Người phụ nữ Vân Kiều níu giữ nghề truyền thống

Minh Long |

Từ nhiều đời trước, đồng bào Vân Kiều sống dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ đã có thói quen hút thuốc lá bằng tẩu (ống điếu). Vì thế, tẩu thuốc trở thành vật dụng quen thuộc trong đời sống của họ và là một nét văn hóa đặc trưng. Ngày nay, với cuộc sống hiện đại thì những chiếc tẩu thuốc của đồng bào Vân Kiều đang dần ít đi. Người biết làm tẩu chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vậy nhưng, với niềm đam mê đặc biệt, bà Hồ Thị Ưa (73 tuổi), ở thôn Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn nỗ lực duy trì làm tẩu.


Từ thời thơ ấu, chiếc tẩu thuốc luôn là hình ảnh thân thuộc với Ưa khi ông bà, bố mẹ, những người xung quanh thường sử dụng nó. Ưa luôn băn khoăn có điều gì đặc biệt ở chiếc tẩu thuốc đã làm nên sự gắn bó mật thiết với con người đến như thế. Từ đó, Ưa dành thời gian tìm hiểu cách làm tẩu thuốc từ ông bà và mẹ.

Quy trình làm nên một chiếc tẩu không hề dễ dàng, nguyên liệu cũng rất khó tìm kiếm. Suốt nhiều năm tìm hiểu và tập làm tẩu thì đến tuổi thanh niên, Ưa đã thành thạo và gắn bó với nghề cho đến tận bây giờ. “Làm tẩu thuốc là một công việc không dễ dàng. Khó khăn nhất là tìm kiếm, lựa chọn đúng nguyên liệu đất sét chuẩn. Việc uốn nắn khuôn hình, tạo ống thông của tẩu thuốc, canh nhiệt độ nung cũng kỳ công và phải hết sức cẩn thận”, bà Ưa chia sẻ.

Bà Ưa sẵn sàng truyền dạy cách làm tẩu thuốc cho những người có đam mê với nghề truyền thống -Ảnh: M.L
Bà Ưa sẵn sàng truyền dạy cách làm tẩu thuốc cho những người có đam mê với nghề truyền thống -Ảnh: M.L

Cũng theo bà Ưa, nguyên liệu chính để làm nên tẩu thuốc đó là đất sét không bị pha lẫn các tạp chất. Đặc điểm của loại đất sét này là mềm, mịn, dẻo. Mặt ngoài cùng có màu đỏ, lớp tiếp theo có màu xám rồi đến lớp màu đen. Các công đoạn biến đất sét thành tẩu thuốc không hề đơn giản, đòi hỏi người nghệ nhân phải có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo, chịu khó và kiên nhẫn. Tất cả các công đoạn làm tẩu đều được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, tự tay nghệ nhân này chuẩn bị. Đất sét sau khi lấy về sẽ được nhào nặn cho đạt đến độ mềm dẻo, sánh mịn.

Sau đó cuộn tròn từng mẫu riêng, có kích cỡ bằng quả trứng gà. Từng mẫu này sẽ được nắn ép rất kỳ công và cẩn thận theo hình dáng của chiếc tẩu. Một công đoạn nữa cũng rất quan trọng đó chính là tạo đường thông của tẩu, làm sao để vừa thông hơi cho tẩu, vừa không làm mất hình dáng đặc trưng, đảm bảo tính thẩm mỹ của tẩu vừa mang lại cho người dùng cảm giác thưởng thức được trọn vẹn hương vị độc đáo của thuốc lá do chính họ trồng và chế biến.

Để làm được điều đó, bà Ưa chọn một đoạn dây bằng sắt, uốn cong làm sao cho khớp với chiếc tẩu, đem nung nóng ở nhiệt độ cao, sau đó khéo léo luồn vào thân tẩu. Hoàn thành được công đoạn này, tẩu thuốc sẽ được đem phơi nắng cho thật khô. Tiếp đến là nung nóng bằng cách vùi hoàn toàn trong tro bếp suốt một đêm, đảm bảo làm sao cho nhiệt độ ấm nóng dần và kéo dài nhằm mục đích làm cứng, chắc nhưng lại tránh rạn vỡ sản phẩm.

Sau một đêm nung, nếu kiểm tra thấy tẩu thuốc từ màu đen đã chuyển hẳn sang màu đỏ thì lấy ra, đem ủ vào trong một lớp cám gạo khá dày, mục đích để cho lớp cám này hút dần nhiệt của tẩu thuốc.

Khi sản phẩm nguội, đạt nhiệt độ theo yêu cầu thì nó sẽ chuyển qua màu đen sánh. Để tiện cho người dùng, ống của tẩu thuốc sẽ được bà Ưa nối dài với một khúc ống nhỏ bằng rễ cây tre, ngắn độ gang tay, ống này được quấn vòng đồng hoặc nhôm mỏng cách điệu trên thân vừa tạo thẩm mỹ, đồng thời tránh vỡ đầu ống. Với tính chất đòi hỏi kỳ công nên sản phẩm được làm ra không nhiều, chủ yếu phục vụ sở thích và thói quen của một số người lớn tuổi trong vùng.

Nay đã bước qua tuổi 70, tuy đôi mắt không còn tinh tường, đôi tay không còn nhanh nhẹn, thu nhập từ việc làm tẩu thuốc cũng không nhiều nhưng với tình yêu nghề của cha ông, bà Ưa quyết tâm giữ gìn nghề đến khi nào sức khỏe không cho phép.

Bà Ưa trăn trở: “Làm tẩu thuốc không hề đơn giản, tìm nguyên liệu đã khó mà quá trình làm ra sản phẩm càng khó hơn, mất nhiều công nên rất hiếm người muốn học nghề này. Tôi đã già rồi, sợ sau này hết đời mình thì nghề làm tẩu thuốc sẽ bị mất đi. Vì thế, tôi tha thiết tìm kiếm những người có đam mê với nghề truyền thống để truyền lại cách làm tẩu, giúp lớp con cháu sau này biết được trong kho tàng văn hóa của người Vân Kiều còn có những chiếc tẩu thuốc từng đi cùng năm tháng với cuộc sống của đồng bào ở miền Tây Quảng Trị”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Quan tâm hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Tú Linh |

Du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giúp du khách hiểu hơn về ý nghĩa và tinh hoa văn hóa địa phương kết tinh trong từng sản phẩm làng nghề cũng như nâng cao thu nhập cho người dân khi bán các sản phẩm cho du khách. Tuy nhiên, du lịch làng nghề truyền thống hiện vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng.

Làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy: Sản xuất sạch để khẳng định thương hiệu

Hiếu Giang |

Ra đời từ hàng trăm năm qua và ngày càng phát triển, nghề sản xuất nước mắm truyền thống đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Năm 2012, tỉnh Quảng Trị đã công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy, qua đó tạo động lực để làng nghề vươn xa. 

“Trải nghiệm làng nghề làm nón Trà Lộc” đoạt giải A Cuộc thi video clip “Tôi yêu Quảng Trị” năm 2023

Minh Anh |

Ban tổ chức (BTC) cuộc thi video clip du lịch Tôi yêu Quảng Trị năm 2023 (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan) vừa tổ chức lễ tổng kết, trao giải. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Phát triển làng nghề truyền thống để giải quyết việc làm cho lao động ở Triệu Phong

Tú Linh |

Địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có 4 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận và hiện đang hoạt động. Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề của địa phương.