Khát vọng Lao Bảo - Đensavan

Nguyên Thảo |

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào hiện tại chỉ duy nhất ở khu vực biên giới Lao Bảo (Quảng Trị) và Đensavan (Savannakhet) đã thành lập hai khu kinh tế. Về phía Việt Nam là Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, đối diện qua đường biên giới là Khu thương mại biên giới Đensavan của Lào. Hai khu này là một nút quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Vị trí đặc biệt đó đã tạo nên Lao Bảo - Đensavan là hai khu kinh tế mang theo bao khát vọng đổi thay hướng đến thịnh vượng của hai vùng đất biên ải hoang vu, nhưng gánh vác những trọng trách phát triển kinh tế của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.

Cuộc đợi chờ nhiều năm

Lần đầu tiên vấn đề xây dựng khu vực thương mại tự do Lao Bảo - Đensavan được đề ra ở tầm quốc gia là 27 năm về trước. Năm 1997, trong cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, hai bên đã thống nhất nội dung: “Hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo - Đensavan”, đồng thời “giao cho Chính phủ và Ủy ban hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án… nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước”.

Khu vực hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet dự định xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan - Ảnh: Trần Văn Hoãn
Khu vực hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet dự định xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan - Ảnh: Trần Văn Hoãn
Một năm sau đó - năm 1998, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định cho tỉnh Quảng Trị thành lập Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Sự ra đời khu này từng bước hình thành nên diện mạo đô thị vùng biên giới Lao Bảo, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị cũng như hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam. Về phía Lào, tới năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ban hành Nghị định về Khu thương mại biên giới Đensavan nhằm khai thác các thế mạnh chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Lào - Việt Nam nói chung, hỗn hợp trao đổi đặc biệt với Lao Bảo nói riêng. Như vậy, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo cũng như Khu thương mại biên giới Đensavan được hình thành xuất phát từ chủ trương của hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào từ năm 1997 đó là xây dựng “khu vực thương mại tự do Lao Bảo - Đensavan”.

Khi mới thành lập, so với các khu kinh tế khác trong cả nước, thì Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được đầu tư hạ tầng cơ sở tương đối hoàn chỉnh và quan trọng hơn là được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ và địa phương. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư và thương mại, giúp Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo trở thành một vùng kinh tế năng động trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Thời cực thịnh những năm 2010 - 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu này chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới của 10 tỉnh biên giới Việt - Lào cộng lại.

Tuy nhiên, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan nằm ở địa bàn miền núi biên giới, xa sân bay, cảng biển gây nên nhiều trở ngại khó khăn. Vậy nên đến nay, đã gần ba mươi năm thành lập, do nhiều nguyên nhân, các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại hai khu kinh tế này chưa phát triển được như kỳ vọng, có những bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ nhằm tạo động lực mới để phát triển phù hợp với bối cảnh mới.

Xây dựng mô hình “hai nước một khu kinh tế”

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra chủ trương: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông - Tây”. Tiếp đó, tại thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ký ngày 12/1/2023 tại Viêng Chăn, đã đưa nội dung thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông - Tây vào văn kiện ký kết hợp tác giữa hai nước.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ hai nước, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tỉnh Savannakhet của Lào xây dựng Đề án thí điểm “Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan” để tham mưu cho các bộ, ngành trung ương và Chính phủ hai nước triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này. Theo đề án cơ bản đã được thống nhất, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung có tổng diện tích đề xuất là 3.224 ha; trong đó, diện tích phía Việt Nam là 1.724 ha; diện tích phía Lào là 1.500 ha. Khu vực phát triển sẽ bao gồm toàn bộ Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích 15.804 ha và Khu thương mại biên giới Đensavan có diện tích khoảng 4.000 ha.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung tỉnh Quảng Trị cho biết, dự thảo đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan dự kiến vận hành theo mô hình “hai nước một khu kinh tế”, có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có các chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm và các cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới. Thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một”, đó là đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và “một chung” là chung một khu, áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Chính phủ Việt Nam và Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước. Các cơ chế chính sách đặc biệt mới, hấp dẫn về đầu tư, các giải pháp “phi thuế quan” của hai Chính phủ sẽ khắc phục các rào cản, tạo thuận lợi về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn... cho các dự án đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung.

Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan: Từ ý tưởng đến hiện thực” thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham dự - Ảnh: N.T
Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan: Từ ý tưởng đến hiện thực” thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham dự - Ảnh: N.T
Đến nay lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã thống nhất đề nghị các bộ, ngành hữu quan của hai nước tham mưu Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết hiệp định về thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan. Phía tỉnh Savannakhet cũng mong muốn hợp tác với tỉnh Quảng Trị nghiên cứu xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới. Ông Sen-xắc Su-ly-xắc, Phó tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet cho biết, đối với việc thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Đensavan - Lao Bảo, Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet nhận thấy tầm quan trọng của sự thống nhất cao trong quá trình thành lập và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để khu kinh tế chính thức được thành lập, trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước Lào - Việt Nam, tăng cường và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị.

Kỳ vọng và thách thức phía trước

Mới đây, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”. Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến cho tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet để hoàn thiện đề án xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan là nhiệm vụ rất mới, rất khó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet và Chính phủ hai nước. Việc triển khai mô hình thí điểm hợp tác kinh tế như Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý đặc thù như Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, xây dựng khu này là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay và nếu thực hiện thành công, sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kết nối và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào, đồng thời đóng góp thiết thực cho việc hình thành mô hình khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới của khu vực.

Tư vấn chiến lược và cố vấn của tỉnh Quảng Trị liên tục trong nhiều năm qua, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phải dùng từ “đáng tiếc” khi nhận xét cảnh quan Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan. Ông Trần Đình Thiên chỉ rõ để xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan như một hình mẫu phát triển mới căn bản và thực chất, cần hướng tới hệ tiêu chuẩn thể chế dành cho khu thương mại tự do đẳng cấp cao. Hiện nay, một số địa phương khác của Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thí điểm thể chế phát triển này. Hải Phòng, Đà Nẵng đang tích cực tìm kiếm hình mẫu thể chế cho khu thương mại tự do của mình trong tương lai. Các kinh nghiệm xây dựng thể chế kinh tế vượt trội như xây dựng đặc khu kinh tế, xin áp dụng và thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù của hàng loạt địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế… cần được tỉnh Quảng Trị tham khảo để áp dụng vào xây dựng và phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavan. “Trong trường hợp này, lợi thế đi sau của Quảng Trị là nổi bật, cần được tận dụng và phát huy tối đa, giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi hành động đơn độc”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Để Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan sớm đi vào vận hành và hoạt động có hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã xác định bên cạnh việc phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý thì đồng thời tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và phối hợp với tỉnh Savannakhet điều chỉnh quy hoạch Khu thương mại biên giới Đensavan phù hợp với định hướng phát triển mới và tích cực quảng bá thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại hai khu kinh tế. Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng tỉnh Quảng Trị cần xây dựng một chương trình phát triển khu mang tính tổng thể, trong đó bao gồm cả các dự án phát triển các trung tâm và các tọa độ ưu tiên chiến lược khác như sân bay Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy, đô thị Đông Hà cùng các tuyến giao thông kết nối. Không có những yếu tố này, khó đảm bảo sự thành công đúng nghĩa của khu kinh tế thương mại xuyên biên giới.

Đồng quan điểm về việc xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới cần tư duy và giải pháp mang tính đột phá là Tiến sĩ Trần Du Lịch. Trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế, thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào hiện nay chưa đủ để tạo ra sức hút mạnh với các nhà đầu tư để họ đầu tư vào khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung của hai nước, nếu không có tầm nhìn vượt trội, không có quyết tâm phi thường và hệ giải pháp khác thường thì khó lòng đạt mục tiêu kỳ vọng cho khu kinh tế này. Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh, ưu tiên thứ nhất đối với Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan vẫn là tạo hệ sinh thái, chính sách thu hút những doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào. Ở tầm của mình, tỉnh Quảng Trị cần có kế hoạch mạnh mẽ ở quy mô phù hợp với tham vọng phát triển của địa phương. Phải lập quy hoạch tổng thể đảm bảo các yếu tố để đưa khu kinh tế này trở thành biểu tượng mạnh mẽ thu hút đầu tư và thương mại như thuở ban đầu.

Các chuyên gia hy vọng những đề xuất tại hội thảo không dừng lại ở ý tưởng mà sẽ thành hiện thực. Bởi, việc hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan hứa hẹn là “làn gió mới”, tạo cơ hội mới đưa Lao Bảo - Đensavan trở thành địa chỉ sôi động trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Lao Bảo, một thời sôi động

Đào Tâm Thanh |

Vào những năm 1990 trở về sau này, giữa bộn bề công việc hệ trọng cần sắp đặt, triển khai gấp rút và vận hành hiệu quả của một tỉnh mới tái lập, Quảng Trị vẫn dành sự quan tâm đặc biệt để đánh thức, khai thác tiềm năng kinh tế-xã hội đường 9; đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC). Trên thực tế, EWEC đã đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội đối với các địa phương của cả ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan trên hành lang, nhất là tỉnh Quảng Trị, nơi có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa, “đầu cầu” của Việt Nam trên EWEC.

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan cần tầm nhìn vượt trội, giải pháp khác thường và quyết tâm phi thường

PV |

Các Khu kinh tế cửa khẩu (tên gọi chung quy ước cho cả Khu thương mại/Khu kinh tế thương mại cửa khẩu) của Việt Nam cho đến nay chủ yếu thực hiện các hoạt động “biên mậu”; đa số chưa đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đặt ra, chưa thành công như mong đợi. Đối với những khu kinh tế thử nghiệm “thể chế bậc cao” như Khu KTTMĐB Lao Bảo (Quảng Trị) và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), đã có thời gian được dành những cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất, song vẫn đi đến kết cục được coi là “thử nghiệm chưa thành công”.

Tuổi trẻ Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo sôi nổi với các hoạt động tháng thanh niên

Văn Sáu |

Hướng đến Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo "Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Thanh Trúc |

Ngày 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng đề án Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung tỉnh Quảng Trị (Tổ công tác 626); Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam, Tổ phó Tổ công tác 626; Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet (Lào) Xẻn-xắc Su-ly-xắc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Savannakhet Khăm-phủi Sý-bun-hương, Tổ phó Tổ công tác 1626 (Lào) chủ trì hội thảo.