Nguồn lực thúc đẩy phát triển rừng bền vững

Trần Anh Minh |

Với độ che phủ rừng đạt trên 50%, tỉnh Quảng Trị được đánh giá là một trong những địa phương phát triển hiệu quả lâm nghiệp trong cả nước.

Có được kết quả đó là nhờ tỉnh đã sớm ban hành và thực hiện tốt các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững. Bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển rừng để tăng diện tích phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tỉnh còn chú trọng nâng cao chất lượng rừng, kể cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là một trong những nguồn lực đáng kể giúp tỉnh phát triển lâm nghiệp bền vững.

Sau 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được củng cố và tổ chức lại theo Quyết định số 1223/ QĐ-UBND ngày 11/5/2022 của UBND tỉnh. Đây là quỹ tài chính có chức năng vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính để phục vụ công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Hằng năm, nguồn quỹ này của tỉnh đã thu được kinh phí đáng kể từ dịch vụ môi trường rừng, đồng thời có thêm nguồn dịch vụ mới để tăng nguồn thu, đảm bảo chi trả cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Các công ty thủy điện là đối tượng phải trả phí dịch vụ môi trường rừng - Ảnh: T.A.M
Các công ty thủy điện là đối tượng phải trả phí dịch vụ môi trường rừng - Ảnh: T.A.M

Toàn tỉnh có 15 xã nằm trong lưu vực thủy điện. Hằng năm, có 72 nhóm hộ gia đình và tổ tại 40 cộng đồng dân cư thôn, bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trong lưu vực thủy điện.

Với sự tham gia bảo vệ rừng của cộng đồng đã giúp rừng phát triển một cách tự nhiên, tăng khả năng điều tiết nguồn nước nhằm hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho các dòng chảy và hồ trong mùa khô, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, hồ…

Với nhu cầu phát triển các dự án, công trình phục vụ sản xuất và đời sống, hằng năm, tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang sử dụng vào mục đích khác với diện tích phù hợp, do đó, yêu cầu phải đầu tư trồng rừng thay thế. Nhằm phục vụ công tác bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng rừng thay thế, các công ty, dự án thu lợi từ rừng hằng năm phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Từ nguồn quỹ này, tỉnh đầu tư trở lại để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo tăng độ che phủ rừng qua các năm và tiếp tục tạo ra các giá trị bền vững từ môi trường rừng.

Tính đến tháng 11/2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu được gần 47 tỉ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Từ đầu năm 2022 đến nay, các công trình, dự án nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác diện tích hơn 323,5 ha với tổng số tiền để trồng rừng thay thế hơn 28 tỉ đồng.

Từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi hơn 23,8 tỉ đồng cho các mục đích gồm: chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng, hỗ trợ trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế, chi quản lý phí…

Các khoản chi được thực hiện rõ ràng, công khai, trả cho các chủ rừng thông qua hình thức chuyển khoản nên đảm bảo tính minh bạch trong chi quỹ.

Việc khai thác và quản lý tốt nguồn thu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã đảm bảo được nguồn chi trở lại cho các hoạt động tạo ra giá trị môi trường rừng. Hơn 1.700 hộ dân sống trong lưu vực thủy điện và những hộ dân sống trong khu vực trồng rừng thay thế có thêm thu nhập từ nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển rừng bền vững.

Ông Hồ A Dớ, ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Tham gia bảo vệ rừng đầu nguồn, gia đình tôi có được việc làm, có nguồn thu nhập đáng kể, nhờ đó cùng với sản xuất nông nghiệp ở nương rẫy thì đời sống cũng ổn định hơn”.

Mới đây, để đánh giá toàn diện hơn về vấn đề bảo vệ, phát triển rừng và việc sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh đã có đợt kiểm tra giám sát tại các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Phát biểu tại buổi làm việc của Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh với Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến đánh giá cao công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Việc khai thác và quản lý tốt nguồn thu từ dịch vụ rừng đã góp phần đáng kể trong việc quản lý và phát triển rừng bền vững, qua đó tạo được những giá trị môi trường rừng.

Thời gian tới, để đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng nhằm đầu tư trở lại cho người dân làm nghề rừng trong vùng lưu vực thủy điện và những nơi trồng rừng thay thế, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác thu, chi quỹ theo quy định để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

15 năm khẳng định hiệu quả của Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị

Nguyễn Thanh Hải |

Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị khởi công xây dựng năm 2003, cơ bản đưa vào vận hành những hạng mục xây dựng chính năm 2007 và chính thức được nghiệm thu cấp nhà nước, vận hành thương mại năm 2008. 

Sạt lở thủy điện ở Quảng Ngãi, vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường

Thanh Mai |

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết, khối lượng đất đá lớn sạt trượt vùi lấp một số hạng mục của thủy điện Kà Tinh.

Công ty Thủy điện Quảng Trị chủ động ứng phó với thiên tai

Tân Nguyên |

Để ứng phó với các sự cố do thiên tai gây ra, Công ty Thủy điện Quảng Trị đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bão lụt hằng năm. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch về bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị các tổ máy, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn hồ đập cũng như vận hành sản xuất điện an toàn, đạt hiệu quả cao trong mùa mưa bão.

Lũ trên các sông tại Thừa Thiên-Huế lên nhanh, hồ thủy điện xả nước

Đỗ Trưởng |

Do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng, sáng 10/10, mực nước trên sông Hương đang ở mức trên báo động 1; sông Bồ dưới mức báo động 1 và sẽ lên báo động 2 vào trưa ngày 10/10.