Khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử để phòng ngừa COVID-19

Lâm Khanh |

Hiện nay, Công ty Điện lực Quảng Trị đang tích cực vận động khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch mà nên chuyển sang sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử để hạn chế tiếp xúc, phòng ngừa lây lan dịch bệnh trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Mục tiêu của Chính phủ là giảm thiểu việc dùng tiền mặt các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển TTKDTM trong lĩnh vực thương mại, y tế, giáo dục, góp phần đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao… Trên thực tế khi COVID- 19 bùng phát, người dân đã có ý thức chuyển sang TTKDTM nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, đây chính là “cơ hội vàng” cho việc phổ cập TTKDTM. Hiện nay, COVID-19 tại Quảng Trị đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt ở thành phố Đông Hà đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc TTKDTM là một lựa chọn đúng trong thời điểm này nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán điện tử trên máy điện thoại di động - Ảnh: H.N.K
Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán điện tử trên máy điện thoại di động - Ảnh: H.N.K

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) Nguyễn Đăng Phi cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, thời gian qua PC Quảng Trị đã đa dạng hóa dịch vụ thanh toán tiền điện. Khách hàng có thể lựa chọn thanh toán tại quầy giao dịch điện lực hoặc thông qua các ngân hàng, các tổ chức thu hộ. Hiện nay PC Quảng Trị đang hợp tác với 7 ngân hàng trên địa bàn gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, MBBank, LienVietPostBank và 6 tổ chức trung gian thanh toán là Viettel, VNPT Media, Bưu điện tỉnh Quảng Trị, VNPay, Payoo và Airpay trong việc thanh toán hóa đơn tiền điện. Ngành điện khuyến khích khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt và các chi phí dịch vụ khác qua các hình thức như chuyển khoản, trích nợ tự động, ví điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia, website https://cskh. cpc.vn, ứng dụng CSKH EVNCPC hoặc thông qua kênh thanh toán của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán nêu trên để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bà Lê Thị Thúy Kiều ở Phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: “Trước đây, tôi thường thanh toán tiền điện tại các điểm thu tập trung của điện lực nên phải mất thời gian đi lại, chờ đợi. Gần đây, tôi đã sử dụng thanh toán qua ứng dụng ViettelPay. Vì thế, tôi không ra khỏi nhà trong thời gian giãn cách xã hội, không tiếp xúc với người khác nên rất yên tâm. Không chỉ riêng ở thời điểm phòng ngừa dịch bệnh mà về lâu dài, việc sử dụng dịch vụ điện tử trong việc trả tiền điện hoặc các giao dịch khác trong đời sống sinh hoạt đã tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng”.

Hiện nay, việc thanh toán tiền điện với các ngân hàng hoặc tổ chức trung gian thanh toán được thực hiện bằng nhiều hình thức trực tiếp tại quầy giao dịch của đối tác hoặc các hình thức thanh toán điện tử do các đối tác cung cấp. Đối với các tổ chức trung gian thanh toán thì khách hàng có thể thông qua các ví điện tử để thực hiện thanh toán. Đơn cử như các khách hàng của Agribank Quảng Trị có thể thanh toán tiền điện thông qua một trong các kênh như thanh toán tại quầy, ủy quyền cho Agribank tự động trích tài khoản thanh toán hằng tháng, thanh toán qua Internet banking, E-Mobile banking, SMS banking, qua ATM…Theo thống kê đến tháng 9/2021 tại Agribank Quảng Trị đã có hơn 16 nghìn khách hàng đăng ký thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng.

Việc TTKDTM có nhiều ưu điểm như giúp khách hàng giảm thiểu thời gian, công sức đi lại cũng như các rủi ro trong quá trình mang tiền mặt đến thanh toán tại các điểm thu tiền điện cố định. Với hình thức này, khách hàng còn có thể thực hiện thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi và giúp hạn chế tiếp xúc để phòng tránh COVID-19. Tuy nhiên hiện nay mạng lưới ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán còn mỏng, nhiều ngân hàng chưa có phòng giao dịch ở một số huyện trên địa bàn. Vì vậy, khách hàng nhiều nơi không thể chọn cách thanh toán thuận lợi này được.

Riêng đối với PC Quảng Trị đến hết tháng 9/2021 có hơn 62% khách hàng chọn phương thức TTKDTM. Để từng bước thực hiện mục tiêu chính quyền điện tử, xã hội điện tử, PC Quảng Trị đang mở rộng hợp tác với ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán, đồng thời tích cực tuyên truyền để khách hàng hiểu được lợi ích và lựa chọn hình thức TTKDTM. Bởi khi TTKDTM, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ tiện ích, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, giúp thích ứng nhanh trước những hệ lụy khó lường do COVID-19 gây ra.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các ứng dụng thanh toán điện tử ngày càng thu hút khách hàng bởi sự đơn giản, an toàn, thuận tiện và nhiều ưu đãi. Ứng dụng thanh toán điện tử đang trở thành lựa chọn của đông đảo khách hàng. Hình thức thanh toán này đang được xem là một trong những cách thức tiếp cận khách hàng tiện ích nhất hiện nay, qua đó tăng dần số lượng khách hàng TTKDTM trong các giao dịch thông thường.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Công ty Điện lực Quảng Trị chung tay cùng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Minh Thành |

Chiều 22.9, Công ty Điện lực Quảng Trị đã đến thăm và tặng quà hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho tập thể bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Công ty Điện lực Quảng Trị ủng hộ 100 triệu đồng phòng, chống dịch COVID -19

Tạ Hưng |

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức tiếp nhận kinh phí ủng hộ người dân Quảng Trị gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam từ Công ty Điện lực Quảng Trị. Đồng chí Đào Mạnh Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh tiếp nhận hỗ trợ.

Điện lực Khe Sanh: Truy thu trên 1,6 ngàn kWh từ một vụ trộm cắp điện

Khánh Hưng |

Điện lực Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) vừa phát hiện một khách hàng đã tự ý dùng dây điện đấu nối không qua hệ thống đo đếm điện để lấy cắp điện sử dụng vào mục đích sinh hoạt gia đình. 

Chuyển đổi số - dấu ấn của Điện lực Quảng Trị

Văn Cần |

Là một ngành kinh tế - kỹ thuật, Điện lực Quảng Trị đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, quyết tâm thực hiện tốt chủ đề năm 2021 là năm "Chuyển đổi số” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với chủ trương ấy, thời gian qua Công ty Điện lực Quảng Trị nêu cao quyết tâm trong toàn đơn vị, quyết liệt chỉ đạo xây dựng hạ tầng kỹ thuật thực hiện chuyển đổi số phục vụ cho công tác quản lý, sản xuất kinh doanh và xem đây là một yêu cầu tất yếu để hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp số.