Xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là một hành trình có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc.
Đây là một nhiệm vụ dài lâu, là giải pháp then chốt để phát triển KT-XH ở nông thôn, trong đó giải pháp cốt lõi là phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách về đẩy mạnh phát triển sản xuất, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh; chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… Những chính sách này đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, thực sự khuyến khích người dân phát huy nội lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, thực hiện chính sách của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 và Quyết định số 55/2016/QĐUBND ngày 31/12/2016 về việc sửa đổi bổ sung một số quy định tại Quyết định số 21/2015/QĐUBND.
Đây là chính sách được người dân đặc biệt quan tâm, hưởng ứng tham gia và mang lại những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2015 - 2020, chỉ với hơn 4,47 tỉ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất mà toàn tỉnh đã huy động được 49,5 tỉ đồng vốn tín dụng trong Nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ kết quả đó, trong giai đoạn mới từ nay đến năm 2025, để tiếp tục huy động nội lực trong Nhân dân cho phát triển kinh tế xây dựng NTM, tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Chủ trương này đã được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 14, Nghị quyết Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, tỉnh đầu tư ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại 101 xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025.
Đối tượng vay vốn là các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Việc hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với các dự án cho vay mới thỏa mãn điều kiện theo quy định của cơ chế tín dụng thông thường.
Các dự án cho vay có hỗ trợ lãi suất được xét chọn và đề xuất từ cơ sở, đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch. Việc hỗ trợ lãi suất chỉ được thực hiện một lần đối với một dự án, trong trường hợp dự án đó có các quy định hỗ trợ khác cùng với quy định hỗ trợ theo chính sách này thì áp dụng mức hỗ trợ có lợi nhất.
Các đối tượng theo quy định sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ gốc, lãi theo đúng thỏa thuận với tổ chức tín dụng; các dự án, phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được hỗ trợ lãi suất.
Tùy theo quy mô từng dự án để cấp các thẩm quyền phù hợp phê duyệt dự án được hỗ trợ lãi suất như: UBND xã thẩm định dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có mức vốn vay dưới 1 tỉ đồng; UBND cấp huyện thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mức vốn vay từ 1 - 2 tỉ đồng. Đối với các dự án có mức vay trên 2 tỉ đồng hoặc thực hiện trong phạm vi từ 2 huyện (thị xã) trở lên, UBND cấp huyện lấy ý kiến của các sở, ngành chuyên môn liên quan trước khi thẩm định.
Các dự án vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản, tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất đối với một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của tỉnh được quy định tại Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh.
Hỗ trợ lãi suất vốn vay còn áp dụng đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tiềm năng, đã đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn tỉnh như: đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; đầu tư trung tâm, điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% số tiền lãi cho dự án vay ngắn hạn. Đối với các khoản vay trung và dài hạn thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất trong 2 năm đầu, sang năm thứ 3 thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% lãi suất.
Các dự án vay vốn được hỗ trợ lãi suất là dự án được phê duyệt vay mức thấp nhất 100 triệu đồng/dự án và mức cao nhất không quá 2 tỉ đồng/dự án. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân vốn vay đến ngày trả nợ cuối cùng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng không quá ngày 31/12/2025. Ngân sách được sử dụng cho việc hỗ trợ lãi suất theo chính sách này là từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Chỉ với một lượng vốn không lớn hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ khuyến khích được lượng vốn khá lớn từ người dân để đầu tư cho phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất trong xây dựng NTM là một chính sách hiệu quả, tạo sự chủ động của người dân mở rộng sản xuất, đưa lại thu nhập cho bản thân và cộng đồng, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỉ lại sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)