Người tiên phong phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung ở xã Hải Lệ

Khánh Ngọc |

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi hươu lấy nhung, thương binh Ngô Điệt, ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tích cực động viên và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hươu cho các thành viên Tổ hợp tác nuôi hươu của xã cũng như bà con làng xóm, cùng nhau phát triển nghề nuôi hươu, làm giàu cho gia đình và quê hương.


Trở về quê hương từ chiến trường Campuchia với tỉ lệ thương tật 29% khi mới 21 tuổi, thương binh Ngô Điệt luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến mới xóa đói giảm nghèo.

Cuộc sống của người dân nông thôn những năm 1980 chủ yếu trồng lúa, làm vườn, làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Không cam chịu đói nghèo, ông Ngô Điệt mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, tận dụng lợi thế vùng gò đồi có nhiều đồng cỏ và nguồn thức ăn phong phú sẵn có ở địa phương.

Thời điểm cao nhất là năm 2000, đàn trâu của gia đình ông Ngô Điệt phát triển lên gần 20 con. Chăn nuôi trâu số lượng lớn tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình, song công sức bỏ ra rất nhiều. Phải làm gì để phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện sức khỏe của thương binh trở thành câu hỏi lớn đặt ra với ông Ngô Điệt.

Thương binh Ngô Điệt tiên phong phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị -Ảnh: N.T.H
Thương binh Ngô Điệt tiên phong phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị -Ảnh: N.T.H

Qua tìm hiểu sách báo, nhận thấy nuôi hươu lấy nhung là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều nơi, nguồn thức ăn cho hươu dễ tìm, sẵn có ở địa phương, nên ông quyết định bán đàn trâu của gia đình để chuyển hướng phát triển nghề nuôi hươu. Ngoài canh tác 7 sào ruộng lúa đảm bảo lương thực cho gia đình, còn diện tích 4,5 sào đất trồng màu ông Điệt chuyển sang trồng sắn và ngô phục vụ nuôi hươu. Đến nay, gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi hươu lấy nhung hơn 20 năm.

“So với các loại vật nuôi khác, nghề nuôi hươu không bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây và củ quả có sẵn trong tự nhiên, dễ tìm kiếm. Lợi nhuận từ nghề nuôi hươu mang lại cao hơn và công sức bỏ ra cũng ít hơn. Gia đình tôi đã nuôi nhiều loại vật nuôi, nhưng nhận thấy nuôi hươu ít rủi ro về dịch bệnh và chăm sóc hươu cũng ít vất vả”, ông Ngô Điệt cho biết.

Hươu sao là động vật hoang dã được thuần hóa phát triển thành nghề chăn nuôi hươu lấy nhung là chủ yếu. Khi nuôi được khoảng 3 năm thì hươu đực sẽ cho lộc nhung với trọng lượng mỗi con từ 0,6 - 0,8 kg nhung, tùy theo thể trạng từng con hươu mỗi năm có thể cho cắt lộc nhung từ 1-2 lần. Với giá thị trường từ 15-20 triệu đồng/ kg nhung hươu, mỗi con hươu đực trưởng thành mỗi năm cho sản lượng lộc nhung từ 1,2 - 1,6 kg nhung, bán ra có giá trị khoảng 20 triệu đồng.

Gia đình ông Ngô Điệt thường xuyên duy trì nuôi đàn hươu từ 6-8 con hươu đực, bán nhung hươu mỗi năm trừ chi phí thu về trên 100 triệu đồng. Có năm ông còn nuôi thêm hươu cái sinh sản, mỗi năm hươu cái sinh ra một con hươu con, sau một năm bán hươu giống khoảng hơn 20 triệu đồng/ con.

Đặc biệt, từ năm 2000 khi bắt đầu tìm hiểu nghề nuôi hươu đến nay, đàn hươu của gia đình ông Điệt chưa bao giờ bị dịch bệnh lây từ con này sang con khác, chỉ có những cá thể hươu già yếu hoặc bệnh chết cần phải thay giống. Nếu chăm sóc hươu và cho ăn uống đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát thì đàn hươu sẽ sinh trưởng tốt.

Theo ông Ngô Điệt, nuôi hươu không cần tốn nhiều công chăm sóc; nguồn thức ăn cho hươu chủ yếu là lá, cỏ và phụ phẩm sản xuất nông nghiệp nên chi phí không cao, hiệu quả kinh tế lớn, là hướng đi hấp dẫn cho các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi.

Từ mô hình tiên phong nuôi hươu của ông Ngô Điệt, đến nay trên địa bàn xã Hải Lệ đã thành lập được Tổ hợp tác nuôi hươu với tổng số 12 hộ nuôi; trong đó riêng thôn Như Lệ thời điểm nhiều nhất có 8 hộ nuôi hươu, hiện nay còn 4 hộ nuôi. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư ban đầu mua giống khá cao, nên phong trào nuôi hươu phát triển chưa mạnh.

Không chỉ tiên phong chuyển đổi mô hình chăn nuôi hươu sao gia trại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân, ông Ngô Điệt còn tích cực tham gia hoạt động hội và các phong trào thi đua, cuộc vận động ở địa phương. Ông Ngô Điệt được người dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng nông dân thôn Như Lệ 15 năm, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Như Lệ 5 năm.

Đặc biệt, từ khi ông Ngô Điệt làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Như Lệ, ông đã vận động kết nạp thêm 21 hội viên cựu chiến binh, nâng tổng số hội viên cựu chiến binh thôn lên 73 hội viên. Với sự nhiệt tình tham gia các hoạt động hội, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống, ông Ngô Điệt được Nhân dân địa phương tin yêu, quý mến.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nhân rộng mô hình chăn nuôi dê địa phương

Sỹ Hoàng |

Đakrông (Quảng Trị) là huyện miền núi có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê địa phương sinh sản cũng như thương phẩm. 

Triệu Phong đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Tuấn Quang |

Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có diện tích đất tự nhiên trên 35.000 ha nên rất thuận lợi trong việc phát triển chăn nuôi. Thời gian qua, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tái đàn, khôi phục tổng đàn chăn nuôi, đồng thời khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi trang trại có sự liên kết các yếu tố đầu vào, đầu ra cũng như quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường.

Hơn 11 tỉ đồng hỗ trợ hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi

Thanh Hằng |

 

Ngày 4/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ký ban hành quyết định tạm cấp kinh phí hơn 11 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2021 và 2022.

Thị xã Quảng Trị phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Khánh Ngọc |

Thị xã Quảng Trị có 4 phường, 1 xã với 1.521 cơ sở chăn nuôi thực hiện kê khai các loại vật nuôi theo quy định. Thời gian qua, thị xã thường xuyên tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, đặc biệt là công tác kê khai, rà soát tổng đàn để thực hiện tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung, đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh.