Người dân hai thôn Cát, Trỉa mong mỏi có một con đường thông suốt, an toàn

Hiếu Giang |

Nhiều năm nay cứ đến mùa mưa bão, người dân hai thôn Cát và Trỉa của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) lại nơm nớp nỗi lo bị cô lập, chia cắt giao thông.

Ở địa bàn được biết đến là những thôn xa nhất, nghèo nhất của huyện, đường sá đi lại quả thực lắm nỗi gian nan bởi chỉ cần sau mỗi trận mưa, mức độ nguy hiểm của đường đi lại càng trở nên khó lường hơn. Giao thông đi lại khó khăn đã và đang là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và việc học hành của con em nơi đây.

Hai thôn Cát và Trỉa cách trung tâm xã Hướng Sơn khoảng gần 20 km, trong đó 2 km đầu đi được bằng xe máy, còn lại là đường rừng. Hiện trạng đường giao thông vào hai thôn này vẫn là đường mòn từ hồi chiến tranh để lại với 8 điểm sạt lở và phải vượt qua 6 suối đá gập ghềnh. Có nhiều đoạn đường nhỏ men dựa theo sườn núi hẹp, một bên là mép vực sâu giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Do đường giao thông đi lại khó khăn nên cuộc sống người dân các thôn này cũng muôn phần vất vả. Anh Hồ Văn Kiều, người dân thôn Trỉa cho biết, anh thường xuyên phải cáng người bệnh trong thôn ra trạm y tế cứu chữa. Dù là một thanh niên trẻ tuổi, sức khoẻ tốt nhưng đối với anh để vượt qua cung đường rừng khổ ải ra đến trung tâm quả thật là một thử thách rất đỗi gian truân.

Muốn vào được đến các thôn Cát, Trỉa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá phải vượt qua rất nhiều suối sâu, đá gập ghềnh -Ảnh: Đ.V
Muốn vào được đến các thôn Cát, Trỉa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá phải vượt qua rất nhiều suối sâu, đá gập ghềnh -Ảnh: Đ.V

“Việc cáng người bệnh ra trung tâm xã diễn ra thường xuyên. Có hôm 11-12 giờ tối có người trong thôn ốm nặng phải chuyển ra trung tâm xã để đưa về tuyến huyện, tỉnh chữa bệnh. Anh em trẻ chúng tôi thay nhau cáng băng rừng, lội suối nhưng do đường đi khó nên phải mất đến hơn 3 giờ đồng hồ mới tới trạm y tế xã. Cũng đã có trường hợp bệnh nặng mất trên đường đưa ra trung tâm xã, rất thương tâm”, anh Kiều kể.

Ngoài ra, theo anh Kiều, các em học sinh đến bậc THCS phải ra trung tâm xã để học cũng phải lặn lội đi bộ đến 3 - 4 giờ mới đến nơi. “Trời nắng gia đình còn cố gắng vượt đường khó để chở các em ra trường ở trung tâm xã, còn mùa mưa là chịu. Rất vất vả để con em có thể theo học con chữ ở vùng đất xa xôi, biệt lập như ở thôn Trỉa và Cát”, anh Kiều nói thêm.

Trong khi đó, anh Hồ Văn Chương, cán bộ thú y xã Hướng Sơn, một trong những người thường xuyên về cơ sở để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng gia súc, gia cầm ở các thôn bản cũng thấm thía nỗi gian nan của người dân.

Anh Chương cho biết, anh là một tay lái xe máy cứng ở địa phương nhưng cũng rất ngán ngẩm mỗi lần có việc phải vào các thôn Cát, Trỉa. “Đi đường cứ gập ghềnh sỏi đá, lên dốc xuống suối liên tục nên mỗi lần mang vắc xin tiêm phòng đi là cứ sợ bị hỏng. Cũng may tôi gắn bó vùng đất này lâu nên nhiều kinh nghiệm và khắc phục được. Đường đi quá khó khăn, nhất là mùa mưa lũ nên có nhiều lần tôi bị mắc kẹt mấy ngày liền ở trong thôn Cát, Trỉa, không ra được trung tâm do nhiều đoạn đường bị ngập sâu và sạt lở”, anh Chương cho biết.

Theo anh Chương, người dân địa phương rất mong sớm có một con đường nối thông hai thôn này về với trung tâm xã để thuận lợi trong đi lại, mua bán nông sản, con em học hành và góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Giao thông chính là lực cản lớn nhất khiến hai thôn Cát và Trỉa khó thoát khỏi cảnh nghèo khó. Còn nhớ vào mùa mưa lũ năm 2020 khiến hai thôn bị cô lập gần một tuần và việc tiếp tế gần như không thể thực hiện được. Với địa hình có độ dốc lớn, việc canh tác không thuận lợi, nông sản làm ra khó tiêu thụ khiến cuộc sống của 149 hộ dân hai thôn này gặp không ít trở ngại, khó khăn. Hầu hết con em trong độ tuổi lao động chọn cách đi làm xa để có thu nhập.

Già làng thôn Trỉa Trần Giang Sơn giải bày: “Hơn 50 năm nay rồi, hai thôn Cát, Trỉa thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhất huyện, tỉnh vẫn chưa được đầu tư làm đường giao thông. Vì vậy việc đi lại của người dân, cán bộ cơ sở, thầy, cô giáo và các cháu học sinh hết sức vất vả. Công tác xoá đói giảm nghèo của các thôn này cũng khó thực hiện được. Hơn bao giờ hết, chúng tôi mong muốn nhà nước sớm quan tâm, đầu tư xây dựng một con đường thông suốt vào đến các thôn để giúp người dân đi lại thuận lợi hơn”.

Đường đi không đảm bảo an toàn, thường xuyên sạt lở, chính vì vậy việc đầu tư hạ tầng ở đây rất khó khăn. Hai thôn Cát, Trỉa chỉ mới được đóng điện vào năm 2017 và có sóng điện thoại vào năm 2021. Mùa mưa bão năm nay, rất có thể hai thôn Cát, Trỉa lại thêm nhiều lần nữa bị cô lập do đường giao thông đi lại bị chia cắt bởi các con suối lớn, nhỏ.

Niềm mong mỏi lớn nhất của người dân cũng như cấp uỷ, chính quyền xã Hướng Sơn là sớm có một con đường bê tông để gỡ khó về vấn đề đi lại và tạo cơ hội để bà con hai thôn Cát, Trỉa phát triển kinh tế lâu dài.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc

Minh Đức |

Ngày 1/6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc.

Du lịch ‘xanh’ là con đường để phát triển du lịch bền vững

PV |

Du lịch xanh là con đường để phát triển du lịch bền vững, cũng là chủ trương mà thành phố Hà Nội định hướng phát triển cho du lịch Thủ đô.

Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số

Minh Khôi |

Tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2023, sáng 24/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số, Chính phủ giữ vai trò dẫn dắt với tư duy từ doanh nghiệp, các nhà khoa học.

Chung tay góp sức xây dựng tuyến đường hoa ở Tân Liên

Xanh EWEC |

Hướng tới chào mừng Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa (09/7/1968 – 09/7/2023), UBND xã Tân Liên (Hướng Hoá, Quảng Trị) phối hợp với Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức kêu gọi nguồn lực xã hội để trồng hoa Osaka và hoa chuông vàng tại một số tuyến đường.