Hiện nay, phong trào khởi nghiệp được lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ nữ. Với phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó, nhiều chị em đã có ý thức vươn ra xã hội, khởi sự kinh doanh, làm chủ sự nghiệp. Chị Lê Thị Xuân Tuyền (sinh năm 1991), ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là một trong những người như thế.
Sau khi học xong THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Tuyền không thể tiếp tục con đường học hành mà phải vào TP. Đà Nẵng tìm việc làm. Ban đầu, chị làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử cho một doanh nghiệp nhưng được một thời gian, thấy công việc không phù hợp nên chị xin chuyển sang làm công nhân may mặc tại một khu công nghiệp. Dù rất cố gắng nhưng với mức lương của một công nhân, mỗi tháng sau khi trả tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt, chị Tuyền không tích lũy được là bao. Thấy cuộc sống của nhiều công nhân cùng cảnh phải xa nhà, thu nhập lại thấp, chị mơ ước sau này nếu có điều kiện sẽ trở về quê mở một xưởng may công nghiệp, trước là để tạo việc làm cho bản thân, sau là người lao động ở địa phương.
“Lúc bấy giờ tôi có suy nghĩ, nếu mở được xưởng may ngay tại địa phương sẽ rất thuận lợi cho chị em phụ nữ; tiền lương có thể thấp hơn so với làm công nhân tại các khu công nghiệp ở phía Nam nhưng bù lại không mất tiền thuê nhà, thuê người trông giữ con, đặc biệt là chi phí sinh hoạt ở quê cũng thấp hơn nhiều so với ở các thành phố lớn”, chị Tuyền chia sẻ.
Quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, sau 3 năm làm công nhân, chị cố gắng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, thị trường, đến năm 2019, chị Tuyền quyết định trở về quê mở xưởng may gia công hàng xuất khẩu. Ban đầu, do khó khăn về nguồn vốn, chị tận dụng một phần căn nhà của bố mẹ để làm xưởng may với 7 máy may. Sau đó, tích lũy dần kết hợp với vay thêm nguồn vốn chính sách xã hội thông qua tín chấp của Hội LHPN xã Cam Nghĩa, chị Tuyền mở rộng quy mô, xây dựng nhà xưởng mới, mua sắm thêm máy móc, thiết bị với số vốn gần 500 triệu đồng.
Đồng thời, chị cũng tìm hiểu thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại xưởng may của chị Tuyền đã tạo việc làm cho trên 30 lao động, trong đó có nhiều chị em là lao động từ các tỉnh phía Nam trở về do COVID-19 trong năm 2021. Những công nhân ở đây được chị trả lương theo sản phẩm, ngoài ra hằng tháng còn có thêm tiền chuyên cần 300.000 đồng/người, thưởng 20% tiền lương, tính ra tổng thu nhập của mỗi công nhân dao động từ 5 - 9 triệu đồng/tháng tùy tay nghề. Kể từ tháng 3/2022, tất cả công nhân đều được chị Tuyền đóng BHXH, BHYT theo quy định.
Để tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, hiện nay chị Tuyền hợp tác với Công ty Cổ phần Phát triển may mặc miền Trung. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào và lo đầu ra sản phẩm, xưởng của chị may gia công các mặt hàng đảm bảo theo yêu cầu của đối tác. “Phía doanh nghiệp liên kết sẵn sàng cung cấp nguyên liệu đầu vào, chúng tôi gia công được càng nhiều càng tốt, không hạn chế số lượng nên tôi dự kiến sẽ đầu tư thêm máy móc, tuyển thêm khoảng 30 lao động”, chị Tuyền cho biết.
Mặc dù mới thành lập được một thời gian ngắn, chịu ảnh hưởng không nhỏ của COVID-19 nhưng xưởng may của chị Tuyền ngoài tạo việc làm cho người lao động còn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Nghĩa Phạm Thị Ngọc Thúy cho biết: “Chị Tuyền là một hội viên trẻ, dám nghĩ, dám làm. Xưởng may của chị đã tạo điều kiện cho chị em hội viên phụ nữ có việc làm, thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình. Đây là tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp của địa phương”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)