Được xem là một trong những cửa khẩu quốc tế có vị trí địa lý, điều kiện hạ tầng giao thông tốt nhất giữa Việt Nam và Lào. Sau hơn 20 năm hình thành Khu kinh tế thương mại cửa khẩu, Lao Bảo vẫn chưa phát triển xứng tầm so với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo- tiềm năng nhưng phát triển chưa xứng tầm
Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có vị trí thuận lợi, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch thuộc Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế, hạ tầng giao thông quan trọng của khu vực. Tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Túy Loan (Đà Nẵng) sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2022; tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sắp được đầu tư (trước năm 2030). Tỉnh Quảng Trị đang hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cảng hàng không Quảng Trị, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy.
Khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Densavan có điều kiện phát triển dịch vụ logistics và Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan sẽ có sức hấp dẫn mới trong thu hút đầu tư đối với các dự án sản xuất, gia công tái chế, phát triển các ngành dịch vụ như vận tải, logistics...
Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được đầu tư kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, đã và đang đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, có thể thu hút đầu tư ngay. Khu thương mại biên giới Densavan có mặt bằng thuận lợi cho quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, logistics, có trục giao thông chính là tuyến đường 9 đã được nâng cấp, có lưới điện trung áp đã được đầu tư.
Mới đây, Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Chính phủ Việt Nam xác định là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước
Trong những năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa có tính đốt phá. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 1,092 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 229 triệu USD, nhập khẩu đạt 863 triệu USD); gấp 2,8 lần so với 10 năm trước (2011). Đó là con số không mấy ấn tượng khi hạ tầng đã phát triển khá đồng bộ, các thủ tục xuất nhập khẩu đã được số hoá, nhanh gọn hơn.
Sau hơn 5 năm Chính phủ cắt giảm ưu đãi về chính sách thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT, Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo chịu cảnh “đìu hiu” vì thiếu vắng nhà đầu tư cũng như khách du lịch mua sắm. Tại Trung tâm Thương mại Lao Bảo có gần 50% tiểu thương đã ngưng kinh doanh vì buôn bán ế ẩm. Anh Vi Văn Quang (trú ở Tân Thành, Hướng Hoá) cho biết, sau khi chính sách ưu đãi thuế không còn. Hàng hoá trong khu thương mại không được miễn thuế, giá cả cân bằng với hàng nội địa nên khách du lịch trong và ngoài tỉnh không đổ về Lao Bảo như trước. Buôn bán ế ẩm, rất nhiều tiểu thương đã bỏ cuộc, trả lô quầy ở Trung tâm thương mại Lao Bảo để tìm việc làm mới. “Có nhiều ngày không bán mì xưa, thậm chí cả tuần lễ không ai hỏi mua hàng hoá. Đó là tình cảnh bi đát trái ngược với một thời hoàng kim khi mới hình thành”, anh Quang chia sẻ.
Theo thống kê, ngoài 2 doanh nghiệp vốn FDI từ Thái Lan là Cty Cao su Camel và Super Horse còn hoạt động tới nay, còn lại những doanh nghiệp trong nước hoạt động cầm chừng và không có khả năng phát triển lớn mạnh.
Chị Nguyễn Hoàng Anh, tiểu thương ở Trung tâm thương mại Lao Bảo cho biết: “Hiện tiểu thương chúng tôi chỉ bán cho khách hàng địa phương. Tại địa phương ngoài trung tâm thương mại này còn có chợ Tân Phước. Nên chúng tôi chỉ trong chờ vào việc bán hàng online và bán sỉ qua mạng ở các tỉnh thành khác. Nếu không có chính sách gì mới, chỉ vài năm nữa, chúng tôi cũng bỏ cuộc, chuyển sang nghề khác thôi”.
Người dân trông chờ một khu kinh tế xuyên biên giới
Người dân khu thương mại Lao Bảo đang trông chờ những chính sách mới từ trung ương để vực dậy khu kinh tế biên giới này.
Đầu năm 2022, huyện Hướng Hoá đã đề xuất với tỉnh Quảng Trị về chính sách ưu đãi đối với Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Theo đó, cần có chính sách ưu đãi đặc thù về tài chính, tín dụng, đầu tư nhằm ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ biên mậu, tiếp đến là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông lâm nghiệp; Phát triển dịch vụ logistisc, xây dựng khu vực trở thành trung tâm kết nối, trung chuyển hàng hoá, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo; Rà soát trình Chính phủ, bộ ngành quan tâm xem xét bổ sung nguồn vốn trung ương hỗ trợ mục tiêu chương phát triển cơ sở hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời với đó, tỉnh Quảng Trị cũng đang nỗ lực làm với với trung ương để xây dựng Khu kinh tế xuyên biên giới Lao Bảo- Densavan (Lào).
Gần đây nhất, ngày 10/8/2022, Tổ công tác 626 - Tỉnh uỷ Quảng Trị đã đến Lao Bảo để khảo sát, nghiên cứu cơ chế chính sách kinh tế xã hội hai biên giới tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo và Densavan (Sê Pôn, Savanakhet) để tiến tới xây dựng khu kinh tế xuyên biên giới như chủ trương hai Chính phủ.
Ông Hồ Đại Nam, Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị cho biết, phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan phải phù hợp với quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Savanakhet, nguồn lực và trình độ phát triển của địa phương hai bên, các hiệp định song phương và đa phương có liên quan; phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Trong ngắn hạn, giai đoạn 2023 - 2030, tập trung đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và hình thành 01 khu công nghiệp có quy mô 300 - 500 ha tại Khu thương mại biên giới Đensavan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, gia công.
Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan được dựa trên mô hình “Hai nước hai khu, có sự thống nhất về cơ chế, chính sách”.
Theo đó, hai bên cùng nghiên cứu, xây dựng một Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình. Tiến hành xây dựng hàng rào cứng đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD), khu công nghiệp... thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư...
Hiện hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet (Lào) đang nỗ lực để hoàn thiện đề án trình chính phủ hai nước để có cơ chế chung cho Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo- Densanvan.
“Có thể nói, xây dựng Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo- Densanvan như một “cú hích” để khu vực biên giới đầy tiềm năng này vực dậy, phát triển nhanh, bền vững và trở thành một điểm sáng trên EWEC, thúc đẩy các vùng phụ cận phát triển theo”, ông Hồ Đại Nam chia sẻ.