Năng suất sắn trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, thấp hơn mức bình quân của cả nước

Thanh Trúc |

Cây sắn là một trong những cây trồng chính của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị). Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, năng suất cây sắn đạt thấp so với năng suất bình quân của cả nước. Cây sắn trồng trên đất dốc thuộc các huyện miền núi cũng có năng suất thấp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, diện tích trồng sắn mỗi năm từ 11.000 - 12.500 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông với gần 8.000 ha, chiếm gần 70% diện tích trồng sắn của cả tỉnh. Sắn chủ yếu được trồng thuần, một số ít diện tích được trồng xen với các loại cây trồng như lạc, ngô...

Người dân vùng Lìa, huyện Hướng Hóa thu hoạch sắn - Ảnh: T.T
Người dân vùng Lìa, huyện Hướng Hóa thu hoạch sắn - Ảnh: T.T

Mặc dù sắn là cây trồng quen thuộc với người dân nhưng do tập quán sản xuất sắn chủ yếu là quảng canh, ít có đầu tư, thâm canh nên năng suất sắn trong 5 năm gần đây đạt từ 154 -170 tạ/ha, thấp hơn so với năng suất bình quân cả nước (185 - 201 tạ/ha) và có xu hướng ngày càng giảm do sản xuất quảng canh, thời tiết bất lợi và sâu bệnh gây hại.

Sản lượng sắn từ năm 2019-2023 đạt từ 197.000 - 208.000 tấn/năm. Riêng với sắn trồng trên đất dốc ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, năng suất từ 140 - 150 tạ/ha, thấp hơn năng suất bình quân của cả tỉnh; sản lượng sắn bình quân đạt 120.000 tấn/năm, chiếm trên 60% sản lượng sắn của toàn tỉnh.

Người dân sử dụng chủ yếu giống sắn KM94 với tỉ lệ hơn 90%. Tuy nhiên, giống KM94 đã được sử dụng gần 30 năm nên đã thoái hóa, năng suất, chất lượng không ổn định, nhiễm nhiều đối tượng sâu bệnh như rệp sáp bột hồng, chổi rồng. Đặc biệt là diện tích nhiễm bệnh khảm lá do vi rút ngày càng tăng, làm giảm năng suất, hàm lượng tinh bột, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng sắn.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất 700 tấn sản phẩm/ngày đêm. Tuy nhiên, sản lượng sắn trên địa bàn tỉnh mới đảm bảo được 60% công suất các nhà máy, nên các đơn vị phải tổ chức thu mua từ Lào để đảm bảo sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy sắn chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Để duy trì ổn định vùng nguyên liệu sắn, phát triển sản xuất sắn theo hướng bền vững, đảm bảo ổn định diện tích sắn hàng năm 12.000 ha theo quy hoạch, sản lượng khoảng 200.000 - 220.000 tấn/năm, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành khảo nghiệm các giống sắn mới có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất chất lượng cao và ổn định, chống chịu được các đối tượng sâu bệnh hại chính, nhất là bệnh khảm lá do vi rút để thay thế dần giống KM94 đã thoái hóa.

Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh như không sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh, xử lý nguồn nấm bệnh trong đất bằng cách vệ sinh nương sắn, bón lót vôi bột và phân hữu cơ. Tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất sắn nói chung và sản xuất sắn trên đất dốc...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1.500 tỉ đồng

Hà Trang |

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực và ngành hàng sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quảng Trị: Nông dân phấn khởi vì giá sắn tăng cao

Hiếu Giang |

Hiện đang là thời kỳ cuối vụ thu hoạch sắn tại các địa phương miền núi của tỉnh. Năm nay, giá sắn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Đây là giá sắn cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khiến nông dân rất vui mừng vì có thu nhập cao để chuẩn bị đón tết Nguyên đán sắp tới, nhất là các địa bàn vùng khó như Hướng Hóa, Đakrông.

“Cây sáng kiến” của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa

Hiếu Giang |

Không ngừng học tập, lao động và sáng tạo, những năm qua anh Lê Đức Vưỡng, Quản đốc xưởng sản xuất của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (thuộc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị) đã có nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến làm lợi hàng tỉ đồng cho nhà máy.