Mở ra con chữ, khép lại đói nghèo

Nhơn Bốn |

Từ bao đời nay, nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung lo đủ cái ăn, cái mặc chứ chưa thực sự chú trọng vào việc học. Có lẽ vì thế mà tỉ lệ người mù chữ ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn khá cao nên đói nghèo, lạc hậu vẫn luôn đeo đẳng nhiều phận đời nơi vùng sâu, vùng xa. Điều đáng mừng là khi được tham gia vào các lớp học xóa mù chữ, hàng nghìn đồng bào DTTS không chỉ biết đọc, biết viết mà còn từng bước vượt qua nghèo khó, mở ra một tương lai tươi sáng hơn...


Sáng lên rẫy, tối đến trường

Người đồng bào DTTS ở Quảng Trị chủ yếu tập trung ở huyện Đakrông, Hướng Hóa và tại một số xã phía Tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Nhiều năm qua, xuất phát từ đời sống kinh tế khó khăn, điều kiện học tập hạn chế nên đa số đồng bào DTTS chú trọng đến kế sinh nhai hơn là con chữ. Không ít người vì bỏ lỡ việc học từ bé nên khi trưởng thành lại ngại ngần khởi đầu cho việc học.

Người mù chữ ở vùng đồng bào DTTS không chỉ có nữ giới mà nam giới cũng chiếm số đông, họ đa phần đã lập gia đình, lên chức bố, mẹ, ông, bà. Với họ, việc bắt đầu đến trường học chữ khi con cái đã trưởng thành là điều gì đó cảm thấy xấu hổ, tự ti.

Để giải quyết thực trạng mù chữ trên địa bàn tỉnh nói chung và đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS nói riêng, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) tỉnh đã chỉ đạo các ban chỉ đạo PCGD, XMC cấp huyện triển khai thực hiện.

Đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý những vướng mắc liên quan đến công tác PCGD, XMC ở cấp cơ sở. Sự vào cuộc quyết liệt từ ban chỉ đạo PCGD, XMC các cấp, các thành viên, đơn vị liên quan đã đem đến hiệu quả cao trong công tác XMC.

Tính đến đầu tháng 2/2024, toàn tỉnh có 485.757 người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 1, đạt tỉ lệ 99,29% và 481.677 người biết chữ mức độ 2, đạt tỉ lệ 98,50%. Toàn tỉnh có 125/125 xã đạt mức độ 2 và tỉnh Quảng Trị đạt mức độ 2 về XMC.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh tổ chức rất nhiều lớp XMC, đặc biệt là ở huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Các lớp XMC đã đem lại hiệu quả thiết thực và nổi bật trong số đó là lớp XMC được triển khai gần 2 năm nay tại Trường Tiểu học và THCS Xy, xã Xy, huyện Hướng Hóa.

Học viên lớp xóa mù tại điểm Trường Tiểu học và THCS Xy, xã Xy, huyện Hướng Hóa rất chăm chỉ, nghiêm túc học tập- Ảnh: N.B
Học viên lớp xóa mù tại điểm Trường Tiểu học và THCS Xy, xã Xy, huyện Hướng Hóa rất chăm chỉ, nghiêm túc học tập- Ảnh: N.B


Xã Xy là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Hướng Hóa, toàn xã có 3 thôn gồm: Ra Man, Ra Po, Troan La Reo với 511 hộ dân và gần 2.600 nhân khẩu, tỉ lệ người dân mù chữ nơi đây vẫn còn khá cao.

Nhằm giải quyết thực trạng mù chữ cho người dân trong xã, Ban Chỉ đạo PCGD, XMC huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo PCGD, XMC xã Xy, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Xy phối hợp với Trường Tiểu học và THCS Xy mở được hai lớp XMC dành cho 46 học sinh là nữ giới ở hai thôn Ra Man và Troan La Reo. Hai lớp XMC này được mở từ tháng 7/2023, đến nay học viên đang học giai đoạn 2 kỳ 4 (tương đương với chương trình lớp 4).

Từ ngày tham gia lớp XMC, ban ngày các học viên nữ đã sắp xếp hợp lý việc nhà, chăm con và lên rẫy mưu sinh từ tờ mờ sáng rồi tranh thủ về khi mặt trời chưa tắt để còn kịp giờ đến lớp. Dẫu 19 giờ mới vào học nhưng từ 18 giờ 30 phút, các học viên đã có mặt tại lớp để ôn lại kiến thức đã học.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Xy, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Xy Nguyễn Thị Hồng thông tin, 1 tuần lớp học XMC sẽ học 5 buổi, mỗi buổi 5 tiết, mỗi tiết 40 phút và bắt đầu từ 7 giờ tối. Nhà trường đã bố trí 5 giáo viên thay nhau trong tuần để lên lớp giảng dạy cho 46 học viên. Giáo viên sẽ giảng dạy theo kế hoạch bài dạy, biên soạn thêm để phù hợp với đối tượng. Ngoài ra, giáo viên còn nắm bắt tốt tâm lý của học viên để quan tâm, động viên, khuyến khích chị em vượt qua tự ti, mặc cảm. Hiện nay, tất cả 46 học viên đã biết đọc, biết viết thông thạo, biết tính toán, áp dụng kiến thức vào cuộc sống.

Hướng về phía mặt trời

Nhiều học viên đồng bào DTTS tham gia các lớp xóa mù đã ví von rằng những tháng ngày dài khi chưa biết chữ đối với họ như là bóng tối vô hình bao trùm lấy mọi thứ, khiến họ không xác định được mục tiêu rõ ràng cho tương lai. Thêm vào đó là sự tự ti, mặc cảm, lạc hậu so với sự phát triển không ngừng của cộng đồng, xã hội.

Chị Hồ Thị Bảo, ở thôn Troan La Reo, xã Xy, huyện Hướng Hóa tự tin ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi dê - Ảnh: N.B

Các lớp học XMC đã mở ra cho họ một tương lai tươi sáng hơn với bao ước mơ, hoài bão. Từ những người không biết chữ, phải dùng tay điểm chỉ mỗi khi đi làm các thủ tục, giấy tờ thì nay các chị, các mẹ đã biết viết, đọc, hiểu và tự ký tên của mình.

Việc học như mở ra một bầu trời rộng lớn về tri thức, thế giới quan, nhân sinh quan và khiến các chị, các mẹ thấy cuộc sống thú vị hơn. Giờ đây, các chị, các mẹ không chỉ biết tính toán giá cả buồng chuối, bao sắn, con gà, quả bí... mà còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và xa hơn nữa là họ đã biết “lập trình” tương lai của mình.

“Từ một người không biết chữ, sau hơn một năm theo học lớp xóa mù, tôi đã biết đọc, biết viết, tính toán khá thông thạo. Giờ đây, tôi đã biết dạy cho con nhỏ học bài, nắm bắt giá cả thị trường để kinh doanh nông sản. Sắp tới, tôi sẽ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi dê, bò, gia cầm và đặc biệt là sử dụng phân bón, cải tạo đất để canh tác 5 sào lúa nước, hơn 2 ha sắn theo hướng bền vững nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế”, chị Hồ Thị Bảo, thôn Troan La Reo, xã Xy, huyện Hướng Hóa tự tin chia sẻ.

Ở vùng đồng bào DTTS bây giờ, tỉ lệ người mù chữ ngày càng ít dần và rồi những lớp xóa mù mới sẽ được triển khai để tiếp tục góp phần giúp người dân nơi đây khép lại đói nghèo, hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của công tác XMC trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCGD, XMC tỉnh, Trưởng Ban xây dựng xã hội học tập tỉnh Hoàng Nam cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 18/3/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch PCGD, XMC năm 2021 đến năm 2025.

Tập trung XMC cho người lớn, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các TTHTCĐ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nhằm phổ biến kiến thức cho người dân, nhất là về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và dạy nghề, phổ biến kiến thức văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Ngành GD&ĐT tiếp tục chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PCGD, XMC; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận các đơn vị đạt chuẩn PCGD, XMC.

Đồng thời, tăng cường công tác khảo sát, điều tra, vận động đối tượng trong diện XMC tham gia các lớp học nhằm nâng cao chất lượng XMC và chống tình trạng tái mù chữ ở địa phương. Đối với các xã khu vực biên giới phối hợp bộ đội biên phòng cùng tham gia. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, xác định PCGD, XMC là công việc thường xuyên.

Hằng năm, các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả PCGD, XMC đảm bảo chất lượng, tổ chức hội nghị giao ban về công tác PCGD, XMC, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp phù hợp với địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích người dân tự nguyện tham gia thực hiện chủ trương XMC để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức khuyến học trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, lực lượng vũ trang trên phạm vi toàn tỉnh; phát huy vai trò nòng cốt của hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đakrông thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo

Lê Minh |

Những năm qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã phát huy hiệu quả nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ người dân nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Minh Long |

Xác định công tác an sinh xã hội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm chăm lo cho người nghèo. Qua đó, hỗ trợ, động viên cho những đối tượng yếu thế về vật chất lẫn tinh thần, tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.

Cả nước còn 14 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã nông thôn mới”

Hà Trang |

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với một số bộ, ngành trung ương và 63 địa phương để đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

“Giữ lửa” nồi cháo yêu thương cho bệnh nhân nghèo

Hiếu Giang |

Nhiều năm nay, có một mô hình nấu cháo cấp phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo được “giữ lửa” bền bỉ bởi một chi hội phụ nữ cơ sở với những thành viên tâm huyết. Đó là mô hình “Nồi cháo yêu thương” của Chi hội Phụ nữ Khu phố 2, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Từ tấm lòng của chị em, đã có hàng chục nghìn suất cháo nghĩa tình, bổ dưỡng đến với bệnh nhân, thân nhân có hoàn cảnh khó khăn.