Cam Lộ (Quảng Trị) có lợi thế về vị trí địa lý khi nhiều trục giao thông động lực đi qua địa bàn, thuận lợi cho việc kết nối đến các vùng miền, tạo sức hút mạnh mẽ trong đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.
Cam Lộ nằm ở khu vực trung tâm địa giới hành chính của tỉnh, đồng thời là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của thành phố Đông Hà và nằm trên Hành lang kinh tế Đông-Tây rất thuận lợi để kết nối, giao thương hàng hóa với các khu vực khác trong tỉnh cũng như cả nước và quốc tế. Trên địa bàn có các trục giao thông động lực đi qua như Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, tuyến đường bộ cao tốc phía Đông, đường sắt Bắc-Nam, đồng thời nằm trong vùng quy hoạch dự án đường sắt tốc độ cao, đường tránh Quốc lộ 1. Các tuyến giao thông động lực giúp Cam Lộ có thể kết nối dễ dàng với các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như Khu kinh tế Đông-Nam Quảng Trị, Khu KTTMĐB Lao Bảo, cảng biển Cửa Việt, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, cảng hàng không Quảng Trị và các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay. Bên cạnh đó, các trục giao thông động lực giúp kết nối thuận lợi với các địa phương trong cả nước và thậm chí là các nước nằm trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Để biến lợi thế thành hiện thực, huyện Cam Lộ đã chủ động quy hoạch tổng thể đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, rà soát lại quỹ đất, quy hoạch đầu tư giao thông nội vùng kết nối, mở rộng các cụm công nghiệp, hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang tính hàng hóa để đón đầu làn sóng đầu tư, đồng thời trở thành nơi trung chuyển hàng hóa. Trong quy hoạch đầu tư giao thông, Cam Lộ tập trung cho giao thông nội vùng và liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, trong đó quy hoạch dành quỹ đất để mở rộng các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt tốc độ cao, tuyến đường sắt Đông Hà-Lao Bảo. Đối với các tuyến đường tỉnh sẽ nâng cấp ĐT585; ĐT579 (Ái Tử-Trừ Lấu-Phượng Hoàng-Cùa); mở mới đường ĐT571b (Vĩnh Ô-Thượng Lâm) dài 19 km. Đối với tuyến đường huyện, liên huyện với 4 tuyến hiện trạng và 9 tuyến quy hoạch mới với tổng chiều dài khoảng 129,9 km như nối Thượng Lâm (Cam Thành) với Quốc lộ 1 dài 40 km; Cam Thành đến Linh Thượng (Gio Linh) dài 22,8 km; Cam Chính-Cam Hiếu dài 10 km; Thanh An-hồ Trúc Kinh dài 7 km; Hói Sòng (Thanh An)-Quốc lộ 9 gồm 3 tuyến dài 10 km.
Cùng với hạ tầng giao thông, Cam Lộ đã và đang tập trung đầu tư các cụm công nghiệp (CCN). Hiện tại, có 3 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng diện tích 150 ha gồm CCN Cam Thành có diện tích 25,5 ha, tỉ lệ lấp đầy đến nay là 90,46 %; CCN Cam Hiếu có diện tích 70 ha, tỉ lệ lấp đầy là 48,46 %; CCN Cam Tuyền có diện tích 54 ha. Đến nay đã thu hút được 41 doanh nghiệp đầu tư tại các CCN, trong đó có 24 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 1.463,62 tỉ đồng. Theo quy hoạch, đến năm 2030 Cam Lộ sẽ có 9 CCN gồm Cam Thành, Tân Trang, Tân Định, Thượng Lâm, Cam Hiếu, Cam Hiếu II, Cam Tuyền, Cùa với tổng diện tích 255 ha, đến năm 2040 là 385 ha và đến năm 2050 là 445 ha. Bên cạnh đó, dành quỹ đất khoảng 60 ha để đầu tư phát triển dịch vụ logistics nhằm khai thác lợi thế từ tuyến đường bộ cao tốc phía Đông khi đường Hồ Chí Minh nhánh Đông được nâng cấp và đấu nối vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn.
Bên cạnh đó, hạ tầng điện, nước, xử lý môi trường được quy hoạch đầu tư. Đồng thời, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực mang thế mạnh của địa phương như lạc, hồ tiêu, cao su, cây dược liệu, gỗ rừng trồng và sản xuất mang tính hàng hóa bền vững để tạo thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản có tính cạnh tranh cao. Mặt khác, quy hoạch phát triển các đô thị như thị trấn Cam Lộ, Sòng, Cam Hiếu, Cùa, Tân Lâm vừa thu hút dân cư cơ học, tạo ra lực lượng lao động dồi dào, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại-dịch vụ.
Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, trong tương lai với sức ép mở rộng các khu vực dân cư thành phố Đông Hà, các khu, cụm công nghiệp và các Trung tâm thương mại dịch vụ lớn của tỉnh, Cam Lộ đang đứng trước cơ hội là trung điểm kết nối, trung chuyển liên vận logitics, hình thành chợ đầu mối lớn của khu vực, phát triển công nghiệp phụ trợ cho các khu kinh tế trọng điểm thông qua các tuyến giao thông động lực kết nối Bắc-Nam, ĐôngTây…Chính vì vậy, Cam Lộ đã chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng đến việc kết nối các tuyến giao thông, dành quỹ đất tạo mặt bằng để đón đầu cơ hội phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)