Kinh tế Quảng Trị - Tầm nhìn mới và phương thức phát triển mới

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện Kinh tế Việt Nam |

Suốt chiều dài lịch sử, Quảng Trị là vùng đất luôn “đầy ắp” những điều kiện bất lợi cho phát triển. Sự tích hợp giữa các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với sự tàn phá của chiến tranh nên có thể coi Quảng Trị là biểu tượng “độc nhất vô nhị” của tình trạng khó khăn cho phát triển, sự gian khổ của cuộc sống cũng như đức tính can trường và năng lực chống chịu của con người trước những thách thức gay gắt nhất.

Khẳng định tư duy phát triển mới

Mấy thập niên sau ngày giải phóng, Quảng Trị vẫn vật lộn với những khó khăn hiếm thấy ở địa phương nào khác. Chỉ mới 10 năm gần đây, Quảng Trị mới bắt đầu chuyển mình, nỗ lực “nước rút” và thu được những thành quả phát triển bước đầu đáng khích lệ, rất có ý nghĩa. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 7,5%, vượt khá xa tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế - chỉ khoảng 5,6%. Nhờ đó, Quảng Trị bắt đầu vượt lên, giúp thu hẹp dần khoảng cách “tụt hậu phát triển”- đo bằng chỉ số GRDP/người - so với nhiều địa phương khác.

Tuy vậy, do khoảng cách xuất phát thấp hơn đáng kể (GRDP/người năm 2010 của Quảng Trị chỉ bằng 73% mức trung bình cả nước), nỗ lực “chạy nước rút” thành công đó cũng chỉ mới bảo đảm cho GRDP/người của Quảng Trị năm 2020 (53,5 triệu đồng) đạt khoảng 84% mức bình quân cả nước. Mức thu nhập của người dân Quảng Trị còn cách khá xa mức trung bình cả nước, có nghĩa là còn cách rất xa mức của những địa phương đi đầu.

Thành Cổ Quảng Trị là vùng đất thiêng, hiện đang thu hút đông đảo du khách đến thăm viếng, tổ chức các hoạt động tri ân, nghĩa tình - Ảnh: Đ.T
Thành Cổ Quảng Trị là vùng đất thiêng, hiện đang thu hút đông đảo du khách đến thăm viếng, tổ chức các hoạt động tri ân, nghĩa tình - Ảnh: Đ.T

Dân số chỉ 630.000 người, Quảng Trị là tỉnh có số dân ít nhất vùng Bắc Trung Bộ và là 1 trong 5 tỉnh của Việt Nam có số dân ít hơn 700.000 người. Số dân ít với mức thu nhập thấp đồng nghĩa với quy mô kinh tế bé nhỏ. Đây thực sự là một bất lợi thế phát triển mang tính chiến lược của tỉnh.

Quảng Trị thiếu các điều kiện thông thường và các nguồn lực cơ bản (tài nguyên, vốn, lao động) để phát triển “bình thường”, đặc biệt là phát triển theo phương thức truyền thống (nông nghiệp lúa nước, công nghiệp thời đại cơ khí, phương thức khép kín).

Theo tinh thần đổi mới, mấy năm gần đây, Quảng Trị đã chọn cách thức “không thông thường” để giải quyết vấn đề phát triển của mình. Đây là một sự lựa chọn trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Và điều quan trọng là nó đem lại những kết quả tích cực rõ rệt, có thể gọi là “khác thường”, hé mở triển vọng “đổi đời” cho cả một vùng đất mà quá trình phát triển luôn diễn ra trong thế khó khăn, cơ bản chưa thoát hẳn mục tiêu “sinh tồn - tự cấp tự túc”.

Về thực chất, cách phát triển “đảo logic” của Quảng Trị khá đơn giản khi lựa chọn hướng phát triển mới, có thể biến những bất lợi thế phát triển theo phương thức truyền thống thành lợi thế phát triển hiện đại. Nắng to, gió lớn, đất cát khô cằn, đồi núi chia cắt - những thứ đã làm cho Quảng Trị trong suốt nhiều thế kỷ là một vùng đất nghèo và khó, thiếu sinh lực phát triển trở thành nguồn lực phát triển hiện đại mạnh mẽ (năng lượng tái tạo với điện gió, điện mặt trời); biến toàn bộ khung cảnh hoang sơ và khốc liệt của “cát, nắng, gió và biển xanh” trở thành tài nguyên - nguồn lực phát triển hạng nhất.

Trong điều kiện thực tế của Quảng Trị, cũng như những địa phương có điều kiện phát triển tương tự như Ninh Thuận, Quảng Bình, Sơn La,… sự thay đổi do phép “đảo logic phát triển” tạo ra giống như một kỳ tích. Chiến lược “đảo logic” tuy đi ngược lại tư duy và lối sống truyền thống, song phù hợp với những xu thế cơ bản của thời đại: Công nghệ cao, toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế. Nó cũng tạo khả năng đối phó hiệu quả với xu thế biến đổi khí hậu sâu sắc đang diễn ra. Có lẽ không cần nêu chi tiết các kết quả thành công của Quảng Trị mấy năm qua. Số liệu về tốc độ tăng trưởng GRDP trong 10 năm qua là minh chứng khá đầy đủ sức thuyết phục cho nhận định nêu trên.

Tuy nhiên, thành công kinh tế lớn nhất của Quảng Trị không nằm ở tốc độ tăng trưởng GRDP cao kéo dài liên tục trong mấy năm mà là ở sự thay đổi cách phát triển và việc khẳng định một cấu trúc phát triển mới với định hướng khác, nền tảng khác, phương thức và giải pháp chiến lược khác. Đến nay, Quảng Trị đã định hình một cơ cấu ngành kinh tế dựa trên các trụ cột căn bản mới và khác là ngành năng lượng tái tạo. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bắt đầu định hình sức hút đầu tư; ngành du lịch định hướng “khác biệt và đẳng cấp” kết hợp với chuỗi nông sản đặc sản, thay thế cấu trúc kinh tế truyền thống dựa chủ yếu vào kinh tế nông nghiệp sinh tồn, duy trì nhiều thế kỷ trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Dù là bước đầu, cơ cấu ngành mới đó dựa trên nền tảng công nghệ - kỹ thuật hiện đại với tốc độ đổi mới nhanh hiếm thấy. Các tuyến ngành chủ lực của Quảng Trị gồm năng lượng tái tạo, cảng biển, thậm chí là ngành du lịch đang tiếp cận định hướng phát triển mới, đều nằm trong xu hướng “tái cấu trúc - hiện đại hóa”. Định hướng đó buộc Quảng Trị phải thay đổi phương thức và thể chế phát triển - liên kết phát triển và theo nguyên tắc thị trường, dựa chủ yếu vào lực lượng kinh tế tư nhân - mà cho đến nay, đóng vai trò chính là tư nhân nội địa, với trụ cột là các tập đoàn tư nhân lớn (dù số lượng thực sự chưa nhiều). Đó là những yếu tố mấu chốt định vị thực lực - tầm và thế phát triển của Quảng Trị. Những yếu tố đó bắt nguồn từ sự thay đổi tư duy phát triển với hai nội dung chính: Tầm nhìn mới và phương thức phát triển mới. Đó chính là kết quả phát triển quan trọng nhất mà Quảng Trị đạt được trong kỳ chiến lược vừa qua.

Đặc điểm nổi bật từ chiến lược phát triển của Quảng Trị

Thứ nhất, định hướng cơ cấu dựa trên ba trụ cột hiện đại: Một là năng lượng tái tạo, tập trung vào điện mặt trời và điện gió; hai là du lịch đẳng cấp cao; ba là khu kinh tế - cảng biển với các dự án công nghiệp hiện đại.

Sự lựa chọn cơ cấu tập trung như vậy phù hợp với điều kiện một tỉnh nhỏ và nghèo đi lên, tránh được các yếu tố rủi ro chính sách và rủi ro thị trường. Định hướng cơ cấu đó tích hợp được hai yếu tố quan trọng:

1. Hướng tới đẳng cấp cao vượt trội (định hướng công nghệ hiện đại và nhu cầu thị trường quốc tế);

2. Tính đặc sắc - khác biệt (gắn với “lợi thế tự nhiên -“động” và “bản sắc đặc hữu - địa phương”.

Đây là những nền tảng giải thích thành công bước đầu rất nổi bật của Quảng Trị; đồng thời làm luận cứ thực tiễn đáng tin cậy để xác định chiến lược phát triển tương lai của tỉnh.

Thứ hai, tận dụng tốt “lợi thế đi sau” và vận dụng thành công phương pháp “đánh mượn sức”.

Đường lối đổi mới đã được Đảng và Nhà nước xác định. Sự khôn ngoan của Quảng Trị là ở chiến lược hành động và chiến thuật thực thi. Điều này thể hiện qua nỗ lực “đi sau - vượt trước”, theo nguyên lý “đi xe miễn phí”. Quảng Trị nghèo, không thể giải quyết vấn đề phát triển của mình bằng nguồn “nội lực - tỉnh” là chính, nhất là trong giai đoạn đầu.

Định hướng cơ cấu ngành của Quảng Trị cho thấy cách lựa chọn “nương” vào xu thế thời đại - công nghệ cao và mở cửa - hội nhập quốc tế - để tiến lên. Theo cách này, Quảng Trị định hình triển vọng “đáng tin cậy” của mình, nhờ đó, dễ dàng mời gọi những doanh nghiệp có tư tưởng đổi mới và tiên phong phát triển (như Công ty Surbana Jurong, Tập đoàn T&T). Cách làm này tạo cộng hưởng sức mạnh của nguyên lý “đi xe miễn phí” trong kinh tế học với chiến thuật “đánh mượn sức” của võ học phương Đông, giúp giải quyết hiệu quả bài toán phát triển của một địa phương vốn rất nghèo, do đó, khó phát triển trong điều kiện ngày nay.

Cũng cần lưu ý thêm rằng số doanh nghiệp của Quảng Trị hiện vẫn còn khá ít, song Quảng Trị phát triển doanh nghiệp không hoàn toàn theo cách mà nhiều địa phương khác làm là “chạy theo thành tích số lượng doanh nghiệp”. Quảng Trị cũng không chủ trương mời gọi đầu tư, thu hút, lôi kéo doanh nghiệp bằng mọi giá, theo logic “cạnh tranh cùng xuống đáy”, để đi tới kết cục tuyệt đại đa số doanh nghiệp duy trì mãi quy mô “nhỏ và siêu nhỏ”, trình độ thấp kém, thực lực non yếu, không có trụ cột, không thể hình thành lực lượng có sức mạnh liên kết và có năng lực cạnh tranh.

Cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tập đoàn kinh tế lớn đang đóng vai trò trụ cột trong sự “bùng nổ phát triển” của Quảng Trị. Trong cấu trúc này, khi nền kinh tế Quảng Trị càng trưởng thành, vai trò của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam kết hợp với khu vực FDI, tuy vị thế còn khá yếu nhưng đang có xu hướng tăng lên, tạo thành sức mạnh cộng hưởng để thúc đẩy kinh tế Quảng Trị vươn nhanh hơn.

Đặc điểm xu thế thành phần này (cơ cấu các lực lượng thị trường) có tác động mạnh đến cấu trúc lợi ích phát triển ở mọi cấp độ - chiến lược quốc gia, lợi ích ngân sách, lợi ích việc làm và thu nhập người lao động. Nó cũng có quan hệ chặt chẽ với nhu cầu phát triển ngành trong mối liên hệ với xu thế công nghệ và nhu cầu thị trường thế giới tương lai. Vì thế, cần phân tích đặc điểm này kỹ trên quan điểm “từ tương lai” để có những lựa chọn phát triển ngành và chiến lược đối tác phù hợp cho Quảng Trị trong giai đoạn tới.

Thứ ba, xu hướng đô thị hóa mạnh lên, gắn kết và tác động qua lại với tốc độ phát triển công nghiệp đang tăng nhanh.

Đây cũng là xu thế chung của cả nước chứ không phải của riêng Quảng Trị, thoát khỏi quan điểm công nghiệp hóa theo lối “cổ điển”, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thô và nguồn nhân lực chất lượng thấp - tiền công thấp, không gắn kết chặt chẽ với quá trình hiện đại hóa - đô thị hóa theo hướng hiện đại. Hậu quả của cách phát triển này là rất lớn và đang bộc lộ ngày càng rõ. Đợt COVID-19 vừa qua với những diễn biến khó lường - đứt chuỗi cung ứng, đứt chuỗi lao động gây rối loạn xã hội và các hậu quả an sinh xã hội…là minh chứng cho nhận định đó.

Tất nhiên, Quảng Trị đang ở bước đầu của quá trình công nghiệp hóa (nhưng đặt ngay trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số và toàn cầu hóa hướng hiện đại); đang thiếu nhiều điều kiện nền tảng để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại.

Song, từ xuất phát điểm thấp đi lên, trên nền tảng một tỉnh thuần nông nghèo, cách thức phát triển “ưu tiên” các ngành công nghiệp ít thâm dụng lao động (ngành năng lượng tái tạo là điển hình) làm ngành chủ lực trong khi ngành du lịch chưa thực sự phát triển mạnh và có khuynh hướng sử dụng lao động có kỹ năng cao (phục vụ du lịch đẳng cấp) sẽ dẫn tới chỗ làm chậm quá trình giải phóng lao động nông nghiệp - nông thôn khỏi nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, cũng có nghĩa là làm chậm quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa tại địa phương. Khả năng “lệch pha” công nghiệp hóa, hiện đại hóa này là điều Quảng Trị phải đặc biệt lưu ý để nó không gây ra những vấn đề về cơ cấu trong tương lai phát triển của tỉnh.

Cần nhấn mạnh thêm rằng việc chậm nhịp phát triển đô thị hiện đại chứa đựng nguy cơ cản trở nỗ lực thu hút đầu tư công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp cao của Quảng Trị trong giai đoạn tới, sẽ tiềm tàng những hệ lụy phát triển “tiêu cực” do việc tiếp tục logic công nghiệp hóa “cổ điển”, không tạo lan tỏa lợi ích việc làm, thu nhập cho dân cư địa phương và cho cả ngân sách tỉnh.

Thứ tư, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch đặc sắc của tỉnh chưa được phát huy.

Quảng Trị có những lợi thế đặc biệt để phát triển du lịch đẳng cấp. Là mảnh đất hứng chịu tất cả những tàn khốc bậc nhất của chiến tranh, cũng là nơi đứng hàng đầu trong việc minh chứng cho ý chí và năng lực chống chịu phi thường của con người - mà Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ và đặc biệt là các nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng vạn anh hùng liệt sĩ - chính là di sản đích thực của loài người. Quảng Trị xứng đáng là tượng đài vinh quang, là biểu tượng Hòa bình của loài người.

Quảng Trị là vùng đất biểu tượng cho lịch sử chia cắt và thống nhất đất nước. Sông Bến Hải, sông Thạch Hãn…đã trở thành sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến giải phóng và thống nhất đất nước. Quảng Trị cũng là mảnh đất của tâm linh: Hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị... là những vùng đất thiêng. Quảng Trị có thể trở thành điểm hội tụ tâm linh, mời gọi cả thế giới đến hưởng phúc lành.

Quảng Trị là mảnh đất nằm trong chuỗi “Di sản thế giới của miền Trung” - từ Quảng Bình “đệ nhất hang động”, qua Quảng Trị, đến Huế - di sản Cố đô, xuyên qua Đà Nẵng, Quảng Nam với Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Liên kết chuỗi tài nguyên du lịch - di sản lịch sử quý báu đó, Quảng Trị sẽ khẳng định vai trò nổi bật của mình trong liên kết vùng với tầm vóc thế giới.

Nhưng cho đến nay, lợi thế, tiềm năng to lớn đó vẫn chưa biến thành lợi thế cạnh tranh để chuyển thành lợi ích phát triển hiện thực cho Quảng Trị. Cũng có nghĩa là dư địa phát triển của tỉnh còn rất lớn.

Tầm nhìn quy hoạch phát triển Quảng Trị trong giai đoạn tới

Cách tiếp cận chung: Nền tảng và định hướng phát triển chiến lược của Quảng Trị cơ bản đã định hình. Tuy nhiên, xác định rõ chân dung phát triển của Quảng Trị trong 10 năm, 30 năm tới trong một thế giới biến đổi nhanh theo những xu hướng lớn nhưng bất thường và bất định là vấn đề cần được ưu tiên làm rõ.

Chân dung phát triển, trong tầm nhìn chiến lược được dựng lên bằng khả năng dự báo chiến lược kết hợp với định hướng bản sắc phát triển - đều có nền tảng là những xu thế lớn, có trục chính cơ bản ổn định (xu thế công nghệ, xu thế hội nhập - cạnh tranh quốc tế, xu thế biến đổi khí hậu). Trong khi đó, các yếu tố bất ổn, bất thường, bất định cũng là một đặc trưng cơ bản của bối cảnh phát triển hiện đại, lại tác động mạnh đến các giải pháp thực hiện tầm nhìn.

Quan điểm:

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các quan điểm phát triển của địa phương trong giai đoạn tới. Trong bài viết này, chỉ xin đề xuất nhấn mạnh 2 quan điểm.

Một là, quan điểm “Đột phá mạnh, tạo bứt phá - tiến vượt”. Quảng Trị vẫn là tỉnh đi sau, công cuộc hiện đại hóa chỉ mới bắt đầu trong khi cơ hội bùng nổ -tiến vượt đang đặt ra. Việc thực thi quan điểm này sẽ giúp cách tiếp cận chiến lược sát hợp với các điều kiện và mang tính khả thi, tạo được động lực mạnh để giải quyết vấn đề phát triển trên một số tuyến ưu tiên, ví dụ như đô thị hóa (Đông Hà - hội nhập phát triển hiện đại với sân bay); phát triển cụm đô thị- cảng biển-công nghiệp (Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị); đẩy mạnh phát triển ngành du lịch đặc sắc và đẳng cấp trong chuỗi liên kết miền Trung,…

Hai là, quan điểm “Phát triển dựa vào liên kết quốc tế và hội tụ sức mạnh khu vực”. Quy mô của Quảng Trị không lớn, không gian phát triển khá hạn chế. Khả năng phát huy cao độ các lợi thế, thực hiện tiến vượt của tỉnh chỉ có thể đạt được với quan điểm phát triển liên kết và hội tụ sức mạnh.

Cách tiếp cận “đánh mượn sức” của Quảng Trị trong giai đoạn tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi một trong những trọng tâm phát triển công nghiệp của tỉnh là “năng lượng tái tạo” (cần vốn lớn và công nghệ hiện đại), khi nhiều địa phương khác đang sở hữu những lợi thế to lớn và đà phát triển rất mạnh trong lĩnh vực này. Quảng Trị hoàn toàn có thể (và phải biết) biến những lợi thế và đà phát triển đó thành lợi thế phát triển của chính mình. Đây chỉ là tiếp tục cách tiếp cận phát triển khôn ngoan đã được Quảng Trị thực hiện khá thành công trong giai đoạn trước nhưng được nâng lên tầm cao mới.

Một cách tương tự, Quảng Trị cần nỗ lực cao nhất của chính mình, tạo sức mạnh cộng hưởng trong liên kết vùng để phát triển ngành mũi nhọn là du lịch với rất nhiều lợi thế đặc biệt cũng như lợi ích cho đông đảo người dân mà sự phát triển này mang lại.

Quan điểm này đòi hỏi Quảng Trị không chỉ quan tâm đến hạ tầng giao thông kết nối trong nước, kết nối với các tỉnh lân cận mà còn phải tập trung phát triển, thậm chí ở mức ưu tiên hạ tầng số, kết hợp với việc nối đường bay quốc tế đến tọa độ “điểm đến quốc tế ưu tiên” của Quảng Trị trong mối liên kết phát triển (ít nhất là) với các tỉnh lân cận Quảng Bình, Thừa Thiên Huế cũng có rất nhiều lợi thế và đang trong xu thế bùng nổ phát triển hiện đại.

Lựa chọn mục tiêu ưu tiên để thực hiện quy hoạch

Đây là điểm mấu chốt để biến quy hoạch với tầm nhìn dài hạn trở thành hiện thực, khả thi. Đối với Quảng Trị, căn cứ vào các điều kiện phát triển thực tế, các vấn đề lớn (chiến lược) đang đặt ra cũng như các định hướng, các dự cảm mang tính trực giác về tương lai, có thể xác định một số hướng và tọa độ phát triển ưu tiên của tỉnh trong giai đoạn tới như sau:

- Ưu tiên thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi.

- Ưu tiên phát triển đô thị Đông Hà gắn với xây dựng sân bay - đô thị hiện đại - đẳng cấp (đô thị thông minh + bản sắc văn hóa), phù hợp với định hướng phát triển đẳng cấp, quy mô dân số và các điều kiện bảo đảm (ví dụ nước sạch) của tỉnh. - Xây dựng Tổ hợp Đô thị - Cảng biển - Công nghiệp hiện đại tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đây là một trọng điểm phát triển, có sứ mệnh tạo đột phá phát triển mạnh ở vùng cực Nam của tỉnh.

- Xây dựng Quảng Trị thành Trung tâm Du lịch bản sắc và đẳng cấp quốc tế. Đây là nhiệm vụ tạo thương hiệu phát triển quốc gia - vùng, là chương trình ưu tiên trong tổng thể chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Chưa có điều kiện trình bày các luận cứ, luận chứng cụ thể phục vụ các đề xuất trên, song toàn bộ nội dung phân tích thực tiễn phát triển của Quảng Trị và cách tiếp cận đều theo một mạch logic nhất quán với chúng. Tất cả những đề xuất trên đây quy tụ về một giải pháp ưu tiên chiến lược: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch, với năng lực quản trị tốt của chính quyền tỉnh để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn “nhập cư” về Quảng Trị, coi Quảng Trị là “miền đất vàng” của họ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

BĐBP Quảng Trị: Triệt xóa nhiều tụ điểm ma túy ở vùng biên

Mạnh Hùng |

Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, chỉ trong vòng 1 tuần, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Quảng Trị đã triệt phá 2 tụ điểm ma túy hoạt động tinh vi trên địa bàn biên giới, bắt giữ 7 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.

Tham vấn chiến lược giai đoạn 2023-2027 của tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam tại Quảng Trị

Tú Linh |

Ngày 21/6, Sở Ngoại vụ Quảng Trị phối hợp với tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (WVI) họp tham vấn chiến lược 5 năm (2023-2027) nhằm hỗ trợ WVI nắm bắt các nhu cầu, cơ hội hợp tác của cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như hoàn thiện dự thảo chiến lược để tạo tiền đề cho việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức WVI với tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và CDC Quảng Trị

Thanh Hải |

Ngày 21/6, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng đến thăm và làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Trị) về tình hình chăm sóc sức khỏe Nhân dân 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự buổi làm việc.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa và những kỷ niệm về Quảng Trị

Nguyễn Việt Hà |

NSND Thanh Hoa là một nữ ca sĩ lớn của Việt Nam, được giới âm nhạc ví như cây đại cổ thụ che bóng mát cả một khoảng trời nghệ thuật Việt Nam. Thanh Hoa luôn được bao thế hệ người Việt Nam yêu thích và mến mộ bởi giọng ca truyền cảm về tình yêu quê hương, đất nước và cuộc sống- con người mãnh liệt. Đặc biệt với quê hương Quảng Trị, NSND Thanh Hoa đã có một số lần đến thăm, biểu diễn và có những kỷ niệm đẹp ghi dấu trong sự nghiệp âm nhạc của mình.