Đợt mưa lũ vừa qua đã làm hàng trăm hécta hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ngập úng, một số diện tích đã có hiện tượng rụng lá và chết. Mưa lớn, độ ẩm cao cũng đã tạo điều kiện cho các loại bệnh hại trên cây hồ tiêu phát sinh, gây hại. Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo công tác chống úng và phòng ngừa dịch bệnh trên cây hồ tiêu, tạo điều kiện cho người dân sớm khôi phục sản xuất.
Gia đình ông Trương Văn Hải ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ có hơn 4 sào trồng hồ tiêu, mỗi năm cho thu hoạch trên dưới 4 tạ hạt tiêu khô. Tuy nhiên, thời gian qua do mưa lớn và kéo dài nhiều ngày đã làm vườn tiêu của ông Hải bị ngập úng, không thoát nước được, đã làm hàng loạt cây tiêu đang xanh tốt bị rụng lá, rụng quả rồi chết, làm thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình ông.
Ông Trương Văn Hải cho hay: “Vườn 300 gốc tiêu của tôi bị ngập úng kéo dài, nước ngập lâu ngày không thoát được làm các gốc tiêu bị chết dần và lây lan rất nhanh. Ban đầu chỉ có mấy gốc bị chết, giờ lan ra khắp vườn với hơn 120 gốc. Mọi chi tiêu trong gia đình lâu nay chỉ trông chờ vào mấy gốc tiêu đó, giờ không biết làm thế nào. Tôi mong muốn chính quyền cấp trên có những biên pháp hỗ trợ về kỹ thuật và một ít khinh phí giúp cho gia đình tôi và các hộ xung quanh đây để khôi phục lại vườn tiêu”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 2.525 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa; Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, đã có hơn 200 ha bị ngập úng; gây chết với tỉ lệ từ 15 - 20%, nơi cao 30-40%, một số vườn bị chết 100%.
Để hỗ trợ người dân khôi phục vườn hồ tiêu, Chi Cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đang tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở để trực tiếp hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu. Tập trung vệ sinh vườn tiêu, buộc lại các dây tiêu bị tuột, thoát nước đọng trong vườn và chăm sóc, xữ lý các loại thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nấm bệnh gây ra.
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngoài những biện pháp trước mắt để phục hồi vườn tiêu sau mưa bảo, về lâu dài, đối với những vườn tiêu lâu năm già cỗi, người dân cần mạnh dạn phá bỏ và trồng mới theo phương pháp an toàn sinh học. Hiện nay, chúng tôi đang chọn lựa, xây dựng các vườn đầu dòng có chất lượng nhằm cung ứng giống sạch bệnh đảm bảo cho trồng mới trên địa bàn tỉnh, thử nghiệm các giống tiêu mới để tuyển chọn các giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại địa phương, có chất lượng cao để đưa vào cơ cấu giống.
Với sự hỗ trợ trước mắt để khắc phục các vườn tiêu sau mùa mưa lũ, cũng như định hướng lâu dài của của ngành nông nghiệp trong việc phục hồi các vườn tiêu cũ, quy hoạch vùng trồng mới cây hồ tiêu ở những vùng có điều kiện thuận lợi; áp dụng biện pháp canh tác bền vững, chú trọng công tác quản lí dịch bệnh. Hi vọng các vườn tiêu của các hộ dân sẽ sớm khôi phục, giúp người dân trồng tiêu yên tâm ổn định sản xuất.
(Nguồn: QRTV)