Hôm chúng tôi có dịp theo đoàn cựu chiến binh từng bám trụ, chiến đấu nơi vùng cực Nam Hải Lăng (Quảng Trị) về thăm biển Mỹ Thủy, trong câu chuyện của những người lính già đã thấy thấp thoáng bóng dáng của niềm hy vọng từ các giếng dầu ngoài khơi xa kia đang háo hức chờ tiếp bờ; đã thấy chộn rộn niềm mong mỏi miền đất Quảng Trị đầy nắng gió, nơi chiến trường xưa trĩu nặng ân tình này sẽ trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung trong tương lai…
Gần chạm chân nơi thềm biển, một cựu chiến binh giang tay, thốt lên khi đứng giữa bao la cát trắng Hải Khê: “Hồi trước cực lắm đồng đội ơi! Vùi mình giữa đại trường sa này mà đánh giặc, cát nóng ngùn ngụt như rút hết nguồn sinh lực cuối cùng của bộ đội. Thiếu lương thực, nước ngọt triền miên nhưng anh nào lỡ nghiện thuốc lá thì lại càng bị hành hạ, quăng quật hơn. Khi mới vượt tuyến vào đến Ba Thung, Bắc Bình, mạn phía Tây Bắc Cam Lộ, lính vào trong dân gùi gạo, bao giờ các mẹ, các chị cũng cho thêm vài xấp thuốc lá bó chặt trong tàu lá chuối khô, nhựa thuốc ứa ra dẻo như mật, tỏa một mùi thơm hăng hắc, nồng nàn. Mùi thơm thuốc lá trồng dọc bãi biền sông Hiếu đó, phơi phong được nắng, theo lính ta đi hết mùa chiến dịch. Khi cơ động về đến vùng Đông Nam này, thiếu đủ thứ hết, trong đó cực nhất vẫn là thèm đến nôn nao được rít một hơi thuốc rê thật đậm đà trước khi vào trận, đi tìm giặc mà đánh.
Rồi ông thuật lại màn đối đáp đặc quánh mùi tếu táo của lính:
- Thủ trưởng biết không, em đi bộ đội 8 năm rồi, chiến đấu, hy sinh em không sợ; mang vác, khiêng cáng em chẳng nề; em chỉ có một điều ước nhỏ thôi.
- Chú mi ước chi, nói choa nghe?
- Dạ, em ước có một bi đông đá lửa, một cái máy đèn thật nhạy, một bao tải thuốc rê và một thùng phuy xăng, em sẽ yên tâm phục vụ quân đội đến suốt đời…
“Anh lính trẻ mang điều ước nhỏ nhoi đó đã mãi mãi nằm lại nơi miền chân sóng này ngót mấy chục năm nay rồi…”, người cựu binh già quay sang chúng tôi, nói trong nước mắt…
Có một thực tế rất cảm động là bây giờ đây, nhiều doanh nghiệp khi đến triển khai đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đều sắp xếp thời gian đến thắp hương trên bàn thờ nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm, ở một góc làng cận bờ cát trắng xã Hải Khê. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà tưởng niệm của chị Tâm, đã có rất đông người đến viếng chị, mùi hương tỏa lan, ấm áp trong căn nhà nhỏ. Mỗi lần có dịp quay về làng chài Thâm Khê nằm bên mép nước mặn đến khô khát miền Hải Khê, Hải Lăng nắng gió, những chi tiết như từng đợt sóng biển thao thức dội vào tâm can trong bút ký “Cát trinh nguyên” của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh lại hiện lên, tươi rói cảm xúc và chất chứa đau thương, uất hận.
Ngược thời gian, cách đây 73 năm trước, năm 1948, vùng quê hiền hòa bên bờ Biển Đông này cũng đã từng xảy ra một cuộc thảm sát giết hơn 500 người dân lành vô tội. Lần đôi bàn tay gân guốc trên hàng hàng tên tuổi của những người làng bị thảm sát năm nào tại Khu chứng tích vụ thảm sát Mỹ Thủy, một cụ ông râu tóc bạc trắng là con dân của làng bùi ngùi bộc bạch: “Không hề muốn kể lại chuyện đau thương này nhưng cứ mỗi lần nhớ lại là tôi không thể nào ngủ yên. Dù vụ thảm sát đã qua lâu lắm rồi nhưng lòng tôi có lẽ chẳng bao giờ nguôi. Hình ảnh người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà co rúm than khóc, la hét đau đớn lần lượt bị thực dân Pháp bạo tàn bắn giết, máu loang lổ trên cát trắng, thây chất thành đống… cứ ám ảnh trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ”. Trong bài thơ nổi tiếng “Tiếng cây dương Mỹ Thủy” của nhà thơ Dương Tường, vụ thảm sát năm xưa ấy vẫn làm quặn thắt lòng người: Trên sóng biển ì ầm/ Ba trăm ngôi mộ mới/ Trong mưa chiều lâm thâm/ Nhà nào vắng đèn nhang/ Đầu nào không khăn trắng...
Trên mảnh đất rực lửa chiến công và chất chồng hy sinh mất mát ấy giờ đang khởi động một dự án đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Trị như là sự tri ân sâu sắc đối với đất nghèo nuôi những anh hùng nơi vùng Đông Nam Quảng Trị!
***
Sau này, trong biên niên sử của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị chắc chắn sẽ có ghi những dòng này: Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, một tin vui đã đến với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 42/2015/QĐ - TTg (ngày 16/ 9/2015) về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đề cập đến sự kiện này, nhiều nhà bình luận cho rằng, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng hết sức lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc tìm hướng phát triển đột phá cơ bản về kinh tế; là cơ sở, điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp quy mô, công nghiệp phụ trợ, thương mại - dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững; thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Đảng và Nhà nước đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là một dự án động lực đặc biệt quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, tạo điều kiện để Quảng Trị thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Trị sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Khu kinh tế Đông Nam “phủ sóng” trên địa bàn của 17 xã, thị trấn phía Đông Nam của tỉnh, nằm trọn trên vùng đất giàu tiềm năng nhưng đang còn nhiều khó khăn của tỉnh, trải dài từ Hải Lăng, Triệu Phong đến Gio Linh. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được xác định là đánh thức và khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị, khu vực Trung Bộ nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Quảng Trị; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ…
Hôm chúng tôi đến đây, những trảng cát nhức nhối, cản chân người đi chỉ còn trong ký ức. Dự án đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với chiều dài toàn tuyến hơn 23 km đã hoàn thành, vạch một tuyến giao thông êm thuận nối gần lại những vùng cách trở. Tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng này có điểm đầu ở phía Nam cầu Cửa Việt, thuộc xã Triệu An, huyện Triệu Phong và điểm cuối ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Với nền đường rộng 50 m, mặt đường rộng 34 m bằng bê tông nhựa, dải phân cách giữa rộng 4 m, vỉa hè mỗi bên rộng 6m, xe ô tô có thể lưu thông trên đường với vận tốc thiết kế đến 80 km/giờ. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, có tính kết nối cao bên trong và bên ngoài khu kinh tế để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cấp thiết nhất là nhu cầu thực hiện các dự án kinh tế động lực đang và sẽ được triển khai tại đây.
Theo tuyến đường mới mở, chúng tôi đã thấy khoáng đạt trước mắt là những dự án đang và sẽ thành hình hài trong mai. Theo tay chỉ của người hướng dẫn, đây là Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị, kia là Bến cảng CFG Nam Cửa Việt; Kho cảng xăng dầu Hải Hà Quảng Trị; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông Mỹ Thủy, Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim; Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1; Kho xăng dầu Việt Lào; Khu bến cảng Mỹ Thủy; Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thái Bình Xanh… Rồi cảng Mỹ Thủy sẽ ra đời, khu công nghiệp, dịch vụ đồng bộ và hiện đại sẽ hình thành nơi này. Từ đây, các sản phẩm như sợi bông, thủy tinh cao cấp, gạch ốp lát xuất khẩu, xi măng trắng, các nhà máy nhiệt điện, điện khí, sản xuất thép…sẽ xuất đi nhiều thị trường trong nước và nước ngoài. Hàng vạn công nhân sẽ chăm chút làm lụng, cần kiệm để xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp và viết tiếp ước mơ thịnh vượng mà bao thế hệ đi trước hằng mong mỏi…
Năm 2020, tôi có dịp khảo sát tuyến du lịch đường bộ nối Quảng Trị với Nam Lào và nhận thấy, sau khi có Quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, một tuyến đường giao thông quan trọng đã khởi động triển khai, đó là Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay (Đakrông) về cảng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng) là một chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược, khả năng đón đầu cơ hội phát triển và hội nhập rất sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta. Khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hình thành, việc xây dựng Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay nối với cảng Mỹ Thủy trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với lộ trình như hiện nay. Trong rất nhiều tác động tích cực, một trong những hiệu ích mang lại là khi Quốc lộ 15D được mở ra, tiềm năng về đất đai cả một vùng rộng lớn của tỉnh từ phía Tây và Đông Nam Đakrông, Nam Cam Lộ, đến Đông Nam Hải Lăng, thị xã Quảng Trị sẽ được khai thác hiệu quả, góp phần phân bố lại dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Trên tất cả vẫn là niềm khát vọng. Khát vọng thống nhất đất nước đã hun đúc thành sức mạnh to lớn để cả dân tộc ta vượt qua bao gian khổ, hy sinh, đi đến cái đích của ngày toàn thắng. Khát vọng đổi mới, hội nhập đã thúc giục chúng ta mở đường xuyên Á, chuẩn bị đủ tầm và lực để trở thành một địa phương năng động, phát triển trên Hành lang kinh tế Đông- Tây. Khát vọng phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025; nằm trong nhóm 30 tỉnh phát triển của cả nước vào năm 2030 là động lực để chúng ta đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và thúc đẩy phát triển toàn diện nền kinh tế-xã hội…
Trong chặng đường đi đến tương lai, chúng ta luôn có điểm tựa rất vững chắc từ quá khứ vinh quang của một mảnh đất mang gương mặt hòa bình…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)