Khuyến khích phát triển và xúc tiến đầu tư sản xuất dược liệu gắn với chương trình OCOP

Lê An |

Ngày 21/6, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị phối hợp Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tổ chức hội thảo công bố đề án Khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022 – 2026, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án) và xúc tiến đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham dự hội thảo.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2026 đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha. Trong đó trồng mới ít nhất 1.000 ha, gồm 200 ha quy mô tập trung và 800 ha dưới tán rừng đối với những cây dược liệu đã khẳng định có hiệu quả, có khả năng nhân rộng, thị trường tiêu thụ ổn định. Xây dựng, nâng cấp 5 cơ sở ươm cây giống dược liệu để chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng. Xây dựng, nâng cấp ít nhất 10 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Có thêm 15 – 20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh - Ảnh: L.A
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh - Ảnh: L.A

Đến năm 2030 phấn đấu đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 7.000 ha. Trong đó, trồng mới thêm ít nhất 2.500 ha, gồm trồng mới với quy mô sản xuất tập trung 1.000 ha, trồng dưới tán rừng 1.500 ha. Nâng cấp và đầu tư mở rộng ít nhất 10 cơ sở ươm cây giống dược liệu. Xây dựng, nâng cấp thêm 10 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu. Có thêm 30 - 35 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng và các đại biểu tham quan một số sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu - Ảnh: L.A

Theo Đề án, có 14 loài dược liệu được tập trung phát triển gồm chè vằng, tràm, nghệ, sả, cà gai leo, an xoa, dây thìa canh, bảy lá một hoa, đẳng sâm, sâm cau, giảo cổ lam, quế, sâm bố chính, khôi tía và một số cây dược liệu khác. Sản phẩm của Đề án là các sản phẩm thuộc các ngành hàng OCOP và dịch vụ du lịch. Chủ thể thực hiện Đề án là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trọt, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ trên địa bàn tỉnh có liên quan đến 14 loài cây dược liệu trên. Ưu tiên các dự án có liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2022 – 2026 là 52,928 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 30,5 tỉ đồng; cá nhân, tổ chức đối ứng 22,428 tỉ đồng. Giai đoạn 2027 – 2030, kinh phí thực hiện được huy động từ nguồn lực xã hội hóa, doanh nghiệp và người dân để thực hiện nhân rộng các kết quả đạt được.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, cây dược liệu được xác định là 1 trong 6 cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh và đã có nhiều chính sách phát triển, bước đầu hình thành nhiều mô hình trồng, sản xuất và chế biến dược liệu thành công. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 34 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu được công nhận và thị trường đón nhận. Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền. Do vậy, thông qua hội thảo để có những định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh phù hợp.

Mời gọi, thu hút các doanh nghiệp/tập đoàn dược lớn vào đầu tư phát triển chuỗi giá trị dược liệu trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh và tạo điều kiện phát triển các sản phẩm dược liệu trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương. Phát triển dược liệu gắn với khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu tự nhiên, quý hiếm nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan rừng. Chuyển hướng từ “sản xuất dược liệu” sang “kinh tế thảo dược” dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả, hợp tác kinh tế.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao Quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại Agri-Dynamics – Chi nhánh Quảng Trị và Công ty Cổ phần Dược liệu Gold Herbal. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác ký kết 10 biên bản ghi nhớ về hỗ trợ kỹ thuật, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh. Dự án VFBC ký kết thỏa thuận hợp tác với 7 công ty và hợp tác xã trong ngành hàng dược liệu, trẩu, cà phê và keo. 

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thêm một doanh nghiệp cam kết hỗ trợ huyện Cam Lộ xuất khẩu dược liệu sang Mỹ

Anh Vũ |

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Hoài Linh cho biết, Công ty TNHH Thương mại sản xuất AGRI – DYNAMICS (đơn vị đã liên kết hỗ trợ địa phương xuất khẩu cao an xoa sang Mỹ trong thời gian qua) đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TRUQUEST NUTRISCIENCE INC do ông Bùi Quang Trung, một người Mỹ gốc Việt làm giám đốc, có trụ sở đóng tại Mỹ cam kết hỗ trợ cho huyện Cam Lộ trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu các loại cao dược liệu sang Mỹ.

Giải ngân 1,1 tỉ đồng cho nông dân huyện Cam Lộ trồng cây dược liệu

Anh Vũ |

Hội Nông tỉnh Quảng Trị vừa giải ngân nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho người dân trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Xây dựng nhà máy chế biến dược liệu công suất 600 tấn nguyên liệu/năm tại huyện Cam Lộ

Anh Vũ |

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Hoài Linh vừa cho biết, Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS Việt Nam đã triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại Cụm Công nghiệp Cam Hiếu với công suất 600 tấn nguyên liệu an xoa/năm. 

UBND tỉnh Quảng Trị nghe báo cáo Đề án khuyến khích phát triển cây dược liệu

Sỹ Hoàng |

Ngày 11/3, UBND tỉnh Quảng Trị nghe Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo Đề án Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc.