Kịp thời trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Tân Nguyên |

Từ đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, phòng, chống COVID-19, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm tháo gỡ.


Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực chưa hoàn thiện và còn chồng chéo; giá vật liệu xây dựng biến động và khan hiếm; xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài bị chậm… thì nội bộ doanh nghiệp (DN) cũng đang gặp không ít khó khăn. Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ, tiềm năng tài chính chưa mạnh, chiến lược kinh doanh còn thiếu tính lâu dài. Các DN sản xuất, chế biến sản phẩm chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng. DN nhỏ tại địa phương gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra sản phẩm, nhất là tại các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Sự phối hợp, hợp tác từ phía DN và các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hiệu quả; các DN chưa tuân thủ chế độ báo cáo hằng tháng, quý, năm để các cơ quan quản lý nắm bắt và có hướng xử lý kịp thời. Năng lực tổ chức sản xuất, quản lý điều hành, xúc tiến tìm kiếm thị trường của nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế; vai trò “bà đỡ”, hỗ trợ nông dân để thực hiện liên kết với DN chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả.

Mặc dù gặp khó khăn do COVID-19 nhưng Công ty CP gỗ MDF Quảng Trị vẫn duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh - Ảnh: T.N
Mặc dù gặp khó khăn do COVID-19 nhưng Công ty CP gỗ MDF Quảng Trị vẫn duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh - Ảnh: T.N

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa bắt kịp với nhu cầu của sản xuất, của DN, thiếu các lớp đào tạo về ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ năng tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại. Chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong khi địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên sản xuất nông nghiệp dễ gặp tổn thương và rủi ro, khả năng thu hồi vốn bị ảnh hưởng, khó thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Trên lĩnh vực tài chính, mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN. Hiện tại, nhiều DN vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn trong khi các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận. Mặt khác, COVID-19 vẫn diễn biến ngày càng khó lường, các quy định về phòng, chống dịch bệnh được thắt chặt nên các ngành du lịch, kinh doanh phục vụ và hoạt động của các cơ sở lưu trú bị hạn chế. Do đó, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để DN vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong giai đoạn này.

Đồng thời, việc tiếp cận nguồn vốn từ các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp gặp nhiều khó khăn do các quy định, điều kiện để được hưởng khó thực hiện. Thủ tục, thời gian xét duyệt vốn vay còn khá phức tạp, khó xác định thời gian trả nợ của các DN, chính vì thế các DN vừa và nhỏ trên địa bàn hầu như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ.

Mặc dù các DN đã chủ động phòng ngừa và có phương án SX-KD để hạn chế thiệt hại nhưng khó khăn vẫn đang chồng chất. Hầu hết các DN, cơ sở SX-KD đều thiếu vốn duy trì sản xuất, nhập nguyên vật liệu đầu vào. Vì thế, trong quá trình thực hiện một số công trình, dự án do gặp khó khăn về tài chính nên có một số DN không thực hiện đúng tiến độ cam kết đăng ký đầu tư, chưa đăng ký thực hiện đầy đủ các thủ tục hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên phần lớn các nhà đầu tư chưa được hưởng đầy đủ các nội dung ưu đãi đầu tư theo quy định của chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Một số DN khó khăn khi tiếp cận và thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ để được hưởng từ nguồn khuyến công quốc gia, khuyến công của tỉnh.

Trước những khó khăn trên, để “tiếp sức” cho DN, trên lĩnh vực tài chính, tín dụng cần kịp thời có các gói tín dụng hỗ trợ cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh như giãn nợ, gia hạn thời gian nộp thuế, hạ lãi suất tiền vay..., hỗ trợ cho DN tiếp tục được tiếp cận dòng vốn của ngân hàng khi hàng hóa bị tồn kho không bán được nhưng vẫn tiếp tục sản xuất. Ban hành chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng vì hiện nay các DN du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi. Các ngân hàng hiện nay mới áp dụng việc giảm lãi suất cho vay 1- 2% hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và thuộc diện được tái cơ cấu, chưa có chính sách lùi thời gian trả lãi suất cho vay.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân SXKD trong làng nghề, cụm công nghiệp vay vốn để phát triển SX-KD theo Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn do COVID-19 vay vốn SX-KD.

Bên cạnh đó, kịp thời kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hướng dẫn thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ; rà soát, kiến nghị Chính phủ xem xét cho giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021.

Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục áp dụng Thông tư số 112/2020/TTBTC ngày 29/12/2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với COVID-19 đến hết ngày 31/12/2021. Có chính sách khuyến khích đầu tư vào Khu KTTMĐB Lao Bảo về cơ sở hạ tầng, các chính sách sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, chính sách về thuế.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát triển Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam)-Densavanh (Lào) để có cơ sở xây dựng các chương trình phát triển thương mại, dịch vụ của địa phương. Khảo sát, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistics để hỗ trợ các DN bảo quản, lưu thông và các dịch vụ phục vụ đưa hàng hóa qua lại khu vực cửa khẩu… Có như vậy mới kịp thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, tổ chức SX-KD để thực hiện “mục tiêu kép” một cách hiệu quả.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu

Diệu Anh |

Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đang khẩn trương lên kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả song song với bảo đảm phòng, chống dịch.

Các doanh nghiệp ở Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động

Huyền Trang |

Ngày 6/10, đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, với sự khởi động của thị trường tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất trong trạng thái "bình thường mới", dự báo lượng các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 50.000 người lao động.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp không báo cáo tiến độ triển khai dự án

Thanh Tuyền |

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tiến độ triển khai dự án đầu tư định kỳ theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp

Phạm Tiếp |

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lây lan khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải phong tỏa, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.