Liên kết sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho gỗ rừng trồng và cao su

Thanh Trúc |

Xác định nông nghiệp- nông dân- nông thôn là định hướng phát triển SX-KD chủ lực, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai liên kết, thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản của tỉnh. Trong đó, việc liên kết thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng, đặc biệt là gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FCS) và mủ cao su đã giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân.


Quảng Trị là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 16.176 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC, trong đó các hợp tác xã và nhóm hộ gia đình tham gia chứng chỉ là hơn 2.984 ha.

Nhiều năm qua, cùng với các doanh nghiệp khác, Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ trực thuộc công ty đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC, ký cam kết bao tiêu sản lượng gỗ có chứng chỉ của hội viên Hội Chứng chỉ rừng Quảng Trị nói chung và các hợp tác xã nói riêng.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ - Ảnh: B.B
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ - Ảnh: B.B

Theo đó, nguồn gỗ có chứng chỉ FSC được Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ thu mua để phục vụ cho việc chế biến, cưa xẻ, sấy gỗ xuất khẩu.

Đồng thời, các phụ phẩm khai thác rừng, phụ phẩm trong sản xuất, chế biến gỗ như mùn cưa, dăm bào, dăm gỗ, mẩu gỗ vụn, cành cây nhỏ chính là nguồn nguyên liệu có lợi thế để phục vụ sản xuất viên gỗ nén trên dây chuyền hiện đại.

Đồng thời tạo động lực để nhà máy cải tiến kỹ thuật, đưa ra các sản phẩm sử dụng nhiên liệu sinh khối áp dụng trong sản xuất công nghiệp và đời sống.

Từ năm 2015, Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ và UBND huyện Cam Lộ đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển rừng FSC trên địa bàn huyện với diện tích 1.500 ha.

Tháng 6/2015, nhà máy và Hội Chứng chỉ rừng Quảng Trị cũng đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển rừng FSC và đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các hộ dân trồng rừng có chứng chỉ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhà máy đã thu mua trên 50.000 tấn gỗ có chứng chỉ FSC của gần 200 hộ dân cung cấp.

Triển khai liên kết phát triển rừng theo hướng quản lý bền vững với các hộ dân, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã hỗ trợ 100% kinh phí để tập huấn về mặt kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật lâm sinh và khai thác.

Hỗ trợ cây giống, hỗ trợ tư vấn đào tạo cho người trồng rừng có chứng chỉ và bao tiêu sản phẩm gỗ rừng cho người dân.

Đến nay, công ty đã thu mua hơn 200.000 tấn gỗ rừng cho người dân, trong đó có khoảng 50.000 tấn gỗ FSC được mua với mức gia chênh lệch từ 10%-18% so với gỗ thông thường cùng chất lượng, đặc biệt thu mua gỗ non bị đổ ngã do bão.

Chị Hồ Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ cho biết: “Việc nhà máy liên kết thu mua nguyên liệu gỗ rừng có chứng chỉ FSC giúp người dân được hưởng lợi và yên tâm về đầu ra sản phẩm, đồng thời doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có thể áp dụng các tiêu chí mong muốn về chất lượng nguyên liệu để đáp ứng như cầu sản xuất”.

Vườn ươm giống cây trồng đạt chuẩn của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị - Ảnh: T.T
Vườn ươm giống cây trồng đạt chuẩn của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị - Ảnh: T.T

Về lâu dài, với việc mở rộng sản xuất và nâng cấp dây chuyền thiết bị hiện đại, cùng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, công ty định hướng xây dựng vườn ươm, liên kết với các vườn ươm có uy tín trên địa bàn để cung cấp nguồn giống cây lâm nghiệp có chất lượng đến với người dân trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và bao tiêu sản phẩm cho người trồng rừng.

Tiếp tục đồng hành hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xây dựng vùng nguyên liệu theo các tiêu chí rừng có chứng chỉ theo hướng đa dạng các loại chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện canh tác của người dân địa phương và yêu cầu thị trường.

Ngoài liên kết bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC, nhiều năm qua, Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ thường xuyên đồng hành với người trồng cao su ở các địa phương trong việc bao tiêu sản phẩm mủ cao su.

Từ năm 2018, nhà máy đã phối hợp với Dự án Viện Mê Kông và Chi cục Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thành lập các tổ, nhóm liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, đã triển khai liên kết nhóm hộ sản xuất cao su bền vững với 5 nhóm hộ trồng cao su tiểu điền tại các xã Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Hiếu của huyện Cam Lộ.

Mỗi nhóm hộ có 15-30 hộ thành viên, thỏa thuận cung cấp mủ nguyên liệu cho nhà máy với diện tích khoảng 30 ha cao su/nhóm, bình quân cung ứng khoảng 7 tạ-1 tấn mủ nước/nhóm/ngày cho nhà máy.

Ngoài việc thu mua mủ cho nông dân, nhà máy còn hỗ trợ thuốc chống đông, máng che mưa và tập huấn kỹ thuật khai thác cho các hộ thành viên trong nhóm đã ký thỏa thuận.

Ông Nguyễn Bá Tài, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ cho biết: “Với sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của nhà máy, những hộ ở gần thì trực tiếp chở mủ đến nhập, còn đối với những địa bàn ở xa, người dân bán sản phẩm của mình thông qua tổ hợp tác. Việc làm này đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả hai phía, người dân được bán mủ trực tiếp, được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm làm ra mà không phải chia sẻ lợi ích với khâu trung gian. Với doanh nghiệp thì tìm được nguồn hàng ổn định lâu dài với chất lượng cao, đồng đều, đảm bảo yêu cầu của các đối tác”.

Từ việc hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật và tổ chức thu mua qua nhóm hộ, nhà máy đã mở ra hướng đi bền vững, bao tiêu sản phẩm, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành chuỗi liên kết giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đây là việc làm thực sự có ý nghĩa, làm cho người trồng cao su tiểu điền rất phấn khởi và nhà máy có được sản phẩm tốt, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Chị Lê Thị Nga, ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho biết: “Gia đình tôi chỉ trồng 1 ha cao su, hằng ngày có người đến tận nơi thu gom mủ để nhập cho Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ nên không phải mất công đi lại và yên tâm về đầu ra ổn định”.

Quy trình sản xuất hiện đại tại Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ - Ảnh: T.T
Quy trình sản xuất hiện đại tại Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ - Ảnh: T.T

Để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, đơn vị mở rộng thu mủ cao su cho người dân ở các địa phương như Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa và các tỉnh như Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lai Châu, thậm chí mở rộng địa bàn thu mua sang nước bạn Lào. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, nhà máy thu mua hơn 3.500 tấn mủ các loại.

Với việc liên kết chặt chẽ với người trồng rừng có chứng chỉ FSC, người trồng cao su ở các địa phương, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã góp phần quan trọng tham gia vào quá trình sản xuất của nông dân trong các công đoạn quan trọng.

Đó là ứng trước vật tư, hướng dẫn quy trình sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm và thực hiện bao tiêu toàn bộ hàng hóa theo mức giá do doanh nghiệp và người dân thỏa thuận từ đầu vụ. Nhờ đó đã phát huy hiệu quả chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích và hỗ trợ nhau phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

20 tỉ đồng thực hiện dự án nhà máy thu mua và chế biến nông sản ở Cam Lộ

Hà Trang |

Ngày 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng ký ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Lao Bảo Electronics (địa chỉ tại khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) thực hiện dự án Nhà máy thu mua và chế biến nông sản Huy Long.

“Cây sáng kiến” của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa

Hiếu Giang |

Không ngừng học tập, lao động và sáng tạo, những năm qua anh Lê Đức Vưỡng, Quản đốc xưởng sản xuất của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (thuộc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị) đã có nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến làm lợi hàng tỉ đồng cho nhà máy.

Công ty CP Nước sạch Quảng Trị đầu tư gần 74 tỉ đồng nâng cấp Nhà máy nước Tân Lương

PV |

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngày 23/6, Công ty CP Nước sạch Quảng Trị tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy nước Tân Lương, với tổng mức đầu tư gần 74 tỉ đồng.

Thiếu nước, 11 nhà máy thủy điện dừng hoạt động

An Ly |

Các hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo.