Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi

Thu Hạ |

Phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, những năm qua, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không chỉ gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương mà còn tích cực tham gia phát triển kinh tế. Từ đó đã có nhiều tấm gương điển hình xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, là gương sáng cho con cháu noi theo.


Theo Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh Nguyễn Hà Phương, phong trào “NCT nêu gương sáng phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo” được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội. Hiện nay, 100% chi hội và cơ sở hội thường xuyên động viên, khích lệ, phát động hội viên đăng ký thực hiện; tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội để hỗ trợ NCT về vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cùng với đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái, các hội viên NCT còn giúp nhau về cây, con giống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 84.117 hội viên/91.822 NCT đạt tỉ lệ 91,6% tổng số NCT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 5.625 hội viên NCT hiện đang là chủ trang trại, cơ sở sản xuất nông, lâm, thuỷ hải sản, trồng rừng được duy trì và phát triển, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT-XH của địa phương; 70% NCT đang trực tiếp tham gia sản xuất trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ.

Ông Nguyễn Xuân Đức, ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh chăm sóc rừng cây gỗ lớn của gia đình - Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Xuân Đức, ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh chăm sóc rừng cây gỗ lớn của gia đình - Ảnh: H.T

Chúng tôi có dịp đến thăm một trong những tấm gương NCT làm kinh tế giỏi là gia đình ông Nguyễn Xuân Đức, (67 tuổi), ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, những năm qua, ông Đức đã không ngừng nỗ lực, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, với bản tính cần cù chịu khó, ông Đức đã tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho gia đình với mô hình trồng rừng, phát triển thành rừng gỗ lớn kết hợp với chăn nuôi bò và trồng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: vải, chanh leo, cam... cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ năm. Ông Đức chia sẻ “Tôi không nghĩ tuổi cao rồi thì phải nghỉ ngơi. Còn sức khỏe, còn minh mẫn thì NCT vẫn có thể lao động và có những đóng góp tích cực cho xã hội”.

Cũng đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Võ Doãn Thụ, ở Khu phố 8, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh vẫn hăng say lao động, không ngừng tìm tòi, học hỏi để phát triển và mở rộng các mô hình kinh tế. Theo đó, năm 2017 ông Thụ đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi lợn nái giống khép kín với tổng số vốn trên 10 tỉ đồng, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Đến năm 2019, ông Thụ tiếp tục đầu tư thêm 6 tỉ đồng xây dựng trang trại lợn thịt khép kín, công nghệ cao với quy mô 1.000 con lợn. Mặt khác, ông Thụ còn trồng thêm 500 gốc tiêu; đầu tư máy ép phân viên nén hữu cơ để bón cho cây trồng, đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường sống; mở xưởng sản xuất bột ngũ cốc và các loại tinh dầu...

“Nhờ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, các mô hình kinh tế đã mang lại lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm cho gia đình tôi. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương với thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng/người và 8 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ tháng/người. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các hội viên Hội NCT thị trấn; tích cực tham gia, ủng hộ các phong trào thi đua yêu nước, từ thiện nhân đạo ở địa phương”, ông Thụ chia sẻ.

Ông Nguyễn Hà Phương cho biết thêm: “Dù tuổi cao nhưng NCT trong tỉnh vẫn phát huy trí tuệ cùng kinh nghiệm để duy trì hiệu quả các mô hình sản xuất, mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Những tấm gương này đã tạo sức lan tỏa, có giá trị lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ biết quý trọng sức lao động, tự lực vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò và vị thế của lớp NCT trong gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh”.

Thời gian tới, các cấp Hội NCT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phong trào “NCT nêu gương sáng phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo” để tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ: Trồng thêm 2,2 ha cây đàn hương xen với keo lai nuôi cấy mô

Anh Vũ |

Nhằm tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm tiếp tục trồng thêm 2,2 ha cây đàn hương xen với keo lai nuôi cấy mô gỗ lớn tại thôn Mỹ Xuân, xã Thanh An, nâng diện tích cây đàn hương trên địa bàn huyện lên gần 7 ha.

Hướng Hóa rà soát, thu hồi cây cà phê giống kém chất lượng

Hoàng Táo |

Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2023, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cấp 332.000 cây cà phê giống cho nông dân trong huyện theo chương trình tái canh cà phê.

Trồng trái vụ gần 1.100 ha các loại cây có giá trị kinh tế cao

Đạo Thiện |

Đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, nhiều năm qua các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã đưa vào sản xuất hiệu quả cây trồng vụ đông với giá trị mang lại khá cao, riêng vụ đông năm 2023 toàn tỉnh sản xuất hơn 1.100 ha.

Cây ném của xã Cam Chính được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP

Anh Vũ |

Chủ tịch UBND xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Nguyễn Văn Hà cho biết, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa có quyết định về việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm trồng trọt phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với sản phẩm cây ném của HTX Nông nghiệp Cam Chính.