Nhận thấy lợi thế ở địa phương có nguồn chuối quả mật mốc dồi dào, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng; xu thế thị hiếu khách hàng hiện nay ưu tiên hướng đến những mặt hàng từ nông sản sạch nguyên chất nên vợ chồng anh Lê Hoài Chánh và chị Trần Thị Như Hằng ở thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) quyết tâm nghiên cứu, đầu tư khởi nghiệp bằng mô hình chuối sấy dẻo.
Mặc dù đưa ra thị trường chưa lâu, nhưng với chất lượng sản phẩm đảm bảo, được khách hàng ưa chuộng nên sản phẩm này đang hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP của địa phương.
Anh Chánh là cán bộ kỹ thuật cho các công ty điện gió, còn chị Hằng mở quán nấu cháo dinh dưỡng phục vụ cho trẻ ở xã. Sau nhiều năm trăn trở, tìm hướng tạo lập mô hình phát triển kinh tế bền vững, đầu năm 2023, anh chị gom số tiền tích cóp được, vay mượn thêm để đầu tư một máy sấy lạnh với kinh phí trên 150 triệu đồng để chế biến chuối quả.
Xác định hướng đi này là “trái nghề” nhưng với quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế, anh chị tìm tòi, nghiên cứu qua internet, học hỏi từ các địa phương khác rồi mày mò làm thử những mẻ chuối sấy đầu tiên.
Thời gian đầu anh chị gặp không ít khó khăn do vốn ít, kinh nghiệm chưa có nên không tránh khỏi những mẻ chuối sấy bị hư, không đạt yêu cầu nhưng vẫn kiên trì làm cho kỳ được. Sau gần nửa năm vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, anh chị đã cho ra lò thành công sản phẩm mang nhãn hiệu “Chuối sấy dẻo Long Việt”.
Đối với quy trình sản xuất chuối sấy dẻo, khâu quan trọng hàng đầu đó là lựa chọn kỹ sản phẩm đầu vào và làm tốt quá trình sơ chế nguyên liệu. Chuối mật mốc phải được lựa chọn kỹ, kích cỡ và độ chín vừa phải, đạt chất lượng. Sơ chế sạch vỏ ngoài lẫn màng bọc để sản phẩm không bị chát. Nhằm đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm ổn định, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nghiên cứu thêm nên trong giai đoạn đầu, anh chị tự tay làm cho đến khi sản phẩm hoàn toàn ổn định mới nghĩ đến việc thuê nhân công.
Công suất hiện tại của máy sấy, bình quân 1 mẻ sấy khoảng 3 tạ quả tươi, quy trình sấy 22 giờ. Quá trình sấy chuối, anh chị theo dõi chặt chẽ để điều chỉnh lượng nhiệt phù hợp cho từng giai đoạn. Bình quân mỗi tạ chuối mật mốc tươi sẽ cho hơn 20 kg sản phẩm sấy dẻo. Bằng kỹ thuật này, sản phẩm giữ được nguyên chất, hương thơm cũng như vị ngọt tự nhiên của chuối mật mốc địa phương.
Nhờ thế, mặc dù mới chính thức cho ra thị trường hơn 1 tháng, chủ yếu thông qua kênh bán hàng online nhưng sản phẩm “Chuối sấy dẻo Long Việt” được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao, tiêu thụ hơn 1 tạ sản phẩm, với giá 100 nghìn đồng/kg.
Anh Chánh cho biết: “Chuối mật mốc được coi là sản phẩm chủ lực của địa phương, xuất khẩu chủ yếu là chuối xanh, còn chuối chín không có cơ sở tiêu thụ ổn định. Với loại nông sản có chất dinh dưỡng cao như chuối mà loại bỏ thì rất lãng phí. Vì vậy, chúng tôi lấy chuối làm sản phẩm trung tâm để phát triển sản xuất.
So với sấy nhiệt thì chi phí đầu tư máy móc cho máy sấy lạnh đắt hơn nhiều lần, kỹ thuật cũng đòi hỏi cao hơn. Thế nhưng bù lại sẽ cho ra sản phẩm đảm bảo giữ nguyên chất chuối mật mốc. Hơn thế nữa, với máy sấy nhiệt, chúng tôi còn có thể sản xuất thêm các mặt hàng từ nông sản sạch khác như trà bí đao, măng khô, mat cha trà xanh, bột rau củ quả sấy lạnh.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy móc để sản xuất chuối sấy giòn, làm phong phú thêm sản phẩm từ chuối mật mốc. Về lâu dài, chúng tôi hướng tới những mặt hàng từ nông sản sạch sẵn có của địa phương, vừa phù hợp nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho gia đình, vừa tiêu thụ nông sản cho nông dân”.
Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp sạch, chịu khó tìm tòi nghiên cứu, học hỏi quy trình sản xuất, tích cực tiếp cận thị trường, vợ chồng anh Chánh, chị Hằng bước đầu tạo dựng được cơ sở khá ổn định cho con đường khởi nghiệp, góp phần tiêu thụ sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu nông sản của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Túy cho hay: “Xác định được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Lập đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình đến các chủ thể sản phẩm để hiểu rõ lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn và tích cực tham gia chương trình.
Chủ động thành lập tổ tư vấn sản phẩm OCOP cấp xã nhằm khảo sát, đánh giá tính khả thi phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, hướng dẫn xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP. Qua tuyên truyền, vận động, hiện xã đang hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá, phân hạng đối với sản phẩm “Chuối sấy dẻo Long Việt”.
Đây là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, tận dụng thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có. Khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết khâu tiêu thụ cho thị trường chuối nói chung và thị trường chuối thành phẩm nói riêng trên địa bàn xã.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã rà soát, định hướng các sản phẩm chủ lực, có khả năng phát triển để tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP, khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)