Ngư dân “mở biển” đầu năm

Lê An |

Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, thời điểm này, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang rộn ràng “mở biển” với ước muốn một năm mưa thuận gió hòa, hải sản đầy khoang.

Ngư dân bãi ngang thu tiền triệu mỗi ngày

Do thời tiết những ngày đầu năm 2022 không thuận lợi nên năm nay, từ ngày 11/2 (tức 11 tháng Giêng) ngư dân các xã ven biển bãi ngang mới bắt đầu ra quân “mở biển”. Ngay từ những chuyến biển đầu năm nhiều ngư dân đã trúng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị cao như cá cháo, mực nang, sứa, nuốt… Theo chia sẻ của ngư dân, mặc dù sản lượng đánh bắt ít hơn so với thời điểm này năm trước nhưng bù lại giá bán cao hơn so với bình thường nên ngư dân rất phấn khởi. Tại bãi biển thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, trao đổi với với chúng tôi khi đang ăn vội bữa cơm ngay trên bờ biển để tiếp tục ra khơi đánh bắt, ngư dân Nguyễn Thanh Hải ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang phấn khởi cho biết, Tết năm nay thời tiết không thuận lợi, biển động mạnh nên phải đến sáng ngày 11 tháng Giêng ông mới bắt đầu ra khơi. Bình quân mỗi chuyến biển ông đánh bắt được từ 20 - 30 kg cá cháo, 30 - 40 kg sứa, nuốt. Với giá bán tại bờ từ 120.000 - 130.000 đồng/kg cá cháo, 20.000 đồng/kg sứa, nuốt, trừ chi phí ông và bạn thuyền cùng đi thu được hơn 1,5 triệu đồng mỗi người. “Thời tiết sau Tết đến nay cơ bản khá thuận lợi, các loại thủy, hải sản cũng bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là giá bán khá cao nên ngư dân chúng tôi rất phấn khởi. Hy vọng một mùa biển sung túc, ấm no”, ông Hải vui vẻ nói.

Ngư dân xã bãi ngang Trung Giang, huyện Gio Linh ra khơi đánh bắt đầu năm - Ảnh: L.A
Ngư dân xã bãi ngang Trung Giang, huyện Gio Linh ra khơi đánh bắt đầu năm - Ảnh: L.A

Cách đó không xa, trao đổi với chúng tôi khi vừa bán xong cho thương lái gần 10 kg cá cháo vừa đánh bắt được, ngư dân Hồ Hiện cho biết, năm nay ông ra khơi muộn hơn mọi năm vì trời mưa lạnh, biển động mạnh nhưng chuyến biển đầu năm khá thuận lợi. Chỉ chưa đầy 5 giờ đồng hồ ra khơi, ông đã thu được gần 10 kg cá cháo. Với giá bán tại bến 130.000 đồng/kg, trừ chi phí ông bỏ túi gần 1 triệu đồng. Tranh thủ thời tiết đang thuận lợi trước đợt không khí lạnh tăng cường mới nên sau khi nghỉ ngơi, tiếp thêm nhiên liệu, ông tiếp tục dong thuyền vươn khơi. “Chuyến biển đầu năm mà thuận lợi, cá nhiều, được giá như thế này là tín hiệu vui cho một năm mới làm ăn, đánh bắt thuận lợi”, ông Hiện cho hay.

Tại xã bãi ngang Hải Khê, huyện Hải Lăng, những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi ngư dân cũng bắt đầu ra khơi đón “lộc biển” đầu năm. Chủ tịch UBND xã Hải Khê Trương Minh Tám thông tin, toàn xã hiện có hơn 400 thuyền gắn máy đánh bắt gần bờ. Năm nay do thời tiết những ngày đầu năm không thuận lợi nên ngư dân “mở biển” muộn hơn so với những năm trước. Mặc dù sản lượng hải sản đánh bắt được ít hơn so với thời điểm này năm trước nhưng bù lại rất dễ bán. Điều phấn khởi hơn nữa là giá cả cũng cao hơn hẳn so với những ngày trước Tết. Nếu bình thường giá cá cháo từ 50.000 - 80.000 đồng/kg thì hiện nay lên đến 130.000 - 150.000 đồng/kg và được thương lái mua ngay tại bến. “Bình quân một chuyến ra khơi, mỗi thuyền thu về từ 3 - 5 triệu đồng. Với những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm, năm 2022 xã Hải Khê tin tưởng sẽ đạt sản lượng đánh bắt trên 3.100 tấn, trong đó hải sản xuất khẩu đạt 400 tấn”, ông Tám cho biết thêm.

Tàu xa bờ rộn ràng vươn khơi

Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, từ sáng 11/2, hàng chục tàu cá xa bờ của ngư dân các xã Triệu An, huyện Triệu Phong; Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã bắt đầu tập trung tại cảng cá Cửa Việt bốc xếp ngư lưới cụ, lương thực, tiếp thêm nhiên liệu… để vươn khơi. Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Quang Hùng, thuyền trưởng tàu cá QT 94522TS ở tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết, tàu cá của anh chuyên đánh bắt bằng nghề lưới vây và pha xúc. Năm 2021 vừa qua, mặc dù gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng tàu cá của anh vẫn khai thác đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập trên 2 tỉ đồng, 13 bạn thuyền được chia từ 100 - 120 triệu đồng mỗi người. Để sẵn sàng cho chuyến biển đầu năm, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ ngư lưới cụ, lương thực, đá lạnh, tu sửa lại máy móc và các nghi lễ theo phong tục của ngư dân, anh không quên thay mới lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cao nhất của con tàu. “Chuyến biển đầu năm rất quan trọng nên tôi và các bạn thuyền chuẩn bị rất kỹ càng. Hy vọng năm nay sẽ tiếp tục là một năm đánh bắt thuận buồm xuôi gió, có hiệu quả cao”, anh Hùng chia sẻ.

Đang làm thủ tục xuất bến tại Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Cửa Việt, ngư dân Võ Thanh Tánh, chủ tàu cá QT 91379TS ở tại thị trấn Cửa Việt cho biết, sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, anh và các bạn thuyền đã chọn ngày 11 tháng Giêng của năm mới Nhâm Dần cho chuyến vươn khơi đầu tiên trong hành trình xin “lộc biển” lần này. Sau khi hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng, tàu cá của anh sẽ thực hiện chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên của năm mới kéo dài từ 12 - 15 ngày tại vùng biển Hoàng Sa. “Bước vào năm mới Nhâm Dần, hy vọng COVID-19 sẽ được kiểm soát, giá nhiên liệu ổn định, giá các loại hải sản tăng cao để ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển, bám ngư trường, vừa đánh bắt vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, anh Tánh kỳ vọng.

Đồng hành với ngư dân

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, theo truyền thống của địa phương, ngư dân các xã bãi ngang như Vĩnh Thái, Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh; Trung Giang, Gio Hải, huyện Gio Linh; Triệu Lăng, Triệu Vân, huyện Triệu Phong; Hải An, Hải Khê, huyện Hải Lăng… thông thường sẽ “mở biển” vào ngày mồng 2 tết Nguyên đán hằng năm. Còn các tàu cá khai thác xa bờ làm nghề lưới rê khai thác cá thu, cá ngừ; nghề lưới vây… ở vùng biển khơi và ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ cũng thường ra khơi vào ngày mồng 5, mồng 6 tháng Giêng. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, từ những ngày giáp tết Nguyên đán hết ngày mồng 9 tháng Giêng trên địa bàn tỉnh có gió mạnh, biển động mạnh không thuận lợi cho hoạt động đánh bắt nên phải đến sau ngày 10 tháng Giêng, khi điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, ngư dân trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu ra khơi “mở biển” đầu năm. Theo ông Nam, ngay trong những chuyến đi biển đầu năm mới, ngư dân các xã bãi ngang đã đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị cao như cá cháo, mực nang, ốc biển… Kết hợp với giá các loại hải sản khá cao so với mọi năm nên ngư dân rất phấn khởi.

Đồng hành với ngư dân, Chi cục Thủy sản đã tăng cường theo dõi tình hình thời tiết, mùa vụ để hướng dẫn, động viên bà con tích cực bám biển khai thác đảm bảo an toàn và hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ khai thác, cũng như tuyên truyền ngư dân thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Luật Thủy sản 2017 nhằm góp phần cùng với cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu đối với hàng thủy sản Việt Nam. “Với ngư dân, những chuyến ra khơi đầu năm không chỉ giúp họ có thêm nguồn thu nhập đáng kể mà còn có ý nghĩa khởi đầu cho một mùa biển mới với mong ước một năm sóng êm, biển lặng, tôm cá đầy khoang.”, ông Nam cho hay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trao 100 triệu đồng quà Tết cho ngư dân khó khăn ở huyện Gio Linh

Lê Trường |

Ngày 17/1, Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức thăm, tặng quà ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở các xã ven biển huyện Gio Linh (Quảng Trị) nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Mai Xuân Tâm tham dự.

BĐBP Quảng Trị: Kịp thời cứu 3 ngư dân gặp nạn trên biển

Trường Sơn |

Ngày 11/1/2022, Đồn Biên phòng Triệu Vân phối hợp với Đồn Biên phòng Cồn Cỏ và Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã kịp thời cứu nạn thành công 3 ngư dân gặp nạn trên biển.

Ngư dân thả đồi mồi quý hiếm về biển

Tây Long |

Ngày 21/9/2021, theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ, ngư dân trên địa bàn vừa thả một con đồi mồi quý hiếm về biển.

Ngư dân ngừng ra khơi để phòng chống dịch

V.T |

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều cảng cá đã ngưng hoạt động, đồng nghĩa với đó là chuỗi sản xuất của ngư dân đã bị đứt gãy, tàu cá phải neo bờ. Trước thực tế này, nhiều giải pháp cấp bách được các địa phương và ngành chức năng đưa ra, trong đó trước mắt là điều chỉnh lộ trình cập bến cho tàu cá từ những cảng cá nằm trong vùng nguy cơ cao sang những cảng cá nằm trong vùng an toàn.