải quyết TTHC và công việc hành chính.
Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành và việc triển khai đến các cơ quan chuyên môn có TTHC, UBND các xã, thị trấn.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có TTHC đều đã thành thạo và thực hiện cập nhật xử lý các bước trong giải quyết TTHC trên hệ thống “một cửa điện tử” tỉnh Quảng Trị. Công tác tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai một cách đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác CCHC gắn với chuyển đổi số.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và trong giải quyết TTHC, đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đúng quy định. Nỗ lực duy trì thứ hạng về CCHC; quan tâm chỉ đạo, nâng cao nhận thức của chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cấp thiết và tính cần thiết của chuyển đổi số nhằm góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, nhất là trong cải cách TTHC đã giúp cho các TTHC trên nhiều lĩnh vực ở Hải Lăng được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, góp phần tăng niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.
Năm 2022, chỉ số và thứ hạng CCHC của huyện Hải Lăng đạt 87,78 điểm, xếp thứ 1/10 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Đây cũng là một trong những minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc gắn chuyển đổi số với công tác CCHC, góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số trên địa bàn huyện thành công trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)