Không vì giá tiêu cao mà ồ ạt trồng mới

Mai Lâm |

Thời điểm hiện nay, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang thu hoạch cây hồ tiêu. Người dân rất phấn khởi vì giá hạt tiêu khô đang tăng cao. Tuy vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên vì giá tiêu tăng mà ồ ạt trồng mới, chỉ trồng tiêu ở những vùng đã được quy hoạch để đảm bảo diện tích hồ tiêu của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 2.500 ha. Sở dĩ có khuyến cáo này là bởi lâu nay người dân vẫn thường tự ý thay đổi cây trồng theo giá cả thị trường dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cây hồ tiêu cũng đã có thời hoàng kim, được ví như “vàng đen” khi có vụ mức giá đạt 230 ngàn đồng/kg tiêu khô (năm 2015). Vì giá bán cao nên sau đó diện tích cây hồ tiêu đã tăng rất nhanh. Năm 2017, cả nước có trên 151.900 ha hồ tiêu, vượt hơn 3 lần mục tiêu phấn đấu mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra (tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT ngày 27/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là 50.000 ha).

Ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng Tây Nguyên, nông dân vay mượn tiền bạc, phá bỏ nhiều loại cây trồng khác để chuyển sang trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi giá tiêu giảm mạnh, nông hộ bỏ bê vườn tược, không đầu tư chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn nhiều vườn tiêu thoái hóa, giảm sức chống chịu với dịch bệnh, thiên tai nên năng suất, sản lượng giảm. Diện tích hồ tiêu bắt đầu giảm mạnh, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy về dịch bệnh, đất đai, môi trường sinh thái, nông dân thua lỗ, nợ nần.

Không riêng gì cây hồ tiêu mà nhiều loại cây trồng khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Nông dân sản xuất theo phong trào và luẩn quẩn với việc trồng - chặt; chặt - trồng, hay điệp khúc “được mùa mất giá” là chuyện không mới trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Dù vậy bài học từ loại cây trồng này vẫn không làm người dân rút kinh nghiệm trong sản xuất với cây trồng khác.

Một trong những ví dụ điển hình hiện nay là tình trạng “sốt” giá cây cà phê giống ở các tỉnh Tây Nguyên do nông dân ồ ạt đua nhau trồng mới sau khi giá cà phê tăng trở lại. Hay từ năm 2023 đến nay là việc phát triển “nóng” diện tích cây sầu riêng ở các tỉnh phía Nam.

Mới đây, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản khuyến cáo: “Hiện nay, nhiều nơi mở rộng diện tích trồng sầu riêng, thậm chí ở cả các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; có trường hợp phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng sầu riêng...

Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, khiến cung vượt quá cầu. Đặc biệt, tại các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng Việt Nam”.

Không riêng gì sầu riêng hay cà phê mà với bất cứ một loại cây trồng nào thì ngành nông nghiệp hay chính quyền địa phương cũng không thể ngăn cản hay bắt buộc người dân trồng hay không trồng. Nông dân vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhận thức, hiểu biết của người dân vẫn còn hạn chế thì việc dự báo, định hướng, khuyến cáo và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc phát triển cây trồng theo định hướng và quy hoạch của ngành, địa phương là việc làm rất cần thiết.

Trở lại vấn đề phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong những năm qua do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường nên diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giảm. Toàn tỉnh hiện có 2.164,6 ha, giảm 11,1 ha so với cùng kỳ năm 2023. Cây hồ tiêu tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa.

Để đảm bảo phát triển bền vững loại cây công nghiệp chủ lực này, căn cứ định hướng của tỉnh, các địa phương liên quan cần rà soát, cân nhắc, tính toán lại quy hoạch hồ tiêu ở địa phương mình, lựa chọn vị trí có đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước, khí hậu phù hợp để thực hiện tái canh và trồng mới cây hồ tiêu theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về những rủi ro khi tự phát mở rộng diện tích cây trồng ở những vùng không phù hợp. Đặc biệt là vùng có mực nước ngầm cao dễ gây ra ngập úng trong mùa mưa thì không nên trồng cây hồ tiêu.

Quảng Trị là vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của gió bão, lũ lụt, hạn hán nên cần có những lớp tập huấn, hướng dẫn từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc...cây hồ tiêu phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Chính quyền cơ sở cần vận động người dân không nên chạy theo số lượng mà cần chú trọng đến chất lượng; chú trọng hơn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc cây tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị hạt tiêu, người dân cần sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Để đồng hành với các địa phương và nông dân, ngành nông nghiệp cần tính toán, đề xuất tỉnh bố trí quỹ đất và các chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn để xuất khẩu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Niềm vui hồ tiêu được mùa, được giá

Tú Linh |

Hằng năm, cứ sau ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chính thức vào vụ thu hoạch. Năm nay niềm vui nhân đôi với người nông dân, hồ tiêu không những được mùa, mà còn được giá. Giá hồ tiêu khô đang đạt ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Nhiều gia đình dự kiến trong vụ này thu về đến vài trăm triệu đồng từ việc bán hồ tiêu khô.

Đi tìm “cây trội” giữa rừng thường xanh

Sỹ Hoàng |

“Cây trội” hiểu đơn giản là cây có các đặc điểm vượt trội so với các cây cùng loài còn lại trong một quần thể về chỉ tiêu theo yêu cầu của từng mục tiêu chọn giống. Với các thành viên tham gia nhóm tìm kiếm “cây trội”, chỉ cần nhìn thấy ngọn cây cao đột khởi giữa rừng già thâm u là họ nhen nhóm lên bao niềm hy vọng. Qua nhiều chuyến băng rừng, lội suối, nhóm cũng chỉ tìm được 6 “cây trội” gụ lau giữa 43.000 ha rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Tiết lộ quá trình tiến hóa trong 100.000 năm của cây lúa

Kim Chi |

Ngày 24/5, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã tiết lộ lịch sử tiến hóa liên tục của cây lúa trong 100.000 năm, từ một loài cây dại đến được thuần hóa thành giống lúa trồng ngày nay.

Cam Lộ: Cây lạc vừa mất mùa vừa mất giá

Anh Vũ |

Vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) gieo trồng được gần 530 ha lạc, đạt 105,1% kế hoạch, tăng so với vụ đông xuân 2022 – 2023 là 6,2 ha. Mặc dù người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, đầu tư thâm canh tốt nhưng do thời tiết bất lợi; thời điểm lạc ra hoa, đâm tia gặp nắng hạn kéo dài, đến giai đoạn thu hoạch lại gặp mưa nên lạc bị nảy mầm nhiều khiến năng suất đạt thấp.